Bà Gia - bản hùng ca chiến thắng
Trước năm 1958, xã Đoàn Kết (huyện Đạ Huoai) lúc này là mảnh đất mang tên Bà Gia gồm 3 buôn: Lú Nhùm, Tố Nỏ, Tiêng Làng với số dân khoảng 300 người. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân trên địa bàn đã đoàn kết một lòng, bền bỉ đấu tranh, xây dựng căn cứ vững chắc nằm sâu trong lòng địch; tạo lập được hành lang an toàn, thông suốt nối liền giữa khu VI và các tỉnh duyên hải miền Trung; cung cấp nhiều lương thực, thực phẩm cho lực lượng cách mạng; tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng bào trong xã đã tự tổ chức sản xuất, sinh hoạt, tránh được sự càn quét, cai trị của thực dân Pháp; từ tự phát đến tự giác, đồng bào ở đây đã có sự đóng góp về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến; góp phần cùng Nhân dân và các dân tộc trong toàn huyện, toàn tỉnh và cả nước kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với nhiều chiến công hiển hách, phát huy truyền thống và lòng yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất, xã Đoàn Kết trở thành vùng căn cứ cách mạng vững chắc của huyện, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.
Sở dĩ quân ta chọn xã Bà Gia để xây dựng căn cứ bởi vì đây là khu đất khá bằng phẳng, màu mỡ nằm dọc sông Đạ Huoai, rất phù hợp để sản xuất, canh tác; mặt khác xung quanh xã được bao bọc bởi những dãy núi cao, rừng già rất thuận tiện cho việc phòng thủ. Để thoát khỏi cảnh dồn dân vào các khu tập trung của Ngô Đình Diệm, bà con các buôn đã theo cán bộ vào rừng, thề một lòng sống chết, đói khổ có nhau. Theo kế hoạch, ngày 1/2/1959, cán bộ cùng người dân 3 buôn Lú Nhùm, Tố Nỏ, Tiêng Làng vào rừng an toàn mà địch không hề hay biết.
Những ngày đầu ở căn cứ, cuộc sống hết sức khó khăn, gian khổ trăm bề. Mọi thứ đều phải làm lại từ đầu, phải dựng lại nhà cửa, ổn định ăn, ở; khẩn trương phát nương làm rẫy để đảm bảo lương thực. Đồng thời phải cảnh giác để đối phó với âm mưu đánh phá của địch nhằm đưa dân ta vào các khu tập trung. Tuy nhiên bằng tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường nên Nhân dân xã Bà Gia đã sớm ổn định nơi ở mới.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh ở xã Bà Gia là biểu tượng của tinh thần bất khuất, bất hợp tác với kẻ địch của đồng bào ở huyện Đạ Huoai nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Học tập người dân xã Bà Gia, các buôn làng của đồng bào ở huyện Đạ Huoai đấu tranh đòi được làm ăn tại buôn làng cũ, không chịu vào các khu tập trung. Phong trào đấu tranh nhanh chóng lan rộng khắp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận. Điển hình như tại khu tập trung Bắc Ruộng (Bình Thuận), bà con đồng bào đã nổi dậy cùng lực lượng vũ trang phá khu tập trung; khi đó bà con xã Bà Gia đã cử hàng trăm lượt người hỗ trợ, tiếp tế hàng chục tấn lương thực, thực phẩm. Qua đó góp phần đưa 5.000 đồng bào ở khu tập trung về lại núi rừng, ổn định đời sống, xây dựng căn cứ cách mạng.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong trong tình hình mới, cấp trên quyết định thành lập xã Bà Gia do đồng chí K’ Tài làm Chủ tịch, nhiệm vụ của xã lúc này chính là tập trung xây dựng xã thành vùng căn cứ cách mạng để phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ hành lang qua lại đường 20 và khu VI.
Thực hiện nhiệm vụ trên, xã Bà Gia đã tập trung xây dựng, củng cố lực lượng cốt cán; thành lập Chi bộ xã Bà Gia lãnh đạo Nhân dân xây dựng căn cứ, bảo vệ hành lang, cung cấp lương thực, thực phẩm. Lực lượng du kích của xã nắm tình hình địch, tham gia dẫn đường, bảo vệ đoàn, tiêu diệt địch để bảo vệ cho quân ta đi qua.
Đầu mùa mưa năm 1965, dân quân, du kích xã Bà Gia cùng với lực lượng vũ trang K.4 và các lực lượng khác đẩy mạnh tấn công địch khắp địa bàn tỉnh. Điển hình như các trận đánh tiêu diệt đồn bảo an và chốt dân vệ của địch ở B’Sa, phá vỡ ấp chiến lược của Mỹ - ngụy, giải phóng 1.000 dân đưa về căn cứ cách mạng Bà Gia. Hay như trận đánh vào ấp Phước Lạc vào năm 1967, đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm cho kẻ thù vào ban đêm không dám ở lại ấp chiến lược mà phải trốn đi nơi khác.
Từ ngày 2 - 5/3/1968, lực lượng vũ trang xã Bà Gia kết hợp với các lực lượng khác đẩy lùi cuộc càn quét của địch vào căn cứ. Loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, phá hủy, thu giữ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Ngày 13/10/1968, lực lượng vũ trang của ta cùng du kích xã Bà Gia tiêu diệt gọn một đại đội dưới chân đèo Bảo Lộc, bắn cháy một máy bay HU1A.
Ngày 7/7/1970, địch tung nhiều máy bay để truy tìm, du kích xã Lộc Bắc đã bắn rơi máy bay chở tên Trung tướng KiSi - Tư lệnh Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ cùng đoàn tùy tùng. Địch dùng máy bay càn quét một vùng rộng lớn, khi bay ngang xã Bà Gia, du kích xã đã bắn rơi 1 máy bay trinh sát và 1 máy bay trực thăng. Cùng với đó là nhiều chiến công hiển hách của Nhân dân xã Bà Gia và lực lượng vũ trang của ta cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.
Tình cảm quân dân của đồng bào xã Bà Gia được những người lớn tuổi trong các buôn làng kể lại rằng, những năm kháng chiến có người hỏi gạo đầy gùi sao không lấy nấu mà ăn? Bà con trả lời rằng: "Gạo này dành cho bộ đội đánh giặc, mình càng mang nhiều về càng tốt, mình có đói khổ nhưng bộ đội còn đói, còn khổ hơn mình nhiều". Đó chính là sự thể hiện rõ nét nhất tính thật thà, chất phác và tình cảm tốt đẹp nhất của bà con với bộ đội, với cách mạng.
Được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”, nay xã Đoàn Kết đã có nhiều đổi thay mọi mặt. Cuộc sống của người dân ổn định, ấm no, hạnh phúc; cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng toàn thể người dân quyết tâm xây dựng nông thôn mới, phát huy truyền thống hào hùng của mảnh đất từng là vùng căn cứ cách mạng và hậu phương quan trọng trong hai cuộc kháng chiến.
Từ một vùng đất hoang sơ, nghèo nàn, lạc hậu, dân cư thưa thớt; đến nay, vùng căn cứ cách mạng Bà Gia, nay là xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai đã “thay da đổi thịt”; chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, theo phương án sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Đoàn Kết vào xã Đạ P’loa liền kề thành một xã mới và đặt tên là xã Bà Gia.