Ba Vì: khai hội truyền thống di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng 2025
Ngày 7/2, (tức mùng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội truyền thống di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng Xuân Ất Tỵ năm 2025 chính thức khai màn.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng Nguyễn Đại Hải cho biết: “đình Tây Đằng không chỉ là một công trình kiến trúc, mà là một biểu tượng sống động của tình yêu quê hương, của những giá trị văn hóa không bao giờ phai mờ. Dẫu có bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng mỗi viên gạch, mỗi cột đình, mỗi chi tiết chạm khắc vẫn sẽ là minh chứng cho sự kiên cường, bền bỉ, trường tồn của người dân xứ Đoài và là nơi để thế hệ hôm nay tìm về, lưu giữ những giá trị thiêng liêng của quá khứ”.
![Chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng Nguyễn Đại Hải phát biểu khai hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_11_51421749/a0a09e2aa7644e3a1775.jpg)
Chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng Nguyễn Đại Hải phát biểu khai hội.
Lễ hội Đình Tây Đằng được tổ chức từ mùng 10 - 15 tháng Giêng và 5 năm lễ hội được tổ chức một lần. Lễ hội gồm các hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh độc đáo như: nghi lễ tấu sớ dâng hương, rước kiệu, cờ tướng, chọi gà, kéo co, các trò chơi dân gian bịt mắt đập niêu, chạy hóa trang… Các nét đẹp văn hóa diễn ra trong không gian linh thiêng tại sân đình cổ đã tạo nên một bức tranh tổng thể đa sắc màu trong ngày hội.
![Đánh trống khai hội truyền thống di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng Xuân Ất Tỵ năm 2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_11_51421749/f3cbc041f90f1051491e.jpg)
Đánh trống khai hội truyền thống di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Đình Tây Đằng được biết đến là một trong số những ngôi đình cổ nhất Việt Nam với gần 500 năm tuổi. Đình được dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVI, thờ Tản Viên, một trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam và là một trong những nhân vật hàng đầu của thần thoại Việt – Mường cổ.
Với vẻ đẹp kiến trúc tinh tế và những họa tiết chạm khắc độc đáo, ngôi đình như một bảo tàng nghệ thuật của thế kỷ XVI, mang trong mình gần 500 năm lưu giữ dấu ấn lịch sử. Các triều vua phong tặng vị thần này danh hiệu Thượng đẳng tối linh thần, ghi nhận công lao to lớn của Ngài đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
![Lễ hội gồm các hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh độc đáo.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_11_51421749/b4e4866ebf20567e0f31.jpg)
Lễ hội gồm các hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh độc đáo.
Ngôi đình đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ–UBND ngày 29/3/2013. Với dáng hình chữ nhật đặc trưng, đình Tây Đằng mang trong mình một vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa thiêng liêng.
Nằm uy nghiêm giữa không gian rộng lớn, đình Tây Đằng chia làm hai phần chính: Nghi Môn và Đại Bái, hai hạng mục này như hai cánh tay ôm trọn vẻ đẹp, sự tôn kính của ngôi đình. Được làm bằng gỗ mít – loại gỗ lâu bền, quen thuộc trong các công trình xưa, ngôi đình đã đứng vững trước bao mùa gió mưa, chứng kiến bao sự đổi thay của thời gian.