Bắc Bộ có thể xảy ra đợt rét đầu tiên mùa Đông 2024
Bước sang tháng 11/2024, có những hiện tượng thời tiết bất thường xuất hiện trong khoảng 10 ngày đầu tháng, người dân cần nắm thông tin và chủ động phòng ngừa.
Thời tiết xuất hiện không khí lạnh tăng cường tại Miền Bắc
Theo dự báo, ngày 3/11, bộ phận không khí lạnh đã báo đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam.
Dự báo diễn biến không khí lạnh trong 24 giờ đến 48 giờ tới:
Trên đất liền: Khoảng đêm 03/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, hầu hết các nơi ở phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4.
Từ ngày 4/11, ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển rét. Từ ngày 5-6/11, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, vùng núi có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 17-19 độ, vùng núi có nơi dưới 15 độ.
Trên biển: từ đêm 3/11, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Ở khu vực Bắc Biển Đông gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,0-5,0m.
Do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ gần sáng ngày 03/11 ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa lớn diện rộng và dông.
Từ gần sáng ngày 4/11, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa, mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế - xã hội
Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Thời tiết có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 10 ngày đầu tháng 11/2024, có nhiều loại hình thái thời tiết nguy hiểm (áp thấp nhiệt đới) ảnh hưởng đến nước ta.
Cụ thể, trong 10 ngày đầu tháng 11, ở vùng biển phía Nam Biển Đông có khả năng hình thành vùng xoáy thấp, gây ra tình trạng mưa dông và nguy cơ gió giật mạnh trên khu vực giữa và Nam của Biển Đông.
Đồng thời, cũng không loại trừ trường hợp vùng xoáy thuận có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới làm gia tăng tình trạng thời tiết xấu ở khu vực giữa và Nam của Biển Đông.
Cùng với đó, trong những ngày tới, nước ta còn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, đáng kể nhất là đợt không khí lạnh tăng cường vào khoảng từ ngày 4-7/11 với cường độ mạnh, khiến khu vực Bắc và giữa của Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển tăng cao từ 2-4m, biển động mạnh.
Mưa lớn diện rộng, diễn biến phức tạp
Trên đất liền, từ ngày 3-10/11, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng tổ hợp của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn gồm: Vùng xoáy thấp ở Nam và giữa Biển Đông; ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường cộng với đới gió Đông hoạt động mạnh trên độ cao từ 1.500-5.000m.
Đây là một hình thái thời tiết gây mưa đặc biệt lớn điển hình ở khu vực miền Trung.
Cũng theo dự báo, sau ngày 10/11, mưa lớn ở miền Trung còn có diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn.
Trong đó nửa đầu tháng 11, mưa lớn tập trung nhiều ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12, mưa lớn tập trung nhiều từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên.
Từ đêm 4/11, Bắc Bộ có thể xảy ra đợt rét đầu tiên mùa Đông 2024.
Ngoài ra theo tính toán, tác động của không khí lạnh và nhiễu gió Đông cũng ảnh hưởng mạnh đến thời tiết của miền Bắc, khiến khu vực Bắc Bộ từ khoảng đêm 4/11 trở đi có thể xảy ra đợt rét đầu tiên của mùa Đông năm 2024-2025.
Để ứng phó với các hình thái thời tiết trên, ông Mai Văn Khiêm khuyến cáo, khu vực trên biển, mưa dông, gió mạnh, sóng cao, gây nguy hiểm cho tàu thuyền.
Vì vậy, chính quyền các địa phương chịu ảnh hưởng và các đơn vị chức năng cần lưu ý cảnh báo nguy hiểm đối với các tàu thuyền, khu vực có lồng bè nuôi trồng thủy sản và công trình ven biển.
Nguy cơ đặc biệt cao về tình trạng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng
Do vậy cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, nguy cơ đặc biệt cao về tình trạng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở khu vực này, kèm theo đó là tình trạng ngập úng diện rộng có khả năng xuất hiện.
Chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai được ban hành theo quy định.
Đồng thời, hướng dẫn các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, rà soát các điểm xung yếu lũ quét và sạt lở, tắc nghẽn dòng chảy trên sông, suối để kịp thời phòng tránh, ứng phó.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương rà soát, cung cấp thông tin về các khu vực, lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ bị tác động bởi thiên tai để tổ chức dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai có hiệu quả theo quy định tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.
Đôn đốc các chủ hồ chứa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về cung cấp số liệu quan trắc, thông tin vận hành, dự báo cho các đơn vị và cơ quan khí tượng thủy văn phục vụ công tác dự báo, cảnh báo theo quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông.
Để chủ động ứng phó với các điều kiện thời tiết bất thường, người dân được cung cấp trực tuyến các thông tin trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn và trong bản tin của Trung tâm.