Bắc Giang: Căng mình bảo vệ rừng trước hiểm họa cháy lan

Từ đầu năm 2025 đến nay, cháy rừng liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh, với số vụ tăng cao kỷ lục và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều cánh rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên liên tục chìm trong biển lửa, gây thiệt hại nặng nề cả về kinh tế lẫn môi trường.

Nhiều vạt rừng bị cháy rụi

Những ngày gần đây, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng, thậm chí trên cùng một địa bàn khi vụ cháy này chưa được khống chế thì vụ khác đã bùng lên, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, người dân phải gồng mình để ngăn chặn giặc lửa.

 Rừng phòng hộ tại thôn Đẫng, xã Long Sơn (Sơn Động) bị cháy trên diện rộng.

Rừng phòng hộ tại thôn Đẫng, xã Long Sơn (Sơn Động) bị cháy trên diện rộng.

Thống kê chưa đầy đủ tại huyện Sơn Động, từ ngày 12 đến ngày 16/4, toàn huyện xảy ra 11 vụ cháy rừng, trong đó nhiều diện tích cháy thuộc rừng tự nhiên, rừng phòng hộ tại các xã: An Lạc, Tuấn Đạo, Long Sơn, Phúc Sơn, Giáo Liêm…

Ghi nhận tại thôn Đẫng, xã Long Sơn, một vụ cháy rừng trồng phòng hộ tại khoảnh 4, 5 và 83 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động là chủ rừng. Vụ cháy được phát hiện từ chiều 15/4 song đến chiều 16/4, ngọn lửa vẫn ngùn ngụt kèm theo khói nghi ngút bốc lên. Những thân cây thông, keo trồng được gần 15 năm bị cháy trơ trụi.

Nhận được tin báo, địa phương đã huy động gần 100 người gồm kiểm lâm, dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động và Nhân dân tham gia chữa cháy xuyên đêm. Chi cục Kiểm lâm tăng cường lực lượng cùng một số thiết bị chuyên dụng để hỗ trợ.

 Lửa bùng phát dữ dội tại rừng phòng hộ ở xã Long Sơn.

Lửa bùng phát dữ dội tại rừng phòng hộ ở xã Long Sơn.

Có mặt tại thôn Đẫng chiều 16/4, chúng tôi thấy những khuôn mặt sạm đen, hốc hác do khói lửa, nắng nóng và thiếu ngủ của các thành viên thuộc lực lượng chữa cháy rừng. Họ đang luồn lách qua khe núi, tán cây để khẩn trương ngăn ngọn lửa lan rộng. Giữa ngày hè, cái nóng như nhân đôi bởi ngọn lửa ngùn ngụt, gió mỗi lúc một lớn không chỉ gây khó khăn cho việc dập lửa mà còn khiến các lực lượng chữa cháy gặp nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Toán, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã ăn vội chút lương khô, uống ngụm nước lọc thay bữa trưa rồi lại nhanh chóng bắt tay vào việc tạo đường băng cản lửa. Đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên trán, ông bảo: “Suốt từ chiều tối qua đến giờ, chúng tôi chưa được nghỉ. Do thời tiết hanh khô kéo dài, những thân gỗ, cành, lá và thực bì bén lửa cháy như diêm rất khó dập tắt”.

Ông Nguyễn Minh Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động trực chỉ huy công tác chữa cháy rừng tại xã Long Sơn không giấu nổi sự lo lắng, bởi ngoài diện tích rừng phòng hộ đang bị cháy chưa thể khống chế còn liên quan đến sự an toàn tính mạng của nhiều người vẫn đang chiến đấu với “giặc lửa” trên rừng suốt nhiều ngày qua. “Chỉ khi nào lực lượng tham gia chữa cháy về nhà an toàn, tôi mới yên tâm được”, ông Hải nói.

Theo ông Trần Bảo Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động (Sở Nông nghiệp và Môi trường), ngay khi phát hiện cháy rừng, tiếng kẻng báo động và loa phóng thanh vang lên khắp các thôn, xóm để huy động người dân hỗ trợ dập lửa.

Sau gần một đêm khẩn trương thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như quạt thổi gió, làm đường băng cản lửa, đến 5 giờ sáng 16/4, các lực lượng đã cơ bản khống chế được đám cháy. Tuy nhiên, lửa trong thân các cây gỗ mục và lớp thực bì dày vẫn âm ỉ, khi gặp gió lớn tiếp tục bay tàn sang khu vực khác rồi gây cháy tràn qua khu rừng phía đối diện.

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân cháy rừng phòng hộ tại thôn Đẫng không phải do người dân xử lý thực bì rừng trồng sản xuất liền kề mà điểm xuất phát cháy tại lõi rừng phòng hộ, nhiều khả năng do có người vào rừng dùng lửa bắt ong vô ý để cháy lan. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nhận định bước đầu của một số người dân địa phương, để làm sáng tỏ cần cơ quan chức năng vào cuộc.

Đáng lo lắng, trưa ngày 16/4, trong lúc các lực lượng đang dồn sức chữa cháy rừng phòng hộ ở thôn Đẫng thì người dân lại phát hiện thêm một vụ cháy rừng phòng hộ khác tại khu vực Khe Đành, thôn Thượng và thôn Hạ cùng xã Long Sơn. Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Long Sơn lập tức chỉ đạo cán bộ khẩn trương nổi kẻng và phát loa phóng thanh kêu gọi người dân chung tay lên rừng hỗ trợ dập lửa. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, đám cháy được khống chế.

