Bắc Giang: Nước lũ dâng cao, tràn vào các vùng thoát lũ
Ngày 11/9, lũ trên sông Thương, Sông Cầu, sông Lục Nam tiếp tục dâng cao tại địa bàn tỉnh Bắc Giang. Các vùng quy hoạch thoát lũ, các tuyến đê bối đã tràn bờ. Nhiều địa phương nhà cửa bị ngập lụt, các phương án di dời người dân, bảo đảm an toàn tính mạng tài sản của nhân dân được triển khai hiệu quả.
Tại huyện Hiệp Hòa, nước sông Cầu dâng cao, hiện đã ở mức trên báo động 3. Cùng với việc bảo đảm an toàn các tuyến đê, huyện tập trung di dời nhân dân ra khỏi vùng lũ. Toàn huyện đã huy động hơn một nghìn người của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, dân quân tự vệ; lực lượng cán bộ, công chức, công an, của các xã tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3...
Đê tả Cầu thuộc địa phận xã Hợp Thịnh, dù đã đắp chống tràn đê bối 2 đoạn tại thôn Đồng Đạo và Đa Hội, xã Hợp Thịnh nhưng đến 18 giờ ngày 10/9, nước đã tràn qua đê bối Đa Hội. 23 giờ cùng ngày, nước tràn qua đê bối thôn Đồng Đạo. Để bảo đảm an toàn cho người dân, trước đó, địa phương đã triển khai tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con di dời.
Hiện toàn bộ thôn Đa Hội đã bị chia cắt. Nhiều người dân trong thôn được đưa đến địa điểm an toàn. Lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho các hộ còn ở lại trong thôn và người dân tại các nơi di dời; bố trí xuồng máy phục vụ công tác cứu hộ.
Đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang trực tiếp đến xã Hợp Thịnh nắm bắt tình hình. Tại đây đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu lãnh đạo huyện Hiệp Hòa và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, ứng trực thường xuyên, bảo đảm an toàn cho người dân. Theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động, linh hoạt ứng phó với các tình huống; tiếp tục tập trung gia cố, củng cố các tuyến đê, điểm xung yếu, có phương án xử lý hiệu quả đối với từng điểm có nguy cơ mất an toàn. Phát huy tinh thần chủ động, quyết liệt, huy động các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị tham gia hỗ trợ ứng phó với mưa lũ và bảo đảm cuộc sống của người dân di dời.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đến thăm nhân dân thôn Đa Hội hiện đang ở tạm tại trụ sở Trường trung học cơ sở Hợp Thịnh sau khi được di dời khỏi vùng lụt. Chia sẻ với khó khăn, vất vả của người dân, đồng chí yêu cầu huyện bảo đảm đầy đủ các điều kiện về nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men để bà con yên tâm tránh trú.
Tại huyện Yên Thế, nước sông dâng lên cao dẫn đến một số điểm trên đê bối bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại thị trấn Bố Hạ. Trong suốt đêm 10 và sáng 11/9, huyện đã huy động các lực lượng quân đội, công an tập trung gia cố thân đê, chiều dài đã đắp khoảng 200m.
Đại diện lãnh đạo huyện Yên Thế cho biết: Huyện bám sát phương châm lấy việc bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân là ưu tiên hàng đầu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, hợp tác của nhân dân; có biện pháp quyết liệt di dời người dân ở vùng nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn. Đồng thời tích cực tuyên truyền đến nhân dân về tình hình mưa lũ thiên tai, không để kẻ xấu lợi dụng tình hình bão lũ kích động nhân dân, quân dân, chính quyền và người dân đồng lòng chống lũ.
Tại thành phố Bắc Giang, mưa bão chủ yếu bị thiệt hại bởi cây xanh gãy, đổ và một số diện tích hoa màu hư hại, không có thiệt hại về người.
Đến nay, thành phố đã thu dọn khoảng 90% số cây gãy, đổ, giao thông, liên lạc thông suốt; tổ chức vệ sinh, khơi thông các cửa thu nước trên các tuyến đường nhằm bảo đảm tiêu thoát nước ở các vị trí úng ngập cục bộ.
Điện lực thành phố Bắc Giang và Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang đã cơ bản khắc phục tình trạng mất điện cục bộ và mất nước trên toàn địa bàn. Ngành giáo dục và đào tạo cùng các phường, xã tổ chức khắc phục những công trình hư hại tại các nhà trường, vệ sinh trường, lớp, bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường.
Hiện thành phố Bắc giang đang phải đối mặt với khó khăn do nước sông dâng cao. Cụ thể, theo thiết kế, nước sông Thương lên đến 7,2m phải dừng các trạm bơm tiêu nhưng thực tế ở mức 7m thành phố đã phải dừng 6/8 trạm bơm tiêu trong chiều qua vì nước sông chảy ngược vào ống bơm. Nếu tiếp tục có mưa to sẽ ảnh hưởng đến tiêu úng nước mặt. Hiện chỉ có trạm bơm xử lý nước thải vẫn vận hành tốt.
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang yêu cầu thành phố Bắc Giang chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, trang thiết bị tại chỗ, đề ra các phương án thoát lũ, tiếp tục di dời người dân đến nơi an toàn, sẵn sàng ứng phó với các tình huống.
Đồng chí nhấn mạnh, chức năng của đê bối là điều tiết nước lũ trên sông lớn. Bởi sau đê bối đã có đê bao chính ngăn nước sông tràn vào các khu vực thành thị và nông thôn khác. Do đó, trong phòng, chống lụt bão, địa phương phải thực hiện nghiêm việc phân, thoát lũ vào các vùng đã được quy hoạch, trong đó có các vùng sau đê bối.
Đối với vùng có nguy cơ ngập lụt, thành phố phải tính phương án di dời dân sớm. Tăng cường tuần tra dọc tuyến đê sông Thương qua địa bàn để sớm phát hiện sự cố và xử lý. Sự vững vàng của đê sông Thương có vai trò cực kỳ quan trọng. Vì vậy, đồng chí yêu cầu từng mét đê sông Thương phải được giao khoán bảo vệ cho mỗi cá nhân trong các tổ trực canh đê.