Bà Kamala Harris chỉ trích ông Trump
Trong bài phát biểu lớn đầu tiên kể từ khi rời Nhà Trắng, cựu Phó tổng thống Kamala Harris chỉ trích gay gắt ông Trump, cảnh báo nước Mỹ đang tiến sát khủng hoảng hiến pháp.

Cựu Phó Tổng thống Kamala Harris tại sự kiện Emerge Gala ở San Francisco ngày 30/4. Ảnh: Reuters.
Cựu Phó tổng thống Kamala Harris tối 30/4 đã có bài phát biểu lớn đầu tiên kể từ khi rời nhiệm sở, trong đó bà thẳng thắn chỉ trích Tổng thống Donald Trump, cáo buộc ông gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nhân tạo lớn nhất lịch sử hiện đại bằng loạt thuế quan toàn diện.
Harris cảnh báo các xung đột giữa ông Trump với hệ thống tư pháp đang đẩy nước Mỹ tới bờ vực một cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Phát biểu tại sự kiện Emerge Gala ở San Francisco, nơi gây quỹ cho tổ chức hỗ trợ phụ nữ tham gia chính trường, bà Harris hiện là ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ năm 2024.
Bài phát biểu của bà đánh dấu 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump bằng thông điệp đầy mạnh mẽ: “Thay vì một chính quyền hành động vì những lý tưởng cao quý nhất của nước Mỹ, chúng ta đang chứng kiến sự từ bỏ hoàn toàn những lý tưởng đó”.
“Nhưng cũng trong 14 tuần qua, người dân Mỹ đang lên tiếng, thể hiện lòng dũng cảm của mình”, Harris nhấn mạnh.
Chỉ trích chính sách thuế quan và cảnh báo suy thoái
Harris gọi loạt thuế quan mà ông Trump áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu là “liều lĩnh” và “như tôi đã dự đoán, đang rõ ràng kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế”.
Bà cho rằng chính sách này không chỉ khiến giá cả nhu yếu phẩm leo thang, bào mòn tài khoản hưu trí của người dân mà còn khiến nhiều doanh nghiệp - từ nhỏ đến lớn - phải sa thải nhân công.
Trong khi ông Trump khẳng định việc áp thuế là để điều chỉnh mất cân bằng thương mại và hồi sinh việc làm sản xuất trong nước, thì các số liệu mới công bố lại cho thấy nền kinh tế Mỹ đã giảm 0,3% trong quý I - một dấu hiệu bất ổn ngày càng rõ rệt.
Bà Harris nhận định tốc độ dồn dập trong các chính sách của chính quyền Trump là có chủ ý. Bà gọi ông Trump là “công cụ” của một dự án bảo thủ đã được chuẩn bị suốt nhiều thập kỷ.
“Xin đừng bị đánh lừa rằng mọi thứ chỉ là hỗn loạn. Thực chất, chúng ta đang chứng kiến một tiến trình có tốc độ cao, trong đó một nhân vật đang được sử dụng để triển khai một chương trình nghị sự sâu xa”, bà nói.

