Bà Rà - nơi chim về làm tổ
Cách đây 40 năm, trên con đường đi tìm nơi ở mới cho bà con bản Dao, những người như ông Triệu Lục Tín đã bắt gặp một thung lũng nhỏ ở Bà Rà. Thấy có đất sản xuất, nguồn nước dồi dào, đất đai phì nhiêu, hơn thế nữa, vùng đất này còn là nơi những cánh chim trời chọn làm tổ. Không suy nghĩ nhiều, những người đàn ông đã phát cây, cắm cọc, băng rừng trở lại quê hương bản quán đón vợ con về vùng đất này an cư, lập nghiệp. Từ một vùng đất hoang vu, đến nay, Bà Rà đã trở thành một bản làng trù phú, yên bình của xã Hùng Tiến, huyện Kim Bôi.
Cách đây 40 năm, trên con đường đi tìm nơi ở mới cho bà con bản Dao, những người như ông Triệu Lục Tín đã bắt gặp một thung lũng nhỏ ở Bà Rà. Thấy có đất sản xuất, nguồn nước dồi dào, đất đai phì nhiêu, hơn thế nữa, vùng đất này còn là nơi những cánh chim trời chọn làm tổ. Không suy nghĩ nhiều, những người đàn ông đã phát cây, cắm cọc, băng rừng trở lại quê hương bản quán đón vợ con về vùng đất này an cư, lập nghiệp. Từ một vùng đất hoang vu, đến nay, Bà Rà đã trở thành một bản làng trù phú, yên bình của xã Hùng Tiến, huyện Kim Bôi.
Từ nơi nghèo nhất huyện...
Tôi đã từng một mình lội bộ, vượt suối, băng rừng để lên đỉnh núi Bà Rà từ hồi nơi này còn chưa có đường, khi mà cuộc sống người dân vẫn còn nhiều tăm tối với núi rừng hoang vu, cuộc sống chỉ có cái nghèo, cái khó đeo đẳng. Trong ký ức của tôi, khi ấy đứng ở dưới ngửa mặt lên trời chỉ thấy đỉnh Bà Rà ở nơi cánh rừng xa vời vợi. Xuyên vào đám lau lách, cây rừng ken dày là con đường mòn độc đạo hiếm khi khô ráo. Bởi con đường mòn ấy, cánh rừng ấy lúc nào cũng chìm trong mây mù bao phủ.
Ngày ấy, lên tới Bà Rà đã khó. Để gặp được người dân sống trên đỉnh Bà Rà càng khó hơn. Nhà họ đấy nhưng mỗi hộ ở cách nhau đến cả quả đồi. Chỉ có đi bằng đôi chân nên có đi quanh bản cũng mướt mải mồ hôi. "Đến Bà Rà vào ban ngày mà chưa có hẹn trước với ai thì cũng chỉ gặp được người già hoặc trẻ nhỏ. Còn không, nhà nào cũng trống huếch, trống hoác vắng bóng người”, ông Triệu Lục Tín chia sẻ. Bởi theo ông Tín, mặc dù ở đỉnh Bà Rà đất đai màu mỡ, điều kiện sản xuất thuận lợi hơn những nơi mà ông và bà con dân tộc Dao sống trên đỉnh Bà Rà từng ở, nhưng do thời điểm đó đồng bào Dao chưa thoát khỏi lối sống du canh, du cư, do vậy cuộc sống lúc nào cũng chỉ là khó khăn và thiếu thốn vây quanh.
Trong ký ức của bà Triệu Thị Lương, những ngày gian khổ khi mới chuyển về vùng đất này sinh cơ lập nghiệp sau mấy chục năm vẫn chưa phai mờ. Bà kể: Ngày ấy, thời gian vào rừng để kiếm cái ăn, kiếm kế sinh nhai cho cả nhà là một hành trình gian khó. Ngô chưa đến mùa mẩy hạt, sắn chưa đến kỳ bén rễ, lúa còn như những ngọn chông vút thẳng lên trời thì đôi bàn chân của bà con mình chỉ có đạp gai rừng đến chai sần, bật máu để vào rừng tìm hái rau, đào củ rừng sống qua ngày. Đói thì dựa vào cây rừng mà sống. Ở cả vùng Mường Động khi ấy, có lẽ không ở đâu khổ như ở Bà Rà...
... đến hành trình vượt khó
Khó khăn là vậy, nhưng giống như cây rừng, sức chịu đựng và tinh thần vượt khó của người dân ở Bà Rà vô cùng bền bỉ. Từ chỗ đói đến mức phải bám vào cây rừng mà đi, người dân Bà Rà đã từng bước vươn lên. Theo đồng chí Bạch Thị Minh Huệ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hùng Sơn, từ chỗ là xóm đặc biệt khó khăn, đến nay Bà Rà từng bước vươn lên trở thành một trong những xóm có điều kiện kinh tế, thu nhập bình quân đầu người khá nhất xã. Còn theo trưởng xóm Bà Rà Lý Sinh Thế, mặc dù 100% người dân trong xóm là đồng bào dân tộc Dao, nhưng nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về hệ thống đường giao thông, điện, đến nay 93 hộ dân của toàn xóm đều có nhà xây. Trong đó, có nhiều nhà xây to, đẹp, thay thế hoàn toàn những ngôi nhà gỗ thấp, lụp sụp trước kia. Không chỉ có vậy, đời sống người dân cũng không ngừng được nâng lên.
Để có được sự thay đổi này là do đồng bào dân tộc Dao ở Bà Rà đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất; chủ động học tập kinh nghiệm sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tiễn. Theo trưởng xóm Lý Sinh Thế, ngoài 190ha vừa là đất ở, vừa là đất sản xuất, thời gian qua, người dân còn mạnh dạn bỏ vốn thuê thêm hàng trăm ha đất ở các địa phương khác để đầu tư trồng rừng, phát triển kinh tế rừng bền vững. Nhờ đó, mỗi năm đem về nguồn thu đáng kể cho người dân. Bên cạnh đó, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên với bãi chăn thả, đảm bảo nguồn thức ăn cho chăn nuôi, thời gian qua, người dân Bà Rà mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, nhất là duy trì phát triển chăn nuôi lợn bản địa. Theo thống kê, 100% hộ trong xóm đầu tư chăn nuôi lợn. Nhà nào ít cũng nuôi 5 - 10 con. Nhà nhiều thì nuôi từ 20 - 30 con. Thậm chí như hộ ông Lý Sinh Thế lúc nào trong chuồng cũng có 40 con. Hay các gia đình Triệu Xuân Tình, Triệu Lục Ký trong chuồng cũng duy trì từ 40 - 50 con. Thậm chí có thời điểm các hộ còn duy trì, phát triển đàn lợn lên tới 60 - 70 con. Từ chăn nuôi, mỗi năm các hộ thu về từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Ngoài nguồn thu từ chăn nuôi, hàng năm người dân ở Bà Rà cũng có nguồn thu đáng kể từ trồng rừng và buôn bán gỗ rừng trồng. Nhờ vậy, theo tính toán, mức thu nhập bình quân đầu người ở Bà Rà hiện đạt khoảng trên 35 triệu đồng/năm. Nhiều nhà đã mua được phương tiện đắt tiền như xe ô tô để đi lại và làm ăn. Cả xóm hiện có hơn 10 chiếc xe ô tô tải các loại chuyên chở hàng hóa, vật liệu phục vụ người dân. Từ chỗ 100% hộ dân thuộc hộ nghèo, đến nay, cả xóm còn 21/93 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Đời sống đi lên, chuyện học hành ở Bà Rà cũng được quan tâm nhiều hơn. Theo Trưởng xóm Lý Sinh Thế, hiện nay, 100% trẻ trong độ tuổi của xóm đều được đến trường. Đáng nói hơn, với tinh thần hiếu học, hiện nay ở Bà Rà có 6 cháu theo học các trường cao đẳng, đại học. Đây là những điểm sáng của nơi từng nghèo nhất vùng Mường Động, góp phần đưa vùng đất này thành bản làng yên bình cho những cánh chim về làm tổ...