Ba vụ sạt lở trong hai ngày ở An Giang
Trong hai ngày, ba vụ sạt lở bờ sông xảy ra ở huyện Chợ Mới và huyện Châu Thành (tỉnh An Giang), hư hại ba tuyến đường giao thông nông thôn. Tám căn nhà bị ảnh hưởng vì nằm trong khu vực cảnh báo nguy hiểm nhưng chưa được di dời.
Ngày 23/5, ông Trần Minh Nhựt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, trong hai ngày 21 và 22/5, xảy ra ba vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn huyện Chợ Mới và huyện Châu Thành (tỉnh An Giang). Trong đó, huyện Chợ Mới xảy ra hai vụ tại xã Long Kiến và An Thạnh Trung; một vụ tại xã An Hòa, huyện Châu Thành.

Hiện trường sạt lở đường nhựa nông thôn ở ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) sáng 21/5 với những căn nhà nằm trên bờ vực.
Khoảng 9h ngày 22/5, đoạn nứt khoảng 20m xuất hiện ở cặp bờ rạch ông Chưởng thuộc ấp Long Định, xã Long Kiến, sát mép ĐT946. Khu vực nứt có một căn nhà tường xây dựng kiên cố, nhưng nguy cơ đổ sụp xuống rạch ông Chưởng. Khu vực này nằm trong cảnh báo nguy hiểm sạt lở của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang.
Cùng ngày, tại tổ 3, ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, tuyến đường vàm Cái Hố xảy ra sụt lún với chiều dài khoảng 30m, "ăn" vào nửa tim đường. Phần sụt lún sâu khoảng 0,8m.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã giăng giây, cắm biển cảnh báo, di dời tài sản, di tản người dân khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn.

Sạt lở xé toạc đường nhựa nông thôn ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang).
Trước đó, khoảng 8h sáng 21/5, tuyến đường nhựa nông thôn ở ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Châu Thành bị sạt lở với chiều dài khoảng 50m, vào gần hết mặt đường (4-5m tùy đoạn), sát chân móng nhà dân. Tại hiện trường, khu vực sạt lở có 7 căn nhà. Hiện, người dân vẫn sinh sống trong những căn nhà nằm cheo leo trên bờ vực sạt lở.
Tuyến đường bị sạt lở cách nhà dân khoảng 0,7m, có độ thấp hơn 1m so với xung quanh. Khu vực này được rào chắn từ đầu đường nhưng người dân vẫn đi bộ qua.

Khu vực sạt lở ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) là đoạn bờ sông cong bị ảnh hưởng bởi dòng chảy và sức nặng công trình xây dựng trên đường bộ.
Theo ông Võ Minh Phương, người có nhà trong khu vực sạt lở, mặc dù rất lo ảnh hưởng tính mạng và mất tài sản nhưng không có chỗ ở khác để di dời.
Ông Phương cho hay, đoạn đường này vừa được xây kè chống sạt lở, mới hoàn thành đã xảy ra sạt lở. Những trụ cọc, lưới rọ kè bị cả vạt đất kéo sạt ra lòng sông.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, nguyên nhân ban đầu được xác định là tác động dòng chảy, vị trí sạt lở ngay đoạn cong của sông, kênh rạch, thêm tác động của phương tiện giao thông đường thủy và tải trọng của công trình xây dựng trên đường bộ.