Cựu phó tổng thống liên tục chỉ trích các chính sách của chính quyền Trump, đổ lỗi cho các biện pháp áp thuế đã gây bất ổn nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ. Ảnh: Reuters.
Đảng Dân chủ và con đường phía trước
Bài phát biểu của Harris diễn ra trong thời điểm quan trọng đối với cá nhân bà và cả Đảng Dân chủ.
Sau thất bại trong cuộc bầu cử năm ngoái, Harris cùng nhóm cố vấn đã cân nhắc những bước tiếp theo, bao gồm khả năng tranh cử Tổng thống lần nữa vào năm 2028 hoặc tham gia cuộc đua Thống đốc bang California năm 2026. Không phải ngẫu nhiên mà bài phát biểu tối qua được tổ chức tại bang quê nhà.
“Thật tuyệt khi được trở về nhà”, Harris chia sẻ.
Các cố vấn của bà cho rằng nếu muốn tranh cử Thống đốc, Harris sẽ phải công bố quyết định chậm nhất là vào mùa hè 2025, giữa lúc cuộc đua đang nóng lên với sự tham gia của nhiều gương mặt nổi bật như cựu Hạ nghị sĩ Katie Porter hay Phó Thống đốc Eleni Kounalakis.
Dù chọn con đường nào, bài phát biểu tối qua cho thấy một sự trở lại có tính toán, trong bối cảnh nhiều đảng viên Dân chủ đang chờ đợi một tiếng nói dẫn dắt giữa sóng gió từ chính quyền Trump.
Harris cũng kêu gọi nội bộ Đảng Dân chủ đoàn kết, đồng thời ca ngợi loạt nghị sĩ từ các phe phái khác nhau như Cory Booker (New Jersey), Chris Murphy (Connecticut), Alexandria Ocasio-Cortez (New York) hay Bernie Sanders (Vermont) vì đã “lên tiếng một cách rõ ràng và có đạo lý về thời khắc này”.
“Tôi không ở đây để đưa ra mọi lời giải, nhưng tôi muốn nhắn rằng: các bạn không đơn độc, chúng ta đang cùng nhau chiến đấu”, bà Harris nói. “Nói thẳng, tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn trước khi tốt lên. Nhưng chúng ta đã sẵn sàng. Chúng ta sẽ không tan rã. Chúng ta sẽ đứng bên nhau. Ai cũng là một người lãnh đạo”.
Trở lại chính trường
Sau một thời gian im lặng hậu bầu cử, Harris đang dần quay lại chính trường. Theo một nguồn tin, bà sẽ tham dự sự kiện gây quỹ cho Ủy ban Quốc gia Dân chủ tại New York trong tuần tới. Gần đây, bà cũng thường xuyên kêu gọi quyên góp qua danh sách email xây dựng từ chiến dịch tranh cử năm 2024.
Đầu tháng này, tại Hội nghị Thượng đỉnh Leading Women Defined tại California, Harris bắt đầu gia tăng các phát biểu công khai, bày tỏ lo ngại trước những gì đã xảy ra từ khi ông Trump nhậm chức. “Chúng tôi đã lường trước nhiều điều”, bà nói, rồi bật cười: “Tôi không ở đây để nói ‘Tôi đã bảo mà’”.

Cựu Phó tổng thống và ứng cử viên thống đốc tiềm năng Kamala Harris phát biểu tại hội nghị Leading Women Defined ở Dana Point vào đầu tháng 4. Ảnh: Los Angeles Times.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu tối 30/4, bà Harris thể hiện một giọng điệu nghiêm trọng hơn, khi cảnh báo rằng sự đối đầu giữa Nhà Trắng với các tòa án đang khiến cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực trong hệ thống chính trị Mỹ “bắt đầu rạn nứt”.
“Nếu Quốc hội không làm phần việc của mình, nếu tòa án không làm phần việc của họ, hoặc nếu cả hai cùng làm nhưng tổng thống vẫn bất chấp – thì đó chính là một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Và đó là một cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta", Harris cảnh báo.
Bà nhấn mạnh: “Quyền lực duy nhất không được phép thất bại, chính là tiếng nói của người dân”.
Phát biểu của bà Harris đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ, nhưng bà không phải là người duy nhất trong Đảng Dân chủ nắm lấy khoảng trống lãnh đạo.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã cùng Alexandria Ocasio-Cortez đi khắp nước Mỹ để thúc đẩy làn sóng cấp tiến chống lại “chủ nghĩa tài phiệt”; Thống đốc California Gavin Newsom đối đầu công khai với phe cực hữu qua podcast riêng nhằm mở rộng thông điệp của đảng; còn Thống đốc Illinois JB Pritzker không ngần ngại chỉ trích nội bộ đảng là “quá yếu ớt” trước sự tấn công của Trump.
Trong khi đó, người từng là bạn đồng hành tranh cử với Harris - Thống đốc Minnesota Tim Walz - cũng đang lên tiếng chia sẻ về bài học từ thất bại và nhấn mạnh: nếu chỉ mưu cầu quyền lực mà thiếu tầm nhìn cho hiện tại, “người dân sẽ quay lưng”.