Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên (kỳ 4)

Ngày Bác mất, một nửa nước còn đắm chìm trong lửa đạn đau thương. Đồng bào Tây Nguyên cùng chia sẻ nỗi đau chung của toàn dân tộc. Hướng về Hà Nội, nơi có bóng hình Người, dù trong ngục tù đế quốc, giữa lòng đô thị sào huyệt kẻ thù hay buôn làng hẻo lánh, đồng chí, đồng bào Tây Nguyên đều đã tìm mọi cách để làm lễ tưởng niệm và thờ cúng vị lãnh tụ kính yêu…

KỲ 4: NHỮNG LỄ TƯỞNG NIỆM ĐẶC BIỆT

Cựu dũng sĩ diệt Mỹ Điểu Thị Lôi (thứ 2 từ phải qua) - kể chuyện về lễ tưởng niệm Bác năm 1969 ở Khu ủy Khu VI

Cựu dũng sĩ diệt Mỹ Điểu Thị Lôi (thứ 2 từ phải qua) - kể chuyện về lễ tưởng niệm Bác năm 1969 ở Khu ủy Khu VI

TƯỞNG NIỆM BÁC TRONG NHÀ LAO ĐÀ LẠT

Bà Nguyễn Thị Phú, từng là một cơ sở cách mạng nội thành Đà Lạt, kể lại: “Năm 1969, tôi bị địch bắt trong khi đang làm nhiệm vụ, chúng giam giữ tôi tại nhà lao Đà Lạt. Tại đây, tôi gặp chị Sáu Muối cũng là cơ sở cách mạng, cũng bị địch bắt ở chung một buồng giam. Cuộc sống lao tù tăm tối; ngày nọ tiếp ngày kia, chị em chúng tôi phải chịu đựng biết bao cực hình tra tấn và phải nghe những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc cách mạng của địch. Vào một buổi sáng, tên giám thị khu lao đi ngang qua phòng giam, nó đứng lại trước cửa nói vọng vào, giọng nó đanh lại như thách thức: Bác Hồ của tụi bây chết rồi đó, tụi bay để tang đi. Mặc dù chúng tôi vẫn bán tin, bán nghi trước cái tin mà kẻ thù đã nhiều lần tung ra ấy, nhưng cả phòng giam đều lặng người đi giây lát, mỗi người đều mải theo suy nghĩ của mình. Rồi chúng tôi bàn nhau tìm cách xác minh lại xem có đúng Bác Hồ kính yêu đã mất hay không…”.

Theo lời kể của bà Phú, ngày hôm sau, được cơ sở bên ngoài gửi vào cho chị em tù một tờ báo, có đưa tin Bác mất. Khi nhận được thông tin chính thức, các đồng chí trong các phòng giam không ai giấu được nỗi xúc động của mình, ai cũng khóc nhưng không dám khóc lớn. Không khí trong các phòng giam trở nên trầm lặng khác thường. Bà Phú cùng bà Sáu Muối bàn cách tổ chức cho chị em làm lễ tưởng niệm Bác. Và rồi, trong vòng kiểm soát gắt gao của nhà tù, không lập được bàn thờ, không có nén nhang, chỉ có ngọn đèn dầu thắp sáng trong góc phòng giam, họ đã ngồi vây quanh, hai tay chắp trước ngực, nước mắt chảy dài. Họ đã ngồi như vậy thật lâu và không biết sẽ ngồi như vậy trong bao lâu, nếu không có tin báo bọn gác tù đang đi tới phòng giam...

Bà Phú kể tiếp: “Sau lễ tưởng niệm Bác, chị em chúng tôi ngồi lại kể cho nhau nghe những mẩu chuyện về Người mà mỗi người nghe được. Ai cũng có tâm tư và nỗi 1o riêng, Bác mất rồi cách mạng sẽ ra sao? Ước muốn đón Bác vào thăm miền Nam khi nước nhà thống nhất đã không thực hiện được. Nhưng giữa lao tù đế quốc, chị em chúng tôi tự nhủ và động viên nhau quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, không vì Bác mất mà giao động, bi quan”. Cũng từ đó, khí thế đấu tranh trong nhà lao ngày một cao thêm, với tâm niệm là góp một phần nhỏ xương máu của mình cho ngày hòa bình, thống nhất nhanh đến, thỏa lòng mong mỏi của Bác lúc sinh thời…

Từ ngày đất nước thống nhất, mỗi ngày dòng người nối nhau vào Lăng viếng Bác

Từ ngày đất nước thống nhất, mỗi ngày dòng người nối nhau vào Lăng viếng Bác

NIỀM TIN YÊU THẦM LẶNG

Trong hồi ký của mình, đồng chí Hà Huy Do, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng, ghi lại: “Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, tôi còn khắc ghi mãi những việc làm cảm động của đồng bào Di Linh trong những ngày tháng 9 năm 1969, sau khi Bác Hồ kính yêu đã mãi mãi đi xa”.

Theo lời đồng chí Hà Huy Do: Một buổi chiều thượng tuần tháng 9/1969 mưa tầm tã, đồng chí Do đang trên đường về chiến khu nơi rừng già căn cứ Nam đường 20, gần đến núi Sa Bung (nơi cơ quan Tỉnh ủy Lâm Đồng đóng) thì nghe tin Bác mất qua làn sóng điện Đài tiếng nói Việt Nam. Hà Huy Do bàng hoàng như không tin vào tai mình nữa, cố gắng đi tiếp về đến cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, ở đây các đồng chí cán bộ, công nhân viên đang chuẩn bị tổ chức lễ truy điệu Bác. Không gian như lặng đi trong giờ phút đau thương, ai çũng giàn giụa nước mắt và ân hận vì chưa hoàn thành được nhiệm vụ giải phóng miền Nam để đón Bác vào thăm. Sau khi dự hội nghị ở tỉnh, đồng chí Do trở về địa bàn K3 (tức huyện Di Linh). Việc trước hết là tiến hành tổ chức lễ truy điệu Bác và tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào biết thân thế và sự nghiệp của Bác, tránh được sự xuyên tạc của kẻ thù.

“Cuối tháng 9/1969, tại một rẫy bắp của đồng bào K'Ho (thuộc xã Đinh Lạc, Di Linh bây giờ), tôi đã mời một số cơ sở và quần chúng tốt sinh hoạt. Khi tôi chưa kịp hỏi tình hình trong khu ấp chiến lược và bàn công tác đấu tranh thì các cơ sở họ đã vội vàng hỏi: Anh có nghe, có biết tin Bác Hồ mất chưa? Dân chúng trong các ấp chiến lược nhiều người biết rồi đó, họ bàn tán công khai việc này và được nhìn thấy cả ảnh của Bác Hồ nữa. Tôi không khỏi ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh em và trả lời cho mọi người biết là Bác Hồ đã mất thật rồi”, đồng chí Hà Huy Do kể tiếp. Lúc đó mọi người như lặng di theo dòng suy nghĩ của mình. Một lúc lâu có người hỏi: Tại sao miền Bắc đã độc lập, có nhiều bác sĩ mà không cứu chữa được, để Bác mất sớm quá, không để Bác thấy được nước nhà độc lập, làm Bác không vào thăm miền Nam được!? Người khác nói thêm: Lúc Bác đau nhẹ tại sao không để Bác nghỉ mà còn để Bác làm việc? Bác mất rồi có ai tài giỏi để thay Bác không?

Nghe mọi người hỏi vậy, đồng chí Hà Huy Do đã tìm mọi cách giải thích cho anh em hiểu hết tình hình sức khỏe của Bác vì tuổi cao, sức yếu và Bác đã trải qua nhiều gian khổ nên Bác đã phải ra đi mặc dầu Đảng, Nhà nước đã tập trung, tận tình cứu chữa. Hiểu rõ được mọi điều, anh em quyết tâm biến đau thương thành bành động cách mạng. Sau đó anh em trở về buôn làng tổ chức lễ truy điệu Bác. Lễ truy điệu đơn sơ nhưng rất ý nghĩa, thiết thực, giúp cho bà con hiểu được tóm tắt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, về đạo đức, tác phong và tình cảm của Bác đối với đồng bào.

Sau ngày Bác mất, ngay trong thị trấn Di Linh, nơi cơ quan đầu não của địch đóng giữ mà nhân dân vẫn tìm mọi cách làm lễ truy điệu, lễ cầu siêu cho Bác. Cũng chính trong những ngày đau thương đó mới thấy hết được tình cảm thiêng liêng của đồng bào các dân tộc Di Linh nói riêng, người dân Lâm Đồng và miền Nam nói chung đã dành cho Bác kính yêu…

THỜ BÁC GIỮA SÀO HUYỆT QUÂN THÙ

Hai đồng chí Hồ Quyết Tiến và Nguyễn Thị Ngọc Sương, cũng kể: Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cặp vợ chồng này được tổ chức bố trí hoạt động hợp pháp tại thị xã B'Lao (Bảo Lộc). Hoạt động ngay giữa sào huyệt của địch, nhưng họ luôn tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra. Hình ảnh cao đẹp của Bác, bao giờ cũng là nguồn động viên lớn nhất đối với hai chiến sĩ trong suốt cuộc đời theo Đảng làm cách mạng.

Ngày 3/9/1969, theo dõi Đài Tiếng nói Việt Nam và được tin Bác ốm nặng. Sáng hôm sau, khi nghe tiếng phát thanh viên nghẹn ngào báo tin Bác không còn nữa, hai người đồng chí vô cùng xúc động, không dám tin đó là sự thật. Trưa hôm đó, có bốn đảng viên và cơ sở đến nhà và hỏi: Có phải Bác mất rồi không? Bây giờ phải làm gì? Vợ chồng hai đồng chí Tiến và Sương đã bảo anh em về nhà mình thắp nhang thờ cúng Bác, chi bộ sẽ bàn kế hoạch tổ chức lễ truy điệu Bác. Vài ngày sau, chi bộ họp tại nhà họ (số 30 đường Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay) để bàn việc tổ chức lễ truy điệu và vận động nhân dân tưởng nhớ Bác dưới hình thức cầu siêu.

Sáng ngày 10/9/1969, chi bộ hoạt động bí mật trong nội thị Bảo Lộc đã tổ chức lễ truy điệu Bác. Cùng với các loại hoa quả, nhang đèn, trên bàn thờ, hai bên là cờ Đảng và cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và khẩu hiệu “Vô cùng thương tiếc Chủ tich Hồ Chí Minh vĩ đại” và “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”. Tất cả các lá cờ và khẩu hiệu đều làm bằng giấy để khi làm lễ xong đốt ngay, đề phòng địch theo dõi phát hiện. Buổi lễ được tổ chức trang nghiêm, xúc động. Đồng chí bí thư chi bộ trình bày tiểu sử của Bác, ôn lại công ơn to lớn của Bác đối với dân tộc, đất nước và nhân dân. Sau đó, chi bộ xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi người đối với nhiệm vụ được phân công. Mặc dù phải thường xuyên đề phòng địch theo dõi, phát hiện, lễ truy điệu Bác vẫn được tổ chức chu đáo. Mọi người xúc động, khóc nức nở trước tổn thất to lớn này. Sau lễ truy điệu, anh em nhanh chóng thu dọn bàn thờ và giải tán bằng nhiều hướng khác nhau. Chiều hôm đó, theo giờ hẹn trước, ba đảng viên hoạt động đơn tuyến đến nhà chúng tôi thắp nhang lên bàn thờ Bác, chúng tôi cũng trao đổi về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, xác định vai trò trách nhiệm của mỗi đảng viên. Vài ngày sau, 10 cơ sở ở xa (có 1 anh là ngụy quân) đến gặp chúng tôi hỏi thăm tình hình, xin ý kiến về việc tổ chức thờ cúng Bác ngay tại gia đình.

Vẫn theo lời kể của hai đồng chí, việc thờ cúng Bác được nhiều đảng viên và cơ sở đưa ra trao đổi. Lúc đầu có người xin được để tang Bác ba năm, nhưng sau đều thống nhất để tang trong một năm, từng gia đình thờ cúng Bác nhưng phải hết sức giữ bí mật. “Theo nguyện vọng chung của anh chị em, chi bộ quyết định lập bàn thờ Bác tại nhà chúng tôi. Bàn thờ có một đôi đèn, lư hương bằng đồng và ảnh Bác cắt từ tờ báo Time. Từ đó, đến ngày quê hương Lâm Đồng và miền Nam hoàn toàn giải phóng, mỗi năm vào dịp Tết, tất cả các đảng viên trong chi bộ và nhiều cơ sở cách mạng đều mang hoa quả, nhang đèn đến thờ cúng Bác. Việc làm cao cả và ý nghĩa này đã giúp mỗi đảng viên, cơ sở cách mạng có thêm nghị lực để vượt qua mọi gian nan thử thách, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và cách mạng giao phó…”, đồng chí chia sẻ.

(CÒN TIẾP)

UÔNG THÁI BIỂU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/bac-ho-trong-long-dan-tay-nguyen-ky-4-1da4f55/
Zalo