Bắc Giang: Nhiều bất cập trong quản lý bến khách ngang sông

Nhu cầu sử dụng đò, phà qua sông tại một số địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều. Trong tổng số 24 bến khách ngang sông có nhiều bến không đủ điều kiện hoạt động. Do vậy, việc bảo đảm an toàn cho hành khách cần được quan tâm.

Do nhu cầu lao động, học tập, giao lưu thương mại, mua bán, vận chuyển hàng hóa… nên hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn duy trì 24 bến khách ngang sông, trong đó có 1 bến phà, còn lại là các bến đò tập trung ở các huyện: Hiệp Hòa, Lục Nam, Lạng Giang, thị xã Việt Yên và thành phố Bắc Giang. Hằng ngày, nhiều lượt người, phương tiện qua sông, vì thế yếu tố an toàn, bảo đảm tính mạng, tài sản cho hành khách phải được đặt lên hàng đầu, nhất là trong mùa mưa bão.

 Tại bến đò Mai Thượng, xã Mai Đình (Hiệp Hòa), nhiều hành khách đi đò không mặc áo phao.

Tại bến đò Mai Thượng, xã Mai Đình (Hiệp Hòa), nhiều hành khách đi đò không mặc áo phao.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, tại 24 bến, toàn bộ người điều khiển phương tiện thủy vận chuyển hành khách ngang sông đều có giấy chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Tuy nhiên, nhiều phương tiện trong số đó có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hiệu lực; thậm chí có phương tiện không có giấy chứng nhận kiểm định. Đáng chú ý là trong số 24 bến chỉ có 1 bến phà và 1 bến đò ngang sông có giấy phép hoạt động còn hiệu lực; 16 bến có giấy phép hoạt động nhưng đã hết hạn; 6 bến không có giấy phép hoạt động.

Tìm hiểu tại xã Mai Đình (Hiệp Hòa)-nơi có sông Cầu chảy qua được biết, trước đây trên địa bàn xã có 5 bến nhưng đến nay chỉ còn 2 bến ở thôn Mai Trung và Mai Thượng duy trì hoạt động. Ông Đ.V.N và ông Đ.V.T chủ hai bến cho biết, những năm gần đây, trên sông Cầu có nhiều cây cầu được xây dựng nối sang tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, thành phố Hà Nội nên khách đi đò giảm mạnh, rất ít khách, đa số là người lao động, công nhân, tiểu thương buôn bán nhỏ đi qua sông.

Theo quan sát của chúng tôi, phương tiện của hai bến này là thuyền vỏ sắt lắp máy nổ, có trang bị đầy đủ phao, áo phao nhưng hầu như khách đi đò không mặc; người lái đò cũng không nhắc nhở khách thực hiện quy định này. Ông Hà Huy Hướng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Một số bến có đơn xin dừng hoạt động vì thu không đủ chi phí. Hiện bến đò thôn Mai Thượng không có giấy phép hoạt động, nguyên nhân do địa phương chưa tổ chức đấu thầu được. UBND xã có kế hoạch tổ chức đầu thầu trong thời gian tới để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đề nghị cấp có thẩm quyền cấp phép cho chủ bến”.

Làm việc với ông Trương Đức Xuân, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hiệp Hòa được biết để bảo đảm an toàn và căn cứ vào tình hình thực tế, UBND huyện đã ra quyết định đóng 8 bến do những bến này không đủ điều kiện hoặc chủ bến có đơn tự nguyện dừng hoạt động. Phòng tham mưu với UBND huyện tổ chức kiểm tra các bến khách ngang sông để chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy định. Tuy vậy, thực tế trong quá trình hoạt động nhiều chủ đò, lái đò vẫn chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, khách đi đò còn ngại mặc áo phao, chủ quan cho rằng thời gian đi đò ngắn nên không cần thiết. Đây là những tồn tại mà huyện cần đôn đốc các xã có bến khách ngang sông tiếp tục siết chặt quản lý.

Trên các tuyến sông Thương và sông Lục Nam cũng có tình trạng tương tự. Theo kết quả kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông, trên sông Thương có bến đò Mom thuộc địa bàn xã Xuân Hương (Lạng Giang), chủ bến là bà N.T.C; bến đò Tiên La thuộc địa bàn xã Đức Giang (thành phố Bắc Giang) chủ bến là ông N.V.Y đều có giấy phép hoạt động nhưng hết hạn, chủ bến đã gửi hồ sơ đề nghị nhưng chưa được cấp lại. Trên sông Lục Nam bến đò Cẩm Lang, chủ bến là ông V.Đ.T ở xã Tiên Nha không có giấy phép hoạt động; bến đò Long Khánh chủ bến là bà L.T.L thuộc địa bàn thành phố Bắc Giang có giấy phép hoạt động nhưng hết hạn.

Nguyên nhân của việc thiếu thủ tục cần thiết để cấp phép xuất phát từ thực tế hợp đồng thuê đất để làm bến đã hết thời hạn chưa được chủ bến ký kết lại với UBND cấp xã hoặc không có hợp đồng thuê đất. Có trường hợp do hợp đồng thuê đất giữa chủ bến và UBND cấp xã không xác định diện tích, ranh giới, loại đất, gây khó khăn cho việc làm hồ sơ thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông; một số chủ bến chưa chủ động gửi hồ sơ xin cấp lại giấy phép hoạt động.

Trung tá Nguyễn Đức Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã lập biên bản hơn 40 trường hợp vi phạm, xử phạt thu nộp kho bạc nhà nước 420,5 triệu đồng. Trong quá trình xử lý, Đội kết hợp tuyên truyền, yêu cầu các chủ bến khách ngang sông, người điều khiển ký cam kết bảo đảm điều kiện an toàn của phương tiện, trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, chở đúng số người quy định, thực hiện nghiêm việc mặc áo phao.

Mùa mưa lũ sắp tới, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục duy trì tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa tai nạn trên các tuyến sông; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm liên quan đến điều kiện an toàn của phương tiện, người điều khiển, quy định về việc mặc áo phao. Phối hợp với công an cấp xã chủ động nắm tình hình, bảo đảm an toàn tại các bến. Đề xuất, kiến nghị các địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và cấp giấy phép hoạt động đối với các bến khách ngang sông đủ điều kiện theo quy định.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-nhieu-bat-cap-trong-quan-ly-ben-khach-ngang-song-postid417738.bbg
Zalo