Ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình bàn chuyện hợp nhất
Chiều 14/4, Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức hội nghị với Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Hòa Bình triển khai công tác sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu khẳng định, việc hợp nhất ba tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ là chủ trương đúng và là bước chuẩn bị quan trọng của Trung ương Đảng trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc. Để triển khai đúng tiến độ và quy định, ông đề xuất sớm thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo hợp nhất ba tỉnh.

Ban Chỉ đạo thực hiện hợp nhất tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe dự thảo Nghị quyết liên tịch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện hợp nhất tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình (gọi tắt là BCĐ hợp nhất) và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện hợp nhất tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, dự thảo kế hoạch hoạt động của BCĐ hợp nhất tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.
Theo đó, Trưởng BCĐ hợp nhất bao gồm: Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, các Phó Trưởng BCĐ là các Phó Bí thư Tỉnh ủy của 3 tỉnh.
BCĐ hợp nhất có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án hợp nhất 3 tỉnh theo quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Tổ giúp việc có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu xây dựng, triển khai các Đề án hợp nhất theo đúng đề cương, đối tượng, nội dung, thời gian quy định.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Đặng Xuân Phong và Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long đều nhất trí với việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc BCĐ hợp nhất ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Các đại biểu cũng thống nhất cao về một số nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng Đề án hợp nhất.
Ban Chỉ đạo hợp nhất đề nghị quá trình xây dựng Đề án hợp nhất ba tỉnh phải đảm bảo nguyên tắc đặt lợi ích phát triển chung của tỉnh mới lên hàng đầu; giữ vững đoàn kết, thống nhất và tạo sự đồng thuận cao trong triển khai. Việc bố trí cán bộ cần được thực hiện cân đối, hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đồng thời, khi nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án hợp nhất, cần quan tâm chính sách hỗ trợ về chỗ ở, phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức.
Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới, phải ưu tiên các yếu tố lịch sử, văn hóa và được sự đồng thuận của nhân dân.
Nên tận dụng các trụ sở cấp huyện để bố trí nơi làm việc cho các xã trung tâm và trọng tâm phát triển kinh tế để tránh lãng phí.
Về công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ sau khi hợp nhất, cần kiện toàn lại tiểu ban văn kiện, chú trọng vào dự thảo văn kiện, trong đó tập trung xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ mới...
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cho rằng, việc thực hiện hợp nhất ba tỉnh có khối lượng công việc lớn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy của ba tỉnh cần sớm đồng thuận, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, bảo đảm tiến độ kế hoạch Trung ương đề ra.