Bắc Kạn chủ động sắp xếp tài sản công, chuẩn bị cho sáp nhập hành chính

BBK- Trước thềm việc sắp xếp đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành rà soát tổng thể tài sản công và đề xuất các phương án xử lý phù hợp, hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách và phát huy hiệu quả sử dụng tài sản công.

 Các trụ sở cũ sẽ được tận dụng tối đa để tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Các trụ sở cũ sẽ được tận dụng tối đa để tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Báo cáo của UBND tỉnh, hiện Bắc Kạn có 1.361 khuôn viên nhà đất thuộc diện quản lý và sử dụng, bao gồm trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp, các dự án đầu tư đang triển khai hoặc đã phê duyệt chủ trương. Việc sáp nhập với tỉnh Thái Nguyên (dự kiến) sẽ kéo theo nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhu cầu sử dụng trụ sở các cấp, buộc địa phương phải tính toán, đề xuất các phương án bố trí lại một cách hợp lý.

Sử dụng tối đa các trụ sở cũ

Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có gần 700 đơn vị trực thuộc tỉnh, với tổng biên chế 13.631 người. Sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy hành chính, số đơn vị dự kiến sau sáp nhập còn 37 đơn vị hành chính cấp xã (35 xã và 02 phường), yêu cầu có ít nhất 37 trụ sở làm việc mới. Theo phương án mà tỉnh đề xuất với Trung ương, một phần các xã mới sẽ tận dụng các trụ sở cũ, số khác sẽ sử dụng lại trụ sở của UBND huyện, Thành ủy hoặc các sở, ngành cũ dôi dư sau sáp nhập. Tuy nhiên, không ít trụ sở xã hiện hữu đang thiếu diện tích theo tiêu chuẩn định mức, gây khó khăn cho việc đảm bảo nơi làm việc đúng quy định.

 Công trình xây dựng trụ sở làm việc của Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh được tỉnh Bắc Kạn đề xuất tiếp tục đầu tư do hiện nay Trung ương chưa có chỉ đạo về việc sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các Ban quản lý dự án cấp tỉnh.

Công trình xây dựng trụ sở làm việc của Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh được tỉnh Bắc Kạn đề xuất tiếp tục đầu tư do hiện nay Trung ương chưa có chỉ đạo về việc sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các Ban quản lý dự án cấp tỉnh.

"Gọn bộ máy – chú trọng hiệu quả hoạt động – tránh lãng phí” đang trở thành kim chỉ nam trong hành trình Bắc Kạn sắp xếp lại tài sản, cơ sở hạ tầng công sau đợt sáp nhập đơn vị hành chính. Không chỉ là bài toán về tài chính, hành chính, đây còn là bước đệm chiến lược để tỉnh chủ động bước vào giai đoạn phát triển mới, hiện đại, hiệu quả hơn.

Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn đang quản lý 696 đơn vị hành chính và sự nghiệp, 1.361 trụ sở, khuôn viên, công trình công. Số lượng lớn đơn vị và tài sản công này từng là nền tảng phục vụ quản lý hành chính hiệu quả trong điều kiện chia tách địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, sau sáp nhập các đơn vị hành chính, đặc biệt là cấp xã, nhiều trụ sở sẽ dôi dư, gây ra áp lực lớn về quản lý, duy tu và đặc biệt là khả năng lãng phí nguồn lực ngân sách nếu không được xử lý kịp thời.

Theo thống kê, toàn tỉnh dôi dư 27 trụ sở cấp huyện và 48 trụ sở xã không còn phù hợp chức năng. Những con số này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sắp xếp lại một cách khoa học, tiết kiệm, đồng thời tận dụng được tối đa giá trị tài sản hiện có.

Rà soát thật kỹ để sắp xếp phù hợp

Trong danh mục tài sản cần xử lý sau sáp nhập, một số dự án đầu tư trụ sở đã và đang triển khai cũng cần được rà soát để quyết định hướng đi phù hợp. Việc tạm dừng những dự án chưa triển khai hoặc không còn phù hợp sau sáp nhập, không chỉ tiết kiệm được ngân sách mà còn tránh lãng phí tài nguyên, thể hiện sự chủ động điều chỉnh chiến lược đầu tư công của tỉnh.

Sau khi rà soát, tỉnh Bắc Kạn có 03 dự án (02 dự án công trình trụ sở, 01 dự án công trình khác) bố trí từ nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh điều hành chịu tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính. Trong đó có 01 dự án, công trình đề xuất tiếp tục đầu tư là trụ sở làm việc của Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông, 02 dự án, công trình đề xuất dừng triển khai thực hiện đó là trụ sở làm việc Hội Cựu chiến binh tỉnh và Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Bạch Thông.

Để giải bài toán xử lý tài sản sau sáp nhập, Bắc Kạn đưa ra hàng loạt giải pháp linh hoạt, tiết kiệm mà vẫn đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân và chính quyền. Đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: ”Tỉnh đang kiến nghị Trung ương cho phép thực hiện theo phương án, đối với những trụ sở cấp xã dôi dư có thể được tạm giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất hoặc chính quyền địa phương quản lý nhằm bảo vệ, sử dụng đúng mục đích, tránh xuống cấp. Cho tạm thời sử dụng 2 trụ sở tại các xã mới sáp nhập, trong trường hợp chưa kịp cải tạo hoặc thiếu diện tích sẽ tận dụng lại trụ sở của các Sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh để bố trí làm trụ sở cấp xã, nếu phù hợp, nhằm giảm chi phí đầu tư mới".

Những giải pháp này cho thấy Bắc Kạn không xử lý theo kiểu “cắt giảm cơ học”, mà là một chiến lược sắp xếp tinh gọn đi đôi với hiệu quả sử dụng tài sản công.

Không chỉ là bài toán về trụ sở hay con người, việc sắp xếp lại tài sản sau sáp nhập còn là cơ hội để Bắc Kạn thực hiện một cuộc cải tổ mạnh mẽ trong tổ chức bộ máy, hướng đến mục tiêu: Tinh gọn bộ máy, giảm chồng chéo, nâng cao năng lực quản lý. Tránh lãng phí ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư công. Phát huy tối đa giá trị tài sản công, phục vụ tốt nhất cho người dân đồng thời sẵn sàng tâm thế cho một giai đoạn phát triển hiện đại, bền vững hơn.

Với 37 xã sau sáp nhập cần sử dụng trụ sở mới, Bắc Kạn đang đứng trước cơ hội quy hoạch lại mạng lưới hành chính địa phương. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng quản lý mà còn là tiền đề để xây dựng hệ thống chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo nên một chính quyền hiện đại – gần dân – phục vụ tốt hơn./.

Phương Thảo

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/bac-kan-chu-dong-sap-xep-tai-san-cong-chuan-bi-cho-sap-nhap-hanh-chinh-post70193.html
Zalo