Bắc Giang: Hơn 16,2 nghìn đại biểu dự hội nghị trực tuyến về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Ngày 13/1, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 13.345 điểm cầu trong toàn quốc với hơn 978.532 đại biểu tham dự.

Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.

 Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Cùng dự hội nghị có đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lương Cường, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội; Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Tham dự còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Thường trực Ban Bí thư.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Dương; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Long An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự hội nghị tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Hương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Việt Oanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí Tỉnh ủy viên; lãnh đạo các cơ quan, sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh...

Trong tỉnh có 221 điểm cầu trực tuyến, với 16.262 cán bộ, đảng viên tham dự. Trong đó, điểm cầu tỉnh có 645 đại biểu; cấp huyện có 13 điểm cầu với 1.805 đại biểu; cấp xã có 207 điểm cầu với 13.812 đại biểu.

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Nghị quyết nhấn mạnh phát triển KHCN, ĐMST và CĐS đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định thành lập BCĐ Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ Trung ương. Theo đó, BCĐ gồm 19 thành viên, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban.

BCĐ Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải pháp đột phá, phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.

Báo cáo kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thời gian qua khẳng định: Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển KHCN, ĐMST và CĐS đã đạt nhiều thành tựu to lớn; đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường...

Nước ta hiện có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau; có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo... Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia. Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về chỉ số ĐMST toàn cầu và 71/193 quốc gia về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.

Quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng ta mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm của các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 là một trong những những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025.

Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện tốt 7 nhiệm vụ.

Đó là: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.

 Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Thông tin chuyên đề "Chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia", đồng chí Trần Thanh Mẫn đã trình bày 3 nội dung cơ bản gồm: Chủ trương của Đảng, Nhà nước và hệ thống văn bản pháp luật hiện nay về KHCN, ĐMST và CĐS. Đồng chí cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã thông qua 8 luật liên quan đến nội dung này. Đặc biệt, 29 luật và 41 nghị quyết Quốc hội thông qua tại các kỳ họp thứ 7 và 8 đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của thực tiễn. Trong đó, có những luật quy định về việc tạo lập cơ sở dữ liệu số; phương thức quản lý, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến ứng dụng KHCN, CĐS.

Về những mặt ưu điểm, hạn chế vướng mắc trong thực tiễn của hệ thống văn bản pháp luật hiện nay trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định: Hệ thống pháp luật hiện hành cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Thiếu đồng bộ, thống nhất dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong lĩnh vực này không phát huy được tác dụng; cơ chế đầu tư, tài chính cho KHCN, ĐMST còn chưa thực sự phù hợp; cơ chế đầu tư, tài chính để triển khai hoạt động chuyển đổi số còn khó khăn, chưa được tháo gỡ kịp thời...

Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá về thể chế để thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thời gian tới cần nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy về vị trí, vai trò của KHCN, ĐMST và CĐS. Đổi mới mạnh mẽ phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật. Tổ chức hoàn thiện pháp luật phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.

 Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị nhận được sự đồng thuận của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cho thấy khát vọng vươn lên của dân tộc. Đây là chìa khóa đưa đất nước ta tiến xa hơn trên con đường hiện thực hóa khát vọng và phát triển; góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải thống nhất về nhận thức và hành động, xác định phát triển KHCN, ĐMST và CĐS là lĩnh vực chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Các cấp ủy, chính quyền cần sớm cụ thể hóa nghị quyết và xây dựng kế hoạch sát thực tiễn, bám sát vào mục tiêu của Nghị quyết số 57, quá trình thực hiện có phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ trách nhiệm.

Đồng chí Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế phải đi đôi với tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế giám sát và đánh giá chặt chẽ, xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, bình quân chủ nghĩa.

Ngay trong quý I/2025, hoàn thành việc sắp xếp lại tổ chức KHCN, có kế hoạch cụ thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là KHCN; triển khai các giải pháp đột phá, thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài. Ưu tiên bố trí ngân sách cho KHCN, nghiên cứu phát triển lập các quỹ KHCN, quỹ ĐMTS... bảo đảm các nhà khoa học có quyền chủ động trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ.

Năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 57, Chính phủ cần đổi mới kế hoạch, bố trí ngân sách cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia; Chính phủ bố trí ít nhất đủ 3% ngân sách thực hiện nhiệm vụ này; tiếp tục nâng tỷ lệ cho KHCN lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo.

Tiến hành rà soát, điều chỉnh các đề án, dự án phù hợp với Nghị quyết 57 tránh lãng phí, tập trung đầu tư có hiệu quả, đồng thời cải cách triệt để các quy trình phân bổ, quản lý, thanh quyết toán kinh phí, loại bỏ cơ chế xin cho để tối ưu hóa nguồn lực và khuyến khích ĐMST.

Nhanh chóng ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, đặc biệt là nhân tài lĩnh vực KHCN. Quan tâm xây dựng mạng lưới chuyên gia ở trong nước và quốc tế; thường xuyên báo cáo kết quả với BCĐ Trung ương; đẩy mạnh phong trào tôn vinh tài năng, khơi dậy tinh thần yêu nước, cống hiến của các nhà khoa học...

Tin, ảnh: Vân Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-hon-16-2-nghin-dai-bieu-du-hoi-nghi-truc-tuyen-ve-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-chuyen-doi-so-postid411109.bbg
Zalo