Ba kịch bản với 'vàng đen' Việt Nam khi Mỹ áp thuế quan mới
Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nêu 3 kịch bản xuất khẩu 'vàng đen' thời gian tới, khi Mỹ áp thuế đối ứng.
Xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu trên thế giới
Sáng 24/7, trao đổi tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam Nguyễn Văn Hùng cho biết hiện nay hồ tiêu Việt Nam đang phải cạnh tranh với Indonesia, Bra-xin, Ấn Độ và một số nước khác.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đưa ra 3 kịch bản xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam khi Mỹ áp dụng thuế quan mới. Ảnh: Bảo Trâm.
Dự báo 3 kịch bản của ngành hàng hồ tiêu nước ta trong thời gian tới, ông Hùng nói tình huống thứ nhất, việc Mỹ công bố mức thuế đối với hàng hóa của Việt Nam mức 20%, Indonesia 19% và Bra-xin 50%, thì hồ tiêu xuất khẩu của nước ta không đáng lo ngại, có nhiều lợi thế.
Tình huống thứ hai, mức thuế nước ta 20%, Indonesia 19%, trong khi Bra-xin giảm về 20%, hồ tiêu Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu mức thuế quan Mỹ áp dụng với Bra-xin về 10%, sẽ có sự chuyển dịch thị trường bởi sự chênh lệch lớn.
“Chắc chắn ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ có sự chuyển dịch về thị trường trong tình huống này. Chúng ta vẫn sẽ là thị trường hồ tiêu lớn, Mỹ vẫn nhập từ Việt Nam nhưng sẽ có chuyển dịch sang Bra-xin. Lúc này, chúng ta sẽ tập trung vào những thị trường khác” - ông Hùng nêu dự báo.
Tổng cung và cầu hồ tiêu trên thị trường thế giới không thay đổi, nếu Bra-xin đẩy mạnh bán hồ tiêu sang Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bán hồ tiêu sang những thị trường mà bạn ngừng cung cấp.
Ở tình huống thứ ba, ông Hùng cho rằng, nếu thuế quan của Việt Nam vẫn tiếp tục được giảm thì hồ tiêu có lợi thế rất lớn, bởi nước ta đang xuất khẩu sản lượng hồ tiêu hàng đầu trên thế giới.
Có nhiều chuyển biến tích cực
Dự báo xuất khẩu các tháng cuối năm, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đánh giá với lợi thế thuế suất thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh, cùng với năng lực cung ứng ổn định, có cơ sở kỳ vọng xuất khẩu sang Mỹ sẽ phục hồi tích cực.
Thị trường Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh đơn hàng vào quý IV/2025 và quý I/2026, khi doanh nghiệp nhập khẩu bắt đầu xây dựng tồn kho cho mùa tiêu thụ cao điểm.

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bảo Trâm.
Đối với Trung Quốc, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có sự cải thiện nhẹ trong nửa đầu năm, song chưa có dấu hiệu bùng nổ rõ rệt. Dự kiến 6 tháng cuối năm, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu từ Việt Nam nhưng khó lặp lại mức độ mua ồ ạt như năm 2023. Việc này đến do cạnh tranh giá từ Indonesia - quốc gia đã xuất khẩu sang Trung Quốc tăng hơn 100,7% trong 4 tháng đầu năm.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết, trong giai đoạn đầu năm, các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu có xu hướng "nén" nhu cầu ở mức tối thiểu, nên đến một thời điểm nhất định sẽ buộc phải nhập hàng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, khi nguồn cung bắt đầu khan hiếm.
Bà Liên dự báo các tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu hồ tiêu sẽ tăng và có nhiều khởi sắc.
Tính đến hết tháng 6/2025, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 124.133 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen chiếm tỷ trọng lớn với 105.939 tấn, còn lại là 18.194 tấn tiêu trắng.
Mặc dù lượng xuất khẩu giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2024, song kim ngạch xuất khẩu lại đạt 850,5 triệu USD, tăng mạnh 34,1% so với năm trước. Sự tăng trưởng ấn tượng về giá trị chủ yếu đến từ sự bứt phá của giá xuất khẩu: tiêu đen đạt bình quân 6.665 USD/tấn, tăng 93,6%, còn tiêu trắng đạt 8.079 USD/tấn, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, phản ánh rõ nét xu hướng phục hồi của thị trường hồ tiêu thế giới và sự cải thiện về chất lượng, giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất của Việt Nam.
Về thị trường, Mỹ tiếp tục là điểm đến lớn nhất, chiếm 23,6% tổng lượng xuất khẩu, tương ứng 24.979 tấn, tuy nhiên lại giảm mạnh 29,4% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu cần được theo dõi kỹ lưỡng, bởi Mỹ là thị trường có ảnh hưởng lớn đến xu hướng giá và chính sách xuất khẩu của Việt Nam.
Các thị trường quan trọng khác bao gồm Ấn Độ (7.768 tấn), UAE (7.700 tấn), Trung Quốc (6.610 tấn) và Đức (4.836 tấn) đều duy trì lượng nhập khẩu ổn định, cho thấy thị trường đang dần phân hóa và đa dạng hóa, giảm bớt sự phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.