Bà Bảy bị nhân viên ngân hàng rút mất 3,5 tỉ đồng: Ngân hàng hay nhân viên phải trả lại tiền?

Do không có tiền trả nợ, Nguyễn Hoàng Kim Vy đã chỉ đạo cấp dưới tất toán khống 3 sổ tiết kiệm trị giá 3,5 tỉ đồng của bà Nguyễn Thị Bé Bảy.

Ngày mai (19-2), TAND TP.HCM sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Hoàng Kim Vy, cựu giám đốc chi nhánh một ngân hàng TMCP, về tội tham ô tài sản.

Hai bị cáo Nguyễn Thùy Liên (kiểm soát viên) và Nguyễn Thị Vân (giao dịch viên) bị xét xử về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác có liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Các bị cáo có 3 luật sư bào chữa. Bị hại trong vụ án được xác định là ngân hàng nói trên; còn bà Nguyễn Thị Bé Bảy và chồng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Rút sổ tiết kiệm của khách để trả nợ

Theo cáo trạng, ngày 24-5-2021, bà Nguyễn Thị Bé Bảy đã chuyển khoản mở 3 sổ tiết kiệm trị giá 3,5 tỉ đồng tại phòng giao dịch của ngân hàng nói trên. Bà Bảy ủy quyền cho chồng là ông Trần Kỳ Vũ thực hiện các thủ tục liên quan đến các sổ tiết kiệm ở ngân hàng.

Ngày 28-6-2021, do cần tiền để trả nợ cho ông Võ Thế Năng, Vy đã chỉ đạo Nguyễn Thị Vân và Nguyễn Thùy Liên tất toán khống 3 sổ tiết kiệm của bà Bảy. Số tiền 3,5 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của bà Bảy mở tại ngân hàng trên.

 Ba bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8-2024. Ảnh: MD

Ba bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 8-2024. Ảnh: MD

Theo chỉ đạo của Vy, trong cùng ngày, Nguyễn Thị Vân thực hiện 4 ủy nhiệm chi chuyển tiền từ tài khoản của bà Bảy cho người thụ hưởng là Nguyễn Thị Thương (vợ của ông Năng - chủ nợ của Vy). Người thực hiện bút toán chuyển tiền trên hệ thống là kiểm soát viên Nguyễn Thùy Liên.

Kết quả điều tra xác định, giấy đề nghị tất toán, 4 ủy nhiệm chi chỉ có chữ ký của Vân, không có chữ ký của Liên và bà Bảy hoặc chồng của bà. Chứng từ tất toán 3 sổ tiết kiệm không có bản gốc sổ theo quy định của ngân hàng.

Đến tháng 10-2021, chồng bà Bảy đến ngân hàng đề nghị tất toán các sổ tiết kiệm thì được nhân viên thông báo các sổ tiết kiệm này đã được tất toán và rút hết tiền.

Làm việc với cơ quan điều tra, Nguyễn Hoàng Kim Vy thừa nhận đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện tất toán sổ tiết kiệm trị giá 3,5 tỉ đồng của bà Bảy để trả nợ cho ông Năng.

Cơ quan điều tra đã cho Vy đối chất với ông Năng, xác định Vy đã chuyển trả số tiền 3,5 tỉ đồng vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Năng) để trả nợ. Hiện nay, Vy vẫn còn nợ ông Năng số tiền hơn 5 tỉ đồng.

Tòa từng trả điều tra bổ sung, xác định lại số tiền chiếm đoạt

Tháng 8-2024, TAND TP.HCM từng đưa vụ án ra xét xử và trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ một số vấn đề. Trong đó có việc xác định các tình tiết khách quan, số tiền mà bị cáo Vy chiếm đoạt của ngân hàng; hai bị cáo