Hệ thống phòng không S-125 Newa SC do Ba Lan cải tiến dựa trên nguyên mẫu S-125 Pechora của Liên Xô, dễ nhận thấy nhất là bệ phóng đặt trên khung gầm xe tăng T-54.
Đầu tháng 3/2024, Quân đội Ba Lan thông báo rằng họ đã ký hai hợp đồng lớn vào tháng trước để bảo trì và sửa chữa các hệ thống tên lửa phòng không theo tiêu chuẩn Khối Hiệp ước Warsaw.
Hợp đồng đầu tiên được ký kết vào ngày 2/2, nhà thầu Wojskowe Zakłady Ubezpieczenia (WZA) SA trong giai đoạn 2024 - 2026 sẽ thực hiện khối lượng công việc trị giá 42 triệu zloty để hiện đại hóa hệ thống phòng không Kub và Osa-P.
Hợp đồng thứ hai với cùng WZA, cũng trị giá 42 triệu zloty, được ký vào ngày 6/2 nhằm đảm bảo khả năng hoạt động của hệ thống tên lửa phòng không S-125 Newa SC, đây là thông tin thu hút nhiều sự quan tâm nhất.
S-125 Newa SC là sản phẩm của công ty Cenrex, nó cung cấp mức độ cơ động vượt trội so với S-125 Pechora nguyên bản, đi kèm theo đó là tính năng kỹ chiến thuật cũng được cải thiện rất nhiều.
Thành phần cơ bản của một tổ hợp S-125 Newa SC trong biên chế Quân đội Ba Lan bao gồm đài radar cảnh giới nhìn vòng P-18, đài radar điều khiển hỏa lực SNR-125, trạm chỉ huy và các xe mang phóng tự hành (TEL).
Xe TEL của tổ hợp S-125 Newa SC tận dụng phần thân của các xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55 đã loại biên, cung cấp mức độ chắc chắn và sức cơ động rất cao, đủ sức tiếp nhận bệ phóng 5P73 với 4 đạn tên lửa sẵn sàng phóng.
Tuy nhiên liên kết giữa xe mang phóng tự hành và trạm chỉ huy điều khiển của tổ hợp S-125 Newa SC vẫn phải thông qua đường cáp hữu tuyến chứ không phải sóng vô tuyến.
Cách thức liên kết trên có ưu điểm là không sợ bị đối phương gây nhiễu, chế áp điện tử, tuy vậy nhược điểm rất dễ thấy đó là cự ly triển khai giữa hai thành phần trên phải thật gần nhau.
Đài radar điều khiển hỏa lực SNR-125 của tổ hợp S-125 Newa-SC đã được phía Ba Lan cải tiến để có thể đưa toàn bộ lên khung gầm xe tải việt dã MAZ-543, đây là loại sử dụng cho tên lửa đạn đạo Scud, cung cấp độ cơ động sánh ngang S-300.
Nhà sản xuất Cenrex cho biết xác suất diệt mục tiêu chỉ bằng 1 đạn duy nhất của S-125 Newa-SC rất cao, lên tới 95%, nhưng tốc độ tối đa của mục tiêu bị xạ kích khi hướng vào vẫn không hơn so với nguyên bản, chỉ đạt 700 m/s và phương thức điều khiển chưa có nhiều cải tiến.
Ngoài ra gói nâng cấp này có nhược điểm là thời gian kéo dài niên hạn chỉ thêm được khoảng 10 năm, trong khi không tận dụng được nhiều trang bị, khí tài cũ, khiến chi phí hiện đại hóa là rất lớn.
Việc sử dụng nhiều loại khung gầm xe mang phóng, vận tải khác nhau trong cùng một tổ hợp tên lửa phòng không cũng gây ra nhiều rắc rối cho công tác đảm bảo kỹ thuật.
Nhưng đáng kể nhất là thao tác triển khai - thu hồi các thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không S-125 Newa-SC rất nhanh, so với nguyên bản thì đã giảm từ 90 phút xuống chỉ còn khoảng 20 phút.
Số liệu của Military Balance cho biết vào đầu năm ngoái, Ba Lan có trong tay tổng cộng 17 tổ hợp S-125 Newa SC, một vài hệ thống đã được cung cấp cho Ukraine dưới dạng viện trợ quân sự.
Hiện nay lực lượng phòng không Ba Lan đã đưa vào biên chế một số tổ hợp Patriot tối tân của Mỹ hay Sky Sabre do Anh chế tạo nhưng số lượng vẫn còn ít, bởi vậy quyết định giữ lại những hệ thống Osa-P, Kub và đặc biệt là S-125 Newa SC được xem là rất hợp lý.