Bà con nghèo có niềm vui trong những căn nhà mới
Đồng Nai còn 399 trường hợp hộ nghèo, cận nghèo và 137 gia đình chính sách cần hỗ trợ nhà ở. Mục tiêu được Chính phủ và tỉnh đề ra là 'Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trong năm 2025' và phấn đấu trước ngày 30-4-2025, gia đình chính sách, người có công có nhà ở đàng hoàng, có mức sống trên trung bình…
Đồng Nai đang “chạy đua với thời gian” để hoàn thành mục tiêu không còn để gia đình nào sống trong nhà tạm, nhà dột nát.
Tết đầu tiên trong căn nhà mới
Dịp Tết Nguyên đán 2025 này, Đồng Nai có gần 400 gia đình là hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách có công được đón Tết trong căn nhà mới kiên cố.
Bà Châu Thị Lan (ngụ xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) cho hay, Tết này cả nhà bà sẽ đón Tết đầu tiên trong căn nhà mới. Đây là niềm vui lớn đối với cả nhà bà, bởi bao năm qua vì không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định nên cuộc sống thiếu thốn. Do đó, dù cố gắng nhưng gia đình không thể tự xây cho mình căn nhà kiên cố.
Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu:
Tin tưởng Đồng Nai sẽ cùng cả nước hoàn thành mục tiêu của Chính phủ
Mục tiêu được Chính phủ và tỉnh Đồng Nai đề ra là “Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trong năm 2025” và phấn đấu trước ngày 30-4-2025, gia đình chính sách, người có công có nhà ở đàng hoàng, có mức sống trên trung bình. Nội dung này đã được đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận các cấp trong nhiệm kỳ mới. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hy vọng và tin tưởng Đồng Nai sẽ có các giải pháp và huy động nguồn lực từ nhiều phía để cùng cả nước hoàn thành mục tiêu này.
So với dịp Tết 2024, số gia đình đón Tết trong nhà mới năm nay cao hơn gần 100 trường hợp. Ngoài số lượng nhà mới được bàn giao tăng, một điểm đáng chú ý là trong quá trình xây dựng nhà kiên cố cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách tại Đồng Nai, tỉnh đã huy động được sự chung tay của nhiều nguồn lực.
Đồng thời, thông qua áp dụng mô hình “3 tại chỗ”: nguồn tài trợ ban đầu, gia đình và người thân đóng góp, chính quyền vận động cộng đồng tại chỗ hỗ trợ thêm, thời gian qua, mỗi căn nhà sau khi hoàn thành đều có giá từ 100 triệu đồng trở lên, nhiều căn nhà sau khi hoàn thành có kinh phí lên đến gần 250 triệu đồng. Kết quả này cao hơn mức chuẩn hỗ trợ nhà tình thương cho hộ nghèo được Quỹ Vì người nghèo tỉnh áp dụng là 80 triệu đồng/căn.
Năm 2024 cũng là thời điểm Đồng Nai huy động được nguồn lực quốc tế để xây, sửa nhà cho dân nhiều nhất trong những năm trở lại đây. Cụ thể, thông qua kết nối của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam và Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai tài trợ xây dựng 11 căn nhà cho người dân 2 huyện Tân Phú, Định Quán; Tổ chức Habitat for Humanity International tài trợ xây mới và sửa chữa 68 căn nhà cho người dân huyện Nhơn Trạch…
Từ hiệu quả mà mô hình “3 tại chỗ”, theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, trong quá trình xây dựng hơn 536 căn nhà theo kế hoạch khảo sát trong xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh sẽ đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực để căn nhà khi bàn giao cho người dân, nhất là với gia đình chính sách có công, sẽ khang trang nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản của từng gia đình.
Vừa tháo gỡ vướng mắc, vừa vận động nguồn lực
Qua rà soát thì đến thời điểm này, cả tỉnh chỉ còn 536 trường hợp cần hỗ trợ xây dựng nhà ở song để không bỏ sót trường hợp nào cần trợ giúp nằm trong quy định, tỉnh vẫn tiếp tục cập nhật danh sách cần trợ giúp xây dựng nhà ở do mỗi xã, phường bổ sung.
Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai Thổ Út cho biết, phần lớn các gia đình sống ở nhà tạm, nhà dột nát đang vướng mắc một số vấn đề liên quan như: không có diện tích đất để xây dựng nhà ở, gia đình có đất nhưng đất không phù hợp quy hoạch xây dựng… Còn những trường hợp không vướng mắc đã được tỉnh hỗ trợ xây - sửa nhà ở từ lâu. Do vậy, để có hướng giải quyết đối với những trường hợp này, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Lao động, thương binh và xã hội, Sở Xây dựng thống kê cụ thể và phân loại từng trường hợp để từ đó có lộ trình thực hiện đạt hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
Riêng với vấn đề nguồn lực xây dựng nhà ở, hỗ trợ gia đình chính sách có công, ngân sách, chính sách tỉnh đóng vai trò chủ đạo. Vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn giao Sở Tài chính, Sở Lao động, thương binh và xã hội, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định về kinh phí đảm bảo thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát và các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn theo quy định hiện hành.
Đồng thời, để mỗi căn nhà được xây dựng thể hiện sự chung sức của cộng đồng, theo ông Cao Văn Quang, MTTQ các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về mục đích, ý nghĩa các chương trình an sinh xã hội nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Đồng thời, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chung tay chăm lo Tết cho người nghèo và những trường hợp hoàn cảnh khó khăn khác. Ngoài ra, Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân để huy động nguồn lực quốc tế tham gia xây dựng nhà kiên cố cho gia đình chính sách có công, người nghèo và những trường hợp khó khăn khác.