Bà Rịa - Vũng Tàu mong muốn sớm có nhà máy đốt rác phát điện

Xử lý rác thải luôn là vấn đề không hề dễ với khá nhiều địa phương, đặc biệt là với một tỉnh đang phát triển khá nhanh như Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh hiện có 2 địa điểm xử lý rác thải sinh hoạt, một là khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ), xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp, công suất khoảng 920 tấn/ngày. Hai là khu vực thu gom rác Bãi Nhát (huyện Côn Đảo) lưu giữ lượng rác thải sinh hoạt khoảng 11 tấn/ngày.

Yêu cầu lựa chọn cao

Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên, TP Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Lựa chọn công nghệ, nhà thầu thế nào để đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu đặt ra khi tỉnh lựa chọn phương châm một nhà đầu tư thực hiện đồng thời hai dự án: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện tại thị xã Phú Mỹ và huyện Côn Ðảo. Cuối quý III-2023, Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh cũng đã đăng lên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia thông báo mời gọi nhà đầu tư quan tâm, đăng ký thực hiện hai dự án. Theo đó, nhà đầu tư phải chứng minh bằng các hồ sơ liên quan đối với kinh nghiệm đã đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện tại Việt Nam.

 Rác thải sinh hoạt của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kbec trong Khu xử lý chất thải Tập trung Tóc Tiên thu gom và chôn lấp. Ảnh: TTXVN

Rác thải sinh hoạt của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kbec trong Khu xử lý chất thải Tập trung Tóc Tiên thu gom và chôn lấp. Ảnh: TTXVN

Cho đến nay, Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên, TP Phú Mỹ nhận được sự quan tâm của nhiều nhà thầu. Tuy nhiên, không ít nhà thầu nghiên cứu, phản hồi rằng tiêu chí đánh giá năng lực và kinh nghiệm trong Hồ sơ mời thầu được cho là đặt ra yêu cầu quá cao, có thể gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.

Dự án có tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, với yêu cầu nhà đầu tư phải từng tham gia ít nhất một dự án tương tự có tổng mức đầu tư tối thiểu 1.625 tỷ đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức yêu cầu này khá cao so với thực tế thị trường, khi số lượng dự án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện có quy mô lớn như vậy tại Việt Nam còn rất hạn chế.

Theo Thông tư số 15/2024/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức yêu cầu thông thường đối với kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự thường dao động từ 50% đến 70% tổng vốn đầu tư của dự án đang xét. Như vậy, nếu áp dụng linh hoạt, mức yêu cầu về vốn đầu tư tối thiểu có thể nằm trong khoảng 1.250 - 1.750 tỷ đồng, thay vì cố định ở mức 1.625 tỷ đồng như hiện tại.

Cần điều chỉnh để tìm tiếng nói chung

Mục tiêu của các dự án xử lý rác thải là tìm kiếm những nhà đầu tư có năng lực thực sự để đảm bảo công trình được triển khai hiệu quả và bền vững. Một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Cần Thơ, Hậu Giang, Bình Dương triển khai các dự án đốt rác có công nghệ hiện đại. Các nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động đã tháo gỡ những khó khăn cho các địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Mong muốn ấy không chỉ riêng có ở các dự án thuộc phạm vi mời thầu của Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, nếu tiêu chí lựa chọn quá cao, những nhà đầu tư có thể tham gia, thực thi được dự án là điều không dễ dàng ở thời điểm hiện nay, khiến quá trình tìm kiếm đối tác trở nên khó khăn hơn.

Việc xem xét điều chỉnh các tiêu chí đánh giá trong Hồ sơ mời thầu, theo hướng phù hợp với thực tế thị trường nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dự án, sẽ giúp mở rộng cơ hội cho nhiều doanh nghiệp có năng lực tham gia. Điều này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp xử lý chất thải phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp nhận các phản ánh và đang xem xét, phản hồi trước thời điểm đóng thầu dự án (tháng 5-2025). Cùng với đó, tỉnh cũng đang quy hoạch chuyển đổi diện tích rừng phù hợp để nhà đầu tư có thể thực hiện dự án nhà máy đốt rác tại Côn Đảo (công suất giai đoạn đến năm 2030 là 36 tấn/ngày, đến năm 2040 là 50 tấn/ngày và dự kiến đến năm 2045 là 66 tấn/ngày).

Mong rằng, dự án nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhà máy đốt rác Côn Đảo sẽ sớm chọn được nhà đầu tư có năng lực để hoàn thành đúng hạn (18 tháng xây dựng), đóng góp chung cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của địa phương.

CÔNG TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ba-ria-vung-tau-mong-muon-som-co-nha-may-dot-rac-phat-dien-821911
Zalo