Ba xu hướng kinh tế - chính trị toàn cầu

Có ba xu hướng lớn đang định hình lại cục diện kinh tế và chính trị toàn cầu, TS Phan Cao Nhật Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhận định.

Trao đổi với phóng viên bên lề Diễn đàn Truyền thông và Nhóm tư vấn BRICS 2025 diễn ra tại thành phố Rio de Jeinero, Brazil từ 15-17/7, TS Phan Cao Nhật Anh cho biết, Brazil đặt ra 5 ưu tiên chính của nước này cho BRICS trong năm 2025. Đó là: Thúc đẩy thương mại và đầu tư; Thúc đẩy quản trị trí tuệ nhân tạo (AI) có trách nhiệm; Hoàn thiện các phương pháp tài chính khí hậu; Tăng cường hợp tác Nam - Nam với trọng tâm là y tế công cộng; và củng cố thể chế của nhóm.

Các quốc gia BRICS thúc đẩy cách tiếp cận độc đáo để phát triển kinh tế, thách thức khuôn khổ kinh tế truyền thống lấy phương Tây làm trung tâm, thông qua việc đẩy mạnh các mô hình kinh tế thiên về khả năng tự lực, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững, áp dụng các chính sách phù hợp hướng tới giải quyết những thách thức đặc biệt mà các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt và giảm thiểu sự bất bình đẳng trong xã hội.

"Trong bối cảnh Brazil cũng đang chuẩn bị đăng cai Hội nghị khí hậu COP30 vào tháng 11 tới, chương trình nghị sự đáng chú ý nhất là tập trung vào việc trước hết là các thách thức kinh tế và thứ hai là vấn đề khí hậu mà các nước đang phát triển đang đối mặt", ông Nhật Anh nói.

 TS Phan Cao Nhật Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tham dự Diễn đàn Truyền thông và Nhóm tư vấn BRICS 2025 diễn ra tại thành phố Rio de Jeinero, Brazil. Ảnh: Cheng Jing.

TS Phan Cao Nhật Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tham dự Diễn đàn Truyền thông và Nhóm tư vấn BRICS 2025 diễn ra tại thành phố Rio de Jeinero, Brazil. Ảnh: Cheng Jing.

Mở rộng thành viên, đối tác

Theo TS Nhật Anh, với sự mở rộng thành viên và đối tác mới đây, BRICS tăng gấp đôi số thành viên, khẳng định sức mạnh đoàn kết của khối và các nước đang phát triển, đưa BRICS trở thành một lực lượng mới có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế và chính trị toàn cầu.

Những năm gần đây, BRICS ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống của phương Tây, thông qua đa dạng hóa quan hệ thương mại, khám phá các thị trường mới và thúc đẩy hợp tác Nam-Nam.

"Sự mở rộng thành viên góp phần nâng tầm ảnh hưởng của BRICS trong việc hình thành các chuẩn mực, chính sách mới về quản trị toàn cầu", ông nhận định.

Trong bối cảnh trật tự thế giới đang theo hướng đa cực ngày càng rõ nét hơn với vai trò trung tâm của các cường quốc tầm trung, việc BRICS mở rộng bao trùm phạm vi ở nhiều khu vực và sự tham gia của các cường quốc kinh tế khác nhau đã nâng cao vai trò chủ chốt và khẳng định tầm quan trọng của nhóm trong định hình mô hình địa chính trị đa cực đang phát triển.

 Công nghệ số phát triển vượt bậc, quá trình số hóa diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Ảnh: Getty.

Công nghệ số phát triển vượt bậc, quá trình số hóa diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Ảnh: Getty.

Ba xu hướng lớn

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, có 3 xu hướng lớn đang định hình lại cục diện kinh tế và chính trị toàn cầu.

Thứ nhất, công nghệ số phát triển vượt bậc, quá trình số hóa diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực; công nghệ số tác động cộng hưởng với các công nghệ mới, như công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, AI… làm thay đổi lực lượng sản xuất, chuỗi sản xuất, tạo ra giá trị vượt trội, đưa thế giới vào một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên số, kỷ nguyên thông minh.

Thứ hai, sự phân cực chính trị và địa chính trị, địa kinh tế, xu hướng phân tách, phân mảnh về thương mại, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gia tăng và ngày càng phức tạp.

Thứ ba, các thách thức toàn cầu, cả truyền thống và phi truyền thống, diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết, đặt ra những yêu cầu cấp thiết về đổi mới quản trị toàn cầu, quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp.

"Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam trở thành đối tác của BRICS thể hiện một số điều, bao gồm khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam, khẳng định vai trò của châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước phương Nam toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế", TS Nhật Anh nhận định.

Theo ông, Việt Nam tham gia vào hợp tác BRICS không chỉ có lợi cho sự phát triển của bản thân Việt Nam mà còn phù hợp với lợi ích chung của các nước BRICS. Đó là: Phát triển kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực cũ mở ra cơ hội hợp tác mới; Mở ra cơ hội thu hút các nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước thành viên BRICS và đối tác ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả; Tăng cường sức mạnh, sức chống chịu của Việt Nam trước những biến động của cục diện thế giới hiện nay.

Ngoài ra, duy trì chính sách đối ngoại cân bằng và đa phương hóa; truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển, năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

"Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII: Độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại", ông nói.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ba-xu-huong-kinh-te-chinh-tri-toan-cau-post1760749.tpo
Zalo