Bắc Giang: Nước rút đến đâu, vệ sinh phòng dịch bệnh đến đó

Ngay sau khi nước rút ở một số nơi, ngành Y tế Bắc Giang đã kịp thời triển khai các biện pháp xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng lũ.

Do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, nhiều hộ dân ở xã Yên Định (Sơn Động) bị ngập sâu trong nước; trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã và Trạm Y tế xã ngập hơn 2 m.

 Lãnh đạo TTYT huyện Sơn Động kiểm tra, trao kinh phí hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh sau khi nước rút tại Trạm Y tế xã Yên Định.

Lãnh đạo TTYT huyện Sơn Động kiểm tra, trao kinh phí hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh sau khi nước rút tại Trạm Y tế xã Yên Định.

Ngay sau khi nước rút, đoàn viên, thanh niên và các lực lượng tình nguyện trong xã tham gia dọn dẹp bùn đất, bảo đảm môi trường sạch sẽ, an toàn. Hiện các hoạt động đã trở lại bình thường, công tác khám, điều trị cho người dân được duy trì. Tương tự, ngày 9 và 10/9, các xã khác trong huyện Sơn Động cũng đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh, phun khử trùng tại các khu vực nước đã rút.

Ông Đào Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Sơn Động cho biết: “Ngay sau khi tiếp nhận 2 tạ Cloramin B từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, sáng 10/9, chúng tôi đã cấp phát 170 kg cho 17 trạm y tế xã, thị trấn (mỗi trạm 10 kg) để chủ động phun khử khuẩn tại địa phương. Cùng đó cấp tài liệu hướng dẫn cách xử lý nước sinh hoạt, nước uống bằng Cloramin B cho đội ngũ y tế thôn, tổ dân phố để trực tiếp hướng dẫn người dân”.

Tại huyện Lục Ngạn, để bảo đảm môi trường sau mưa lũ, ngày 9/9, UBND huyện có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

 Cán bộ Công an huyện Lục Ngạn tham gia hỗ trợ thu dọn, vệ sinh môi trường sau khi nước rút tại thị trấn Chũ.

Cán bộ Công an huyện Lục Ngạn tham gia hỗ trợ thu dọn, vệ sinh môi trường sau khi nước rút tại thị trấn Chũ.

Thực hiện chỉ đạo, ngày 10/9, TTYT huyện yêu cầu các khoa, phòng và trạm y tế các xã, thị trấn khẩn trương vệ sinh môi trường tại nơi làm việc để tiếp tục tổ chức khám, điều trị cho bệnh nhân. Về hóa chất để khử trùng, cùng với 6 tạ Cloramin B hiện có, Trung tâm có văn bản đề nghị CDC tỉnh hỗ trợ 1 tấn Cloramin B và máy phun khử khuẩn.

Với trách nhiệm của mình, các trạm y tế tham mưu cho UBND xã, thị trấn chỉ đạo các ban, ngành của xã ra quân tổ chức tổng vệ sinh, chôn lấp xử lý xác gia súc, gia cầm chết; dự trù mua hóa chất phun khử khuẩn những địa điểm cần thiết để nhân dân ổn định đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất.

Do ảnh hưởng của bão số 3, toàn tỉnh có hơn 2,6 nghìn hộ bị ngập phải tổ chức di dời; nhiều cơ quan nhà nước, trường học, cơ sở y tế bị ngập sâu trong nước. Tại các địa phương bị ngập sâu, nhiều gia súc, gia cầm chết, gây ô nhiễm môi trường.

Để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người dân cùng với yêu cầu các cơ sở y tế thành lập tổ lưu động, bảo đảm thuốc, vật tư và duy trì trực, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện, TTYT trên địa bàn làm tốt công tác y tế dự phòng, tăng cường các hoạt động giám sát và phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh sau mưa lũ.

Từ ngày 7/9 đến nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, điều trị kịp thời cho gần 20 trường hợp bị thương do ảnh hưởng của bão số 3; hoạt động khám, điều trị được duy trì, không có trường hợp nào bị bệnh mà không được điều trị do địa bàn bị chia cắt.

 Cán bộ Công an huyện Sơn Động dùng xuồng đưa bệnh nhân từ vùng bị chia cắt đến TTYT huyện điều trị.

Cán bộ Công an huyện Sơn Động dùng xuồng đưa bệnh nhân từ vùng bị chia cắt đến TTYT huyện điều trị.

Đối với công tác vệ sinh môi trường, từ ngày 8/9 đến nay, CDC tỉnh đã chuyển hơn 1,5 tấn Cloramin B, một nghìn đôi găng tay y tế, 200 viên khử khuẩn cho các đơn vị: TTYT huyện Sơn Động, TTYT huyện Lục Nam và Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang. Cùng đó thành lập 3 tổ phản ứng nhanh hỗ trợ các đơn vị, địa phương phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, bảo đảm nước sạch sinh hoạt sau lũ lụt (dự kiến hoạt động từ ngày 11/9).

Ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc CDC tỉnh cho biết: “Sau lũ, các nhóm bệnh hay gặp như: Bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết. Các bệnh này chủ yếu liên quan nguồn nước và thực phẩm sử dụng bị ô nhiễm và dễ bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát sớm và hiệu quả. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch bệnh; ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm. Thường xuyên rửa tay với xà phòng; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước bằng các hóa chất khử trùng nước; công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cũng cần được quan tâm, gia súc, gia cầm chết cần xử lý đúng cách”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-nuoc-rut-den-dau-ve-sinh-phong-dich-benh-den-do-180341.bbg
Zalo