Bắc Giang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 10/9, tại 2 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, nước đã rút, giao thông cơ bản thông suốt, tuy nhiên, nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về khiến lũ trên một số sông lại dâng cao. Với tinh thần hạn chế thấp nhất thiệt hại, tỉnh Bắc Giang đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định sản xuất, đời sống sau bão.

Chiều 10/9, lũ trên sông Thương, sông Cầu tiếp tục dâng, một số đê bối cho tràn để chọn phương án phòng, chống lụt bão tối ưu nhất. Bên cạnh việc theo dõi sát tình hình, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão với tinh thần khẩn trương, lũ rút đến đâu, khôi phục sản xuất đến đó, ngành nào khắc phục ngành đó, địa phương nào khắc phục ở địa phương đó.

Công nhân Điện lực kiểm tra hệ thống điện trong đêm tại xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa. Ảnh: ST

Công nhân Điện lực kiểm tra hệ thống điện trong đêm tại xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa. Ảnh: ST

Tỉnh Bắc Giang xác định, điện có vai trò quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống, xã hội nên ngành Điện cần nỗ lực, ngày đêm không ngừng nghỉ, hạn chế tối đa việc gián đoạn cung cấp điện, đồng thời không để xảy ra mất an toàn điện. Vì thế, ngay khi nước rút, nhiều địa phương đã được cấp điện trở lại.

Theo Công ty Điện lực Bắc Giang, chiều 10/9, toàn bộ trạm biến áp 110 kV có điện, không còn trạm bơm tiêu úng mất điện cũng như địa phương mất trắng điện. Tuy nhiên, một số khu vực thuộc thị xã Việt Yên, huyện Yên Thế, Hiệp Hòa… bị ngập cục bộ nên việc cấp điện chưa thể khôi phục hoàn toàn.

Đến 15 giờ ngày 10/9, toàn tỉnh còn khoảng 90 nghìn khách hàng mất điện, giảm hơn 10 nghìn khách hàng so với buổi sáng cùng ngày. Trong đó, huyện Lục Ngạn có số khách hàng mất điện nhiều nhất với 58 nghìn khách hàng do còn nhiều điểm ngập lụt, chia cắt.

Cùng với điện, nước là nhu cầu thiết yếu cũng được đơn vị cung cấp dịch vụ quan tâm khắc phục. Lũ dâng cao đã làm ngập trạm bơm nước thô nên Công ty Cổ phần nước DNP - Bắc Giang đã phải dừng cấp nước từ sáng 09/9. Để nhanh chóng cấp nước trở lại, phục vụ khách hàng, cán bộ, công nhân của doanh nghiệp liên tục, xuyên đêm bơm nước ngập trong nhà máy ra ngoài; đồng thời, chuẩn bị phương án dự phòng máy phát điện và nâng toàn bộ hệ thống máy bơm, trạm phát, trạm biến áp lên cao 1 mét so với mặt sàn.

Đến 17 giờ ngày 10/9, Công ty Cổ phần Nước sạch Bắc Giang đã mở, đón nước từ hệ thống nước sạch của Công ty Cổ phần nước DNP - Bắc Giang vào mạng lưới cấp nước chung của đơn vị. Hoạt động cấp nước cho khách hàng của 2 doanh nghiệp trở lại bình thường.

Điện, nước bảo đảm, đến nay thông tin liên lạc toàn tỉnh thông suốt, hệ thống giao thông cơ bản được khắc phục, chỉ còn một số tuyến đường tỉnh vẫn ngập. Lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức phân luồng, canh gác, bảo đảm an toàn giao thông.

Lũ lên cao, cùng với tập trung di chuyển, thu hoạch rau màu hạn chế thiệt hại, ở nhiều nơi người dân đã dọn vệ sinh đồng ruộng, trồng lứa mới. Hoạt động thu hoạch rau, màu đến lứa cũng diễn ra khẩn trương tại một số xã của huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Tân Yên…

Thực hiện khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chuyên môn, nhiều hộ trồng cây ăn quả ở Lục Ngạn đã khơi thông dòng chảy, bơm hút nước ra khỏi luống, hố và vườn cây khi lũ rút. Sau mưa bão, các bộ phận của cây bị tổn thương là điều kiện để sâu bệnh hại xâm nhập, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời; đặc biệt quan tâm phòng trừ các đối tượng dịch hại do nấm, vi khuẩn gây ra cho cây ăn quả.

Người dân di chuyển cây giống tránh mưa bão. Ảnh: ST

Người dân di chuyển cây giống tránh mưa bão. Ảnh: ST

Trong khi tại huyện Lục Ngạn, Sơn Động lũ rút thì những địa phương vùng xuôi lũ trên các sông dâng cao. Tính đến chiều 10/9, toàn tỉnh di dời hàng nghìn hộ dân, tập trung ở TP. Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Thế đến nơi an toàn. Tại nơi ở mới, người dân đều được quan tâm, động viên kịp thời.

Tại huyện Yên Thế, để hỗ trợ di dời người dân và tài sản cho các hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt, UBND huyện đã huy động toàn bộ lực lượng của Ban Chỉ huy quân sự huyện và lực lượng tại chỗ.

Nhờ sự vào cuộc hỗ trợ của cả cộng đồng nên dù phải di dời tránh lũ nhưng không ai trong tỉnh bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở. Trong đó, có sự hiệp đồng, giúp sức của lực lượng công an, quân đội. Riêng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh huy động hơn 20 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện tham gia khắc phục hậu quả sau bão.

Hiện nay, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp tục tổ chức lực lượng vận chuyển lương thực hỗ trợ người dân vùng lũ. Những ngày qua, có khoảng 3 nghìn cán bộ, chiến sĩ công an tham gia công tác phòng, chống thiên tai, xuyên đêm cùng nhân dân ngăn lũ. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị kiểm tra các trang thiết bị, phương tiện; sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người dân, thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra./.

Yến Nhi

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bac-giang-huy-dong-ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-34481.html
Zalo