Bà Rịa- Vũng Tàu tạm dừng thí điểm xã hội hóa quản lý chợ truyền thống
Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tiếp tục cho các doanh nghiệp đã trúng thầu chuyển đổi mô hình quản lý 4 chợ truyền thống Ngãi Giao, Bình Châu, Phước Hải, Châu Pha theo hợp đồng đã ký.
UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vừa có văn bản cho ý kiến về công tác thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác một số chợ truyền thống.
Theo đó, qua xem xét báo cáo hồi tháng 6-2024 của Sở Công Thương, về nguyên tắc, UBND tỉnh chấp thuận dừng thực hiện quyết định số 3537 ban hành tháng 12-2017 về việc thực hiện chuyển đổi thí điểm mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh.
Thí điểm chuyển đổi xong mô hình quản lý 4/5 chợ truyền thống
Tỉnh cũng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Đối với các chợ đã thực hiện chuyển đổi mô hình thì tiếp tục cho các doanh nghiệp đã trúng thầu thực hiện quản lý chợ theo hợp đồng đã ký.
Sau khi hết thời hạn hợp đồng, doanh nghiệp có trách nhiệm bàn giao lại chợ cho các địa phương quản lý, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.
Trước đó tháng 12-2017, tỉnh ban hành quyết định số 3537 quy định thực hiện chuyển đổi thí điểm mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2018-2020, thực hiện thí điểm đối với 5 chợ gồm chợ phường 5 (Vũng Tàu), chợ Phước Hải (huyện Đất Đỏ), chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức), chợ Xuyên Mộc (đến 2018 thay đổi sang chợ Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) và chợ Châu Pha (thị xã Phú Mỹ). Sau đó, việc thí điểm được tỉnh gia hạn.
Hiện có 4/5 chợ hoàn thành xong việc thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Trong 4 chợ, công ty TNHH Thương mại Tân Thành trúng thầu quản lý chợ Ngãi Giao; công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng Thanh Chiến trúng thầu quản lý 3 chợ Phước Hải, chợ Bình Châu, chợ Châu Pha.
Tăng thu ngân sách nhưng còn nhiều khó khăn, hạn chế
Theo Sở Công Thương, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ có một số ưu điểm nhất định như giúp Nhà nước giảm ngân sách trong việc quản lý, đầu tư, sửa chữa các chợ, nâng cao hiệu quả quản lý.
Mặt khác, tạo điều kiện cho đơn vị kinh doanh, khai thác và quản lý chợ chủ động khai thác mọi tiềm năng, lợi thế của chợ để thu hút ngày càng đông người tiêu dùng đến chợ.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả thì mô hình này còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, gần đây các loại hình thương mại bán lẻ hiện đại đã chia sẻ bớt khách hàng của chợ truyền thống. Trong khi đó, các ưu đãi tài chính đối với hình thức kinh doanh chợ chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư vào quản lý kinh doanh chợ, nhất là các chợ quy mô nhỏ, ít sầm uất.
Các đơn vị quản lý, khai thác còn xem nhẹ công tác quản lý, thiếu quyết liệt để tiểu thương lấn chiếm lối đi, lối thoát hiểm trong chợ, tự nới rộng kê kích ô, sạp; tận dụng triệt để các khoảng trống, sân trống để bố trí cho tiểu thương vào mua bán nhằm tăng nguồn thu.
Việc thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho doanh nghiệp quản lý, khai thác phải qua quy trình nhiều bước với nhiều trình tự, thủ tục chặt chẽ nên nhiều cá nhân, tổ chức doanh nghiệp còn ngần ngại, chưa mạnh dạn nộp hồ sơ tham gia. Do đó khó khăn trong việc lựa chọn doanh nghiệp có năng lực thật sự để quản lý, khai thác chợ.
Cũng theo Sở Công Thương, tháng 6-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60 về phát triển và quản lý chợ, có hiệu lực kể từ ngày 01-8-2024, trong đó có một số nội dung mới so với quy định trước đó.
Từ đây, Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh xem xét, dừng thực hiện quyết định số 3537 do quyết định này căn cứ Nghị định 02/2003 đã hết hiệu lực.
Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có 79 chợ truyền thống đang hoạt động, gồm 3 chợ hạng 1, 14 chợ hạng 2, 60 chợ hạng 3 và 2 chợ tạm. Trong đó, số lượng chợ do nhà nước quản lý 66 chợ, 13 chợ do doanh nghiệp quản lý.
Tuy nhiên theo Sở Công Thương, qua báo cáo của các địa phương, những năm gần đây, cùng với xu hướng phát triển của thương mại hiện đại, khách hàng của các chợ truyền thống ngày càng giảm mạnh, đặc biệt là sau dịch COVID-19.
Trước dịch, tổng số quầy sạp tại các chợ là 19.525 quầy sạp, tổng số hộ kinh doanh là 17.529 hộ; trong đó có 14.792 hộ kinh doanh cố định. Hiện nay, số lượng quầy sạp tại các chợ vẫn không đổi nhưng số lượng hộ kinh doanh tại các chợ đã giảm khoảng 30-50%.