Bà Harris bị chỉ trích 'quá tự mãn'
Một số nhân vật đảng Dân chủ chỉ trích bà Harris và chiến dịch quá 'tự mãn' khi từ chối thừa nhận sai lầm trong những lần xuất hiện công khai gần đây.
Một số lời chỉ trích nhắm vào bà Kamala Harris sau cuộc gọi video cảm ơn các nhà tài trợ chiến dịch, trong đó phó tổng thống bày tỏ sự tự hào về chiến dịch tranh cử của mình, dù đã thất bại, theo Guardian.
Bà Harris tỏ ra tự hào vì liên minh được thành lập chỉ trong 3 tháng rưỡi sau khi bà kế nhiệm Tổng thống Joe Biden làm ứng viên đại diện đảng Dân chủ, nằm trong số những “phong trào chính trị tốt nhất”.
Phó tổng thống cũng khẳng định phong trào này sẽ có “tác động lâu dài”, dù đã kết thúc với thất bại nặng nề trước Tổng thống đắc cử Donald Trump - điều mà bà và những người ủng hộ trước đó cảnh báo sẽ là một thảm họa.
Tự hào
“Tôi tự hào về cuộc đua mà chúng tôi đã tham gia, và vai trò của các bạn trong đó rất quan trọng”, phó tổng thống khẳng định trong một bài phát biểu dài 10 phút. “Những gì chúng tôi đã làm trong 107 ngày là chưa từng có tiền lệ. Hãy nghĩ về liên minh mà chúng ta đã xây dựng, chúng ta đã làm việc rất có mục tiêu, hẳn các bạn đã nghe tôi nói về điều đó mọi lúc”.
Dù thừa nhận cuộc bầu cử “không diễn ra như mong muốn”, bà Harris lưu ý chiến dịch đã huy động được gần 1,5 tỷ USD - con số kỷ lục - và ca ngợi thành công trong việc huy động quỹ từ các nhà tài trợ cơ sở, bất chấp việc chiến dịch kết thúc với khoản nợ 20 triệu USD và phải gửi email huy động vốn sau bầu cử tới các nhà tài trợ.
Các nhân viên cấp cao trong chiến dịch của bà Harris cũng bị chỉ trích vì những tuyên bố trong lần xuất hiện trên podcast Pod Save America - được quảng bá là để phân tích nguyên nhân thất bại. Bà Lindy Li, một thành viên trong nhóm tài chính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, đã chỉ trích chiến dịch của bà Harris là “quá tự mãn”.
Bà Li nói với tờ NewsNation rằng bà “bị sốc khi không có bất kỳ phân tích hoặc đánh giá nào về chiến dịch thất bại thảm hại này”.
“Họ chỉ toàn khen nhau. Họ ca ngợi bà Harris như một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, và trong một khoảnh khắc trong cuộc gọi, bà ấy thậm chí đã nói về công thức nấu ăn dịp Lễ Tạ ơn của mình”, bà Li cho biết.
Liên quan đến podcast Pod Save America được đăng ngày 26/11, trong đó các cố vấn chính của bà Harris thảo luận về khoản chi tiêu hơn 1 tỷ USD cho chiến dịch, bà Li nói: “Họ không nhắc đến việc hàng trăm triệu USD đã được chuyển cho họ và đồng minh thông qua chính các nhà tư vấn”.
“Những nhà tư vấn này là những người hưởng lợi chính từ chiến dịch của bà Harris, chứ không phải người dân Mỹ”, bà thẳng thắn chỉ trích.
Lời giải thích từ cố vấn của bà Harris, Stephanie Cutter, trong podcast về lý do phó tổng thống từ chối tách khỏi hình ảnh của Tổng thống Biden bất chấp mức độ tín nhiệm thấp kéo dài của ông, cũng nhận phải sự chỉ trích.
“Bà ấy cảm thấy bản thân là một phần của chính quyền đương nhiệm. Vậy tại sao bà ấy phải nhìn lại và chọn lọc những điều cần làm khác đi khi bà ấy là một phần của nó?”, bà Cutter nói trong podcast. “Bà ấy có sự trung thành to lớn đối với Tổng thống Biden. Vì vậy, điều tốt nhất chúng tôi có thể làm, và là điều mà bà (Harris) cảm thấy thoải mái nhất, là nói rằng ‘nhìn xem, phó tổng thống không bao giờ chia rẽ với tổng thống của họ’”.
Đáp lại, một người dùng trên nền tảng X bình luận: “Nếu mấy người ở Pod Save America không làm một tập podcast thẳng thắn chỉ trích những kẻ thất bại này - những người đã khiến chúng ta thất bại - tôi sẽ không nghe thêm tập nào nữa. Vì điều này thật vô nghĩa”.
Chỉ trích
Ông David Plouffe, cựu cố vấn cấp cao của cựu Tổng thống Barack Obama, cũng hứng chịu chỉ trích sau khi tuyên bố “rất khó để đảng Dân chủ giành chiến thắng ở các bang chiến địa”. Ông cho rằng đảng cần “thống trị phiếu bầu của nhóm cử tri ôn hòa” để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Đáp trả, ông Jeet Heer, nhà báo của tạp chí cánh tả Nation viết: “Có quá khó để mong đợi một chút khiêm tốn và tự nhìn lại từ những người có chiến lược thất bại thảm hại không?”
Một người dùng mạng xã hội khác cũng viết: “Bất kỳ ai có hơn hai tế bào não và thực sự muốn xây dựng đảng Dân chủ sẽ cố gắng phân tích số liệu cử tri giảm sút. Nhưng mấy người ở Pod Save America chẳng có mục tiêu nào ngoài việc sống lại những ngày huy hoàng cũ”.
Chương trình podcast - với sự tham gia của bà Jen O’Malley Dillon, giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Harris và ông Quentin Fulks, phó giám đốc chiến dịch, cũng bị một số người thuộc phe bảo thủ chế nhạo.
“(Họ) giống như đội New York Jets. Các bạn xem bóng đá, không ai làm gì sai, và họ thua 3-8… Tôi hy vọng mọi người nhận ra sự phi lý này”, ông Bill O’Reilly, cựu dẫn chương trình của Fox News, nói với NewsNation.
Ông James Carville, chiến lược gia kỳ cựu của đảng Dân chủ và là “kiến trúc sư” tạo nên chiến thắng năm 1992 của cựu Tổng thống Bill Clinton, cũng chỉ trích các cố vấn khi khuyên bà Harris không tham gia phỏng vấn trên podcast của Joe Rogan trước bầu cử. Ngược lại, ông Trump đã tham gia một cuộc phỏng vấn kéo dài 3 giờ với người dẫn chương trình này.
“Nếu tôi điều hành một chiến dịch năm 2028 và có một đứa trẻ 23 tuổi khăng khăng rằng ‘tôi sẽ từ chức nếu ông không làm thế này’, không những tôi sẽ sa thải người đó ngay tại chỗ mà còn phải tìm ra ai đã thuê họ và sa thải luôn người đó”, ông Carville nói trong một đoạn video được đăng trên mạng xã hội.
“Tôi thật sự không quan tâm đến ý kiến ngu ngốc, thiếu hiểu biết của cậu về việc có nên tham gia chương trình của Joe Rogan hay không”, ông gay gắt chỉ trích.