Bá Thước: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần giảm nghèo bền vững
Bá Thước là huyện miền núi cao, với dân số toàn huyện hơn 108.000 người, trong đó dân tộc Mường chiếm 53%, dân tộc Thái chiếm 32%, dân tộc Kinh và các dân tộc khác chiếm 15%. Toàn huyện có 21/21 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); có 205 thôn, bản, khu phố, trong đó có 187 thôn phố có trên 1/3 số hộ trong thôn, phố là hộ đồng bào DTTS. Một trong những điểm nhấn trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện Bá Thước đó là bước đột phá trong phát triển du lịch.
Tiềm năng, thế mạnh về du lịch
Cùng với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thác Hiêu, thác Muốn, thác Dần Long, hang cá thần; hồ Duồng Cốc..., Bá Thước còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa của các dân tộc Mường, Thái như: Di tích khảo cổ học Mái Đá Điều, Lễ hội Mường Khô; các làng nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm (thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm), ủ rượu cần (thôn Tân Thành, xã Thành Lâm); nhà sàn truyền thống của người Mường, người Thái; và các món ăn đặc sản như vịt Cổ Lũng, gà đồi, lợn cỏ, ốc đá, canh loóng, canh đắng, măng đắng, cơm lam, xôi nếp nương, cá dốc, rượu ngô, rượu cần...
Hoạt động du lịch ở Bá Thước mới được bắt đầu khoảng năm 2015, trong đó cơ sở lưu trú đầu tiên là tại thôn Đôn, xã Thành Lâm. Về sau, một số hộ gia đình ở khu vực Quốc Thành (gồm các xã Thành Sơn, Thành Lâm, Lũng Cao, Cổ Lũng, Lũng Niêm, Ban Công) đã cải tạo lại nhà sàn truyền thống để làm chỗ lưu trú cho khách tham quan, du lịch. Khách du lịch chủ yếu đến từ các nước châu Âu, Canada, Úc kết hợp đi tour từ Mai Châu - Hòa Bình, Cúc Phương - Ninh Bình rồi qua Pù Luông tham quan và nghỉ tại nơi đây. Số lượng khách du lịch chưa đến 1.000 người/năm. Đời sống bà con Nhân dân trên địa bàn huyện đặc biệt tại các xã nằm trong vùng lõi, vùng đệm, vùng lân cận của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông rất khó khăn. Thu nhập chưa đến 9 triệu đồng/người/năm, chủ yếu từ làm nông nghiệp và nghề rừng; tỷ lệ hộ nghèo trên 60% cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn huyện (46,1%).
Ông Hà Nam Khánh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước chia sẻ: Những năm gần đây, Pù Luông được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến là địa điểm vô cùng hấp dẫn, thu hút khách du lịch quốc tế đến với tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch Pù Luông là 85 cơ sở, với 125 nhà sàn, 198 bungalow, 298 buồng, phòng, 996 giường; công suất đón trên 3.200 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 420 lao động địa phương. Năm 2023, lượng khách du lịch toàn huyện đạt 130.500 lượt (tăng 65,6% so với năm 2022). Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt 200 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2024, huyện đã đón được 259.500 lượt khách đến tham quan du lịch và nghỉ lại tại khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện. Trong đó, khách nước ngoài 49.200 lượt, khách trong nước 209.800 lượt. Ước doanh thu đạt trên 560 tỷ đồng.
Góp phần giảm nghèo bền vững
Ông Lò Văn Quang, Phó Chủ tịch HĐND huyện Bá Thước cho biết: Nhận thức được tiềm năng, lợi thế của địa phương và định hướng của tỉnh, giai đoạn 2019-2024, huyện Bá Thước đã xác định phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển KT-XH, sớm thoát nghèo bền vững. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết về phát triển nông nghiệp gắn với XDNTM và phát triển du lịch, coi đây là quyết tâm chính trị cao độ để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách đồng bộ từ huyện đến cơ sở, huy động sự hưởng ứng tham gia của toàn thể Nhân dân các dân tộc trong huyện. Nhờ có hoạt động du lịch, cuộc sống bà con đã thực sự đổi thay, thu nhập, đời sống được nâng lên. Giai đoạn 2019-2024, tỷ lệ hộ nghèo khu vực Quốc Thành giảm mạnh; từ khu vực kém phát triển của huyện, nay đã trở thành khu vực phát triển mạnh nhất, góp phần tích cực cùng với toàn huyện giảm hộ nghèo từ 29,5% xuống còn 17,58% (giảm 11,92%), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 34,6% xuống còn 21,82% (giảm 12,78%). Bộ mặt nông thôn toàn huyện nói chung và các xã khu vực Quốc Thành có nhiều khởi sắc. Những kết quả trên, cho thấy hoạt động du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Bá Thước ngày càng khẳng định vai trò to lớn, quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, phát triển KT-XH vùng miền núi và bảo vệ môi trường.
Để hướng đến các mục tiêu xa hơn, huyện Bá Thước tiếp tục tập trung nguồn lực cho Khu Du lịch Pù Luông để thu hút du khách, đồng thời đề ra các giải pháp quan trọng nhằm gìn giữ các giá trị cốt lõi ở Pù Luông để làm “bệ đỡ” cho du lịch phát triển. Đó là bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của các điểm tham quan, trải nghiệm gắn với các hoạt động leo núi, chinh phục đỉnh cao Pù Luông, trekking, marathon băng rừng, tham quan hang động, lòng hồ, sông suối, cọn nước, cánh đồng. Đồng thời, gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa, nếp sống, nếp sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, nhất là các phiên chợ, nghề thủ công và làng nghề truyền thống (chợ phố Đoàn, dệt thổ cẩm, nấu rượu siêu men lá, dược liệu Son - Bá - Mười...); bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên để làm cơ sở cho du lịch phát triển bền vững. Huyện Bá Thước quan tâm đến công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về du lịch để cán bộ và Nhân dân nhận thức đúng đắn về tiềm năng, lợi thế du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của địa phương và vai trò trách nhiệm của mình đối với việc phát triển du lịch. Tập trung có trọng tâm, đẩy mạnh đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất - hạ tầng phục vụ du lịch như đường giao thông, bãi đỗ xe, khu vệ sinh công cộng. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển sản phẩm mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Pù luông. Xây dựng nếp sống văn hóa, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch để phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các điểm du lịch trên địa bàn huyện với các địa bàn du lịch khác để hình thành hệ thống các tuyến du lịch. Tuyên truyền, vận động người dân và khách du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại các địa bàn du lịch.