Bắc Giang phát triển sản phẩm OCOP: Khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, huyện Yên Thế có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các sản phẩm sau khi được gắn sao giúp nâng giá trị, tăng doanh số bán hàng cho các chủ thể cũng như thu nhập của người dân.

Nâng giá trị sản phẩm

Năm 2016, gia đình ông Vũ Văn Cường (SN 1963), thôn An Thành, xã An Thượng đầu tư hệ thống máy ép dầu hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, do thiếu vùng nguyên liệu nên gia đình ông chủ yếu ép dầu thuê cho người dân, lợi nhuận thấp. Để khai thác tối đa công suất, năm 2020, ông liên kết với 6 hộ sản xuất nông nghiệp khác trong xã thành lập Hợp tác xã (HTX) Cường Nhung. Cùng với hơn 2 ha đất sản xuất nông nghiệp của các thành viên, HTX liên kết với gần 20 hộ dân khác trong huyện để trồng, cung ứng nguyên liệu đầu vào như: Lạc, đậu tương, vừng… Nhờ nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, các sản phẩm của HTX được người dân địa phương biết đến, lựa chọn sử dụng. Đến nay, HTX có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao gồm: Dầu lạc, dầu vừng.

 Ông Vũ Văn Cường (bên phải), Giám đốc HTX Cường Nhung giới thiệu với khách hàng về các sản phẩm OCOP.

Ông Vũ Văn Cường (bên phải), Giám đốc HTX Cường Nhung giới thiệu với khách hàng về các sản phẩm OCOP.

Theo ông Cường, sau khi được công nhận đạt 3 sao, các sản phẩm của HTX được nhiều người biết hơn và xuất hiện tại một số siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ có uy tín. “Hiện chúng tôi đang trồng cây mắc ca và bắt đầu có sản phẩm dầu mắc ca. Đây là mặt hàng có chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Dự kiến năm 2025, chúng tôi đưa dầu mắc ca tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Nếu được công nhận, chúng tôi sẽ có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng”, ông Cường nói.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã khẳng định được chất lượng, quy mô sản xuất cũng được mở rộng, góp phần nâng giá trị, tăng thu nhập. Ví như HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao gồm: Gà đóng gói hút chân không, chả gà, giò gà, xúc xích gà. Sau khi được gắn sao, sản phẩm của HTX được phân phối cung cấp cho chuỗi siêu thị lớn và uy tín như: Winmart, GO! cùng các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại địa bàn các tỉnh, TP: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh...; sản lượng tiêu thụ và giá trị tăng 20% so với trước đó.

Tương tự, sau khi có 4 sản phẩm được công nhận OCOP (gồm các loại cao: Cà gai leo, xạ đen, đinh lăng và lá sen), sản lượng tiêu thụ của HTX Dược liệu Thiện Tâm, xã Tân Hiệp tăng gần gấp đôi so với trước; trừ chi phí trả tiền nhân công, nguyên liệu, mỗi năm HTX thu lãi 200 triệu đồng. “Có sao OCOP, các sản phẩm của HTX được phân phối, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, TP trong cả nước, doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng/tháng”, ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc HTX Dược liệu Thiện Tâm chia sẻ.

Hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị

Qua thống kê, đến nay, huyện Yên Thế có 10/19 xã, thị trấn có sản phẩm được công nhận OCOP với tổng số 36 sản phẩm của 13 chủ thể (12 HTX, 1 doanh nghiệp); trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, 32 sản phẩm 3 sao. Qua đó đưa Yên Thế trở thành địa phương đứng thứ 3 trong tỉnh về số lượng sản phẩm và là huyện đầu tiên xây dựng thành công sản phẩm OCOP về du lịch (sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven).

Toàn huyện Yên Thế có 10/19 xã, thị trấn có sản phẩm được công nhận OCOP với tổng số 36 sản phẩm của 13 chủ thể (12 HTX, 1 doanh nghiệp); trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm đạt 3 sao. Qua đó đưa Yên Thế trở thành địa phương đứng thứ 3 trong tỉnh về số lượng sản phẩm và là huyện đầu tiên xây dựng thành công sản phẩm OCOP về du lịch (sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven).

Từ chương trình, các chủ thể đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hơn về hình thức, bao bì cũng như chất lượng sản phẩm; các thông tin về ghi nhãn bao bì, tem mác, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, Website đã được các chủ thể quan tâm thực hiện... qua đó giúp người tiêu dùng hiểu hơn về sản phẩm. Tuy nhiên, do chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư liên doanh, liên kết sản xuất với các HTX, hộ kinh doanh nên nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện chưa phát triển; các chủ thể có quy mô sản xuất nhỏ nên mức độ gia tăng về sản lượng, giá trị so với các sản phẩm tại nhiều địa phương khác còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng; chưa hình thành chuỗi giá trị...

Để phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cùng với thực hiện Nghị quyết số 67/2023/NQ-HĐND ngày 13/12/2023 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024-2025, UBND huyện Yên Thế bố trí kinh phí hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp và thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, GlobalGAP, GACP - WHO, hữu cơ (NQ26). Cùng đó, định hướng, hỗ trợ các HTX phát triển sản phẩm thế mạnh địa phương.

Mới đây, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện lựa chọn, hỗ trợ các HTX có sản phẩm là thế mạnh, tiềm năng của huyện xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ hình thành các chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả như: Gà đồi Yên Thế, chè xanh bản Ven... Với những chủ thể mới tham gia, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện giao từng cán bộ phụ trách, hướng dẫn từ khâu sản xuất đến hoàn thiện các thủ tục; xây dựng câu chuyện sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Cùng với hỗ trợ các chủ thể lựa chọn sản phẩm và hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan, tới đây, chúng tôi sẽ quan tâm hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết, bảo đảm các sản phẩm cùng nhóm sẽ được kết nối, tiêu thụ cùng nhau. Xây dựng, lựa chọn các sản phẩm OCOP làm quà tặng, đặc sản của địa phương gắn với du lịch nông thôn”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-phat-trien-san-pham-ocop-khai-thac-tiem-nang-loi-the-dia-phuong-093228.bbg
Zalo