Bác bỏ các luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm về dân chủ, nhân quyền
Xuyên tạc sự thật việc thực thi và bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam là bản chất của các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước. Chúng ra sức quấy rối, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa dưới chiêu bài 'dân chủ, nhân quyền'.
Thời gian qua, các tổ chức phản động Việt Tân, Chính phủ Việt Nam tự do,...; một số tổ chức phi chính phủ quốc tế như Theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (AI), Phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Ngôi nhà Tự do (FH),... thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam; ra “thông cáo”, “thư ngỏ” gửi một số quốc gia đòi thúc ép Việt Nam trả tự do cho những “tiếng nói bất đồng”, “tù nhân chính trị” đang bị giam giữ và có những cải thiện về nhân quyền.
Thực chất của các tổ chức này là lợi dụng chiêu bài nhân quyền để thúc đẩy các quốc gia, tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ, gây khó khăn cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Hiện có hàng trăm trang báo điện tử, hàng ngàn trang thông tin điện tử tổng hợp, hàng trăm ngàn trang blog của cá nhân xuất hiện trên Internet. Các thế lực thù địch lợi dụng Internet để khai thác, chia sẻ thông tin trên môi trường mạng với nhiều hành vi vi phạm nói xấu Đảng và Nhà nước, lãnh tụ và chế độ, bôi nhọ nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; vi phạm quyền con người trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc.
Các thế lực phản động không ngừng rêu rao, xuyên tạc những luận điệu sai trái về tình hình nhân quyền của Việt Nam; vu cáo ta “độc đoán”, đàn áp tự do báo chí, che giấu thông tin, kích động dư luận chống đối, đi ngược lại quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chúng nhân danh chiêu bài “xã hội dân sự”, “dân chủ nhân quyền”,... để lập hội, nhóm “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Hội tù nhân lương tâm”, “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội Nhà báo độc lập”,... lôi kéo nhiều người dân tham gia. Thông qua các hội, nhóm này, chúng kích động người dân khởi kiện, vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm các điều ước quốc tế về quyền dân sự,...
Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm và khẳng định tại các bản Hiến pháp. Việc phát triển hệ thống báo chí, truyền thông, tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Hoàn toàn không có việc Việt Nam vi phạm nhân quyền, không có khái niệm, danh xưng nào gọi những đối tượng vi phạm pháp luật là những nhà “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”, “bất đồng chính kiến” như những luận điệu vu cáo của thế lực phản động đưa ra. Vì vậy, những quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch, lợi dụng dân chủ, nhân quyền nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta chỉ là những luận điệu bịa đặt, bôi nhọ.
Những thành tựu to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đạt trong đổi mới về bảo vệ, bảo đảm quyền con người được Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Đây là bằng chứng thuyết phục, không thể phủ nhận của Việt Nam trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về quyền con người; đồng thời, đanh thép bác bỏ những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch về dân chủ, nhân quyền.
Công tác định hướng, tổ chức thông tin, tuyên truyền vấn đề nhân quyền và phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng được chú trọng hơn. Công tác đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền đã từng bước chuyển từ thế bị động sang chủ động.
Các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản từng bước tăng cường lãnh đạo, quản lý, định hướng báo chí trong công tác tuyên truyền vấn đề nhân quyền, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc, bôi nhọ hình ảnh đất nước và đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên, một số đơn vị, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về nhân quyền ở nước ta chưa sâu, rộng, chưa thường xuyên và liên tục. Việc chỉ đạo, định hướng thông tin, vạch trần, bác bỏ các luận điệu sai trái, thù địch về nhân quyền đôi lúc chưa chủ động, chưa kịp thời.
Đảng ta tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(*).
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm về dân chủ, nhân quyền trong tình hình mới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tuyên truyền, quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm chỉ đạo của Đảng về quyền con người. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thành tựu nhân quyền ở Việt Nam trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với mục tiêu Việt Nam thúc đẩy quyền con người ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Thứ hai, nâng cao “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, phổ biến những thông tin giáo dục để xây dựng lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối lãnh đạo của Đảng cho nhân dân. Thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch trên lĩnh vực quyền con người để đề xuất giải pháp phù hợp.
Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh hiệu quả trên lĩnh vực quyền con người. Bảo đảm giữ vững quan điểm của Đảng và trên tinh thần linh hoạt, mềm dẻo, nhân văn, dân chủ, góp phần tích cực tạo đồng thuận xã hội.
Thứ tư, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về giáo dục kiến thức quyền con người, tuyên truyền về quyền con người. Cung cấp thông tin chính thống cho nhân dân, định hướng thông tin kịp thời và có giải pháp đấu tranh phản bác phù hợp.
Thứ năm, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác đấu tranh bảo vệ nhân quyền, chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc, phủ nhận thành tựu Việt Nam về dân chủ, nhân quyền.
Thứ sáu, phát huy hiệu quả vai trò của báo chí, truyền thông, tuyên truyền về thành tựu nhân quyền và đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trong bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Thứ bảy, thiết lập, ràng buộc trách nhiệm pháp lý và triển khai cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài như Google, Facebook, YouTube, TikTok,... trong việc quản lý, ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu, độc có các quan điểm sai trái, thù địch về quyền con người.
Thứ tám, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, cố tình đưa thông tin giả, bịa đặt, xuyên tạc về quyền con người ở Việt Nam lên mạng xã hội./.
Nguyễn Thanh Hoàng
(*) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2021, t.1, tr.27-28