Đối với huyện Lục Ngạn, tuần này cũng trở thành tâm điểm với các vụ cháy rừng liên tiếp ở nhiều xã vùng cao như: Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Minh, Sa Lý, Sơn Hải. Chỉ tính từ ngày 14 đến 16/4, toàn huyện xảy ra 6 vụ cháy rừng, trong đó có rừng tự nhiên tại các xã Sa Lý, Sơn Hải, Phong Minh. Trong vụ cháy rừng tự nhiên xảy ra ngày 16/4 trên địa bàn xã Phong Minh, huyện đã huy động lực lượng quân đội hỗ trợ, đến khoảng 21 giờ cùng ngày mới khống chế xong.

Tại huyện Lục Nam, thời gian qua cũng phát hiện một số vụ cháy rừng trồng sản xuất và rừng tự nhiên tại các xã: Cẩm Lý, Huyền Sơn, Lục Sơn… Mặc dù các vụ cháy đã được khống chế song thiệt hại để lại khá lớn.

Thiếu canh phòng nghiêm ngặt

Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang (Sở Nông nghiệp và Môi trường), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 33 vụ cháy rừng, tăng 32 vụ so với cùng kỳ năm 2024. Diện tích cháy và thiệt hại cũng tăng rất cao song hiện cơ quan chuyên môn đang tập trung chữa cháy rừng nên chưa có thống kê cụ thể. Điểm chung của các vụ cháy vừa qua là gặp phải gió lớn, vật liệu dễ cháy nhiều, cộng thêm thời tiết hanh khô, nắng nóng, địa hình nhiều nơi khó tiếp cận gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chữa cháy.

Theo phản ánh của người dân các địa phương xảy ra cháy rừng, chưa có năm nào thời tiết khắc nghiệt, cực đoan như năm nay. Từ sau cơn bão số 3 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có trận mưa lớn, một lượng lớn cành, lá, thảm thực vật khô bị đổ gãy chưa được thu dọn, xử lý. Thời tiết hanh khô kéo dài, người dân vào rừng thu gom, đốt dọn thực bì để chuẩn bị trồng rừng kinh tế... là những nguyên nhân chính gây ra cháy rừng trên diện rộng.

 Các lực lượng nỗ lực tạo đường băng cản lửa ngăn đám cháy lan rộng.

Các lực lượng nỗ lực tạo đường băng cản lửa ngăn đám cháy lan rộng.

Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hiện chưa xác định được nguyên nhân gây ra đối với từng vụ cháy rừng. Lực lượng kiểm lâm đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương điều tra, xác minh đối tượng gây cháy để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, bên cạnh một số vụ do người dân vô tình gây cháy không loại trừ khả năng có đối tượng xấu cố tình đốt rừng với mục đích nhằm lấn chiếm đất. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm điều tra làm rõ nguyên nhân từng vụ cháy để xử lý nghiêm minh để răn đe riêng, phòng ngừa chung.

Trao đổi với ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường được biết, qua đợt cháy rừng lần này cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Cụ thể, nhận định trước tình hình cháy rừng sẽ hết sức phức tạp, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy rừng song vẫn có nơi còn chủ quan, chưa chuẩn bị tốt công tác “4 tại chỗ”. Khi phát hiện đám cháy rừng chưa huy động tốt sự tham gia của Nhân dân và các đoàn thể. Ngoài ra, có nơi còn thể hiện sự lúng túng, thiếu chủ động, xem nhẹ công tác này khi cho rằng đó là việc của chủ rừng, của cơ quan kiểm lâm.

Cùng đó, mặc dù cấp độ cảnh báo cháy rừng cấp IV (nguy hiểm), cấp V (cực kỳ nguy hiểm) được thông báo trong thời gian dài song nhiều nơi vẫn để người dân vào rừng khai thác gỗ, phát dọn thực bì, bắt ong… mà không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kịp thời.

 Hiện trường một vụ cháy rừng tại xã Cấm Sơn (Lục Ngạn).

Hiện trường một vụ cháy rừng tại xã Cấm Sơn (Lục Ngạn).

Cũng theo ông Hà Minh Quý, xác định thời tiết nắng nóng, hanh khô còn kéo dài trong thời gian tới, nguy cơ cháy rừng còn diễn biến phức tạp. Các địa phương cần xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm để có sự chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cần... Đặc biệt, quá trình chữa cháy cần chú ý bảo đảm an toàn tuyệt đối về con người, tổ chức theo từng nhóm, có chỉ huy và điểm danh quân số thường xuyên.

Các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với diện tích rừng tự nhiên bị cháy trong thời gian qua, yêu cầu giữ nguyên hiện trường để thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên.

Ngày 16/4, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc tập trung bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng quyết liệt tập trung điều tra, xác minh nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, thiết lập hồ sơ khởi tố vụ án (nếu đủ căn cứ) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính răn đe.

Chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với UBND cấp xã kiểm tra tất cả các địa bàn, nhất là khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật để tập trung lực lượng thường xuyên bám rừng, tuần tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Tổ chức thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, chủ động về lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn.

Nghiêm cấm người dân đốt dọn thực bì, dùng lửa ở trong rừng khi cấp dự báo cháy rừng đang ở cấp IV (cấp nguy hiểm), cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời có biện pháp không để người dân ra, vào rừng, khai thác rừng trồng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng. Chỉ đạo tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch ở trong rừng của người dân, nhất là vào thời điểm cuối tuần, nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cho đến khi có chỉ đạo mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-cang-minh-bao-ve-rung-truoc-hiem-hoa-chay-lan-postid416303.bbg
Zalo