Bà Nguyễn Phương Hằng tươi tỉnh tại phiên tòa phúc thẩm
Dù không có kháng cáo, bà Nguyễn Phương Hằng vẫn được triệu tập đến tòa. Theo quan sát, thần sắc bà Hằng khá tươi tỉnh.
Ngày 4/4, TAND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, do Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam); Đặng Anh Quân (tiến sĩ Luật, giảng viên Trường ĐH Luật Thành phố Hồ Chí Minh) và các đồng phạm thực hiện.
Phiên tòa được mở do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Đặng Anh Quân, Giảng viên Trường đại học Luật Tp.HCM; Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, trợ lý bà Hằng); Lê Thị Thu Hà (30 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam) và Huỳnh Công Tân (28 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Đinh Thị Lan, bà Đặng Thị Hàn Ni cũng có kháng cáo đối với bản án sơ thẩm.
Bà Nguyễn Phương Hằng đang chấp hành án phạt 3 năm tù và không kháng cáo, tuy nhiên vẫn được áp giải đến tòa phúc thẩm để làm rõ một số vấn đề liên quan. Do không có kháng cáo nên tòa bố trí bà Hằng ngồi ở hàng ghế sau, khi cần thiết sẽ gọi xét hỏi.
Theo quan sát, bà Nguyễn Phương Hằng mặc áo sơ mi trắng khi ra tòa. Thần sắc tươi tỉnh, nhiều lần bà Hằng cười tươi với các luật sư và nhân viên của mình
Hai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo thì chỉ có bà Đinh Thị Lan có mặt; còn bà Đặng Thị Hàn Ni có đơn xin xét xử vắng mặt. Bà hàn Ni hiện đang thụ án 1 năm 6 tháng tù vì có hành vi xúc phạm, tiết lộ bí mật cá nhân làm ảnh hưởng đến bà Nguyễn Phương Hằng và quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Tại phần thủ tục, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Đinh Thị Lan yêu cầu thay đổi kiểm sát viên vì đã gây khó dễ cho bà. Tuy nhiên sau khi hội ý, HĐXX không chấp nhận yêu cầu này của bà Lan.
Phiên tòa xét xử các đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng dự kiến kéo dài trong 2 ngày.
Theo bản án sơ thẩm, bà Phương Hằng đã sử dụng 12 kênh trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… để livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của 10 cá nhân: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu và bà Trương Việt Hà.
Tại các buổi livestream, Nguyễn Phương Hằng đã phát ngôn những nội dung về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều người. Trong đó, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Bị cáo Đặng Anh Quân đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng bị cáo Nguyễn Phương Hằng và có nhiều phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với bị cáo Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.
Đối với các đồng phạm khác, tháng 3/2021, bị can Lê Thị Thu Hà tham gia hỗ trợ bà Hằng livestream, sắp xếp góc máy quay, sắp xếp sân khấu. Ngoài ra, Hà còn lập tài khoản Facebook lấy tên “Ha Lee” để thông báo lịch phát livestream và đăng tải bài viết theo chỉ đạo của bà Hằng.
Từ tháng 4/2021, bị cáo Hằng chỉ đạo Nguyễn Thị Mai Nhi tạo lập nhiều tài khoản mạng xã hội Tiktok và tài khoản Facebook cá nhân lấy tên “Hoàng Nhi” để thông báo lịch phát sóng livestream, đăng các bài viết theo yêu cầu của bà Hằng.
Còn bị cáo Huỳnh Công Tân giúp sức cho bà Hằng phát các buổi livestream qua mạng xã hội Youtube theo chỉ đạo của bà Hằng. Tân livestream bằng laptop và máy quay của Công ty CP Đại Nam. Đồng thời, Tân đọc lại các bình luận, dẫn chương trình cho các buổi livestream của bà Hằng.
Với hành vi nêu trên, cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù giam; Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân lãnh cùng mức án 1 năm 6 tháng tù cùng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.