Ba không khi dùng dầu ăn
Dầu ăn được sử dụng phổ biến nhưng bạn cần lưu ý không để nhiệt độ nấu quá cao, không tái sử dụng nhiều lần, không để trong chai lọ sắt.
Hiện nay, nhiều gia đình sử dụng dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật để tránh nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới tim mạch. Tuy nhiên, khi sử dụng dầu ăn, người nội trợ vẫn phải lưu ý một số điều để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Không chiên rán ở nhiệt độ cao khiến dầu bốc khói
Một trong những yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc khi lựa chọn và sử dụng dầu ăn là điểm khói của dầu. Theo Master Class, dầu thường được chiết xuất từ các loại quả, hạt như hướng dương, hạnh nhân, quả óc chó, ô liu, bơ, dừa thông qua quá trình nghiền và ép.
Điểm khói của dầu là nhiệt độ mà dầu bắt đầu cháy và bốc khói, dấu hiệu cho thấy dầu bắt đầu phân hủy. Khi đó, dầu có thể giải phóng các hóa chất khiến thực phẩm có mùi cháy, vị đắng cũng như các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
Không tái sử dụng dầu ăn nhiều lần
Dùng lại dầu ăn hoặc mỡ là thói quen khá phổ biến nhưng có thể gây ra một số nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe. Rủi ro thường gặp nhất là dầu bị ôi hoặc hỏng, chứa các cặn thức ăn cũ.
Dầu chỉ cần sử dụng một lần là có thể thay đổi thành phần, đặc biệt ở nhiệt độ cao. Việc đun nóng lại dầu ăn sẽ làm tăng sự hiện diện của các chất gây ung thư, tăng tình trạng viêm, giảm khả năng miễn dịch, dẫn tới một số bệnh. Theo Đại học Columbia (Mỹ) đã có nghiên cứu phát hiện ra mối quan hệ giữa phát triển ung thư vú và việc tái sử dụng dầu.
Dùng lại dầu ăn đã chiên rán thường xuyên còn làm tăng nguy cơ vi khuẩn phát triển trong bếp.
Không bảo quản dầu ăn trong chai sắt, nơi có nhiệt độ cao
Đầu bếp người Mỹ R.L. King cho biết: "Dầu chưa mở và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát có thể để được tới 2 năm. Sau khi mở nắp chai dầu, bạn nên sử dụng trong 2-3 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, một sản phẩm chất lượng cao có thể để tới 1 năm nhưng cần bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và đậy kín nắp".
Nếu bạn để dầu ăn ở nơi có nhiệt độ cao, ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, dầu có thể nhanh chóng bị oxy hóa, biến đổi tính chất, giải phóng các chất độc gây hại. Dấu hiệu nhận biết dầu bị hỏng là có mùi nồng, trông sẫm màu hơn, đục, nhớt có thể có bọt trên bề mặt khi đun nóng.
Ngoài ra, tuyệt đối không để dầu trong chai lọ sắt vì axit béo sẽ phản ứng với gỉ sét và tạo thành muối làm ô nhiễm dầu, gây mùi hôi khó chịu.
Lưu ý: Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến cáo, không đổ dầu ăn xuống bồn rửa. Dầu sẽ nguội đi khi gặp nước trong cống và đông lại gây tắc nghẽn bồn rửa, hệ thống tự hoại hoặc cống rãnh công cộng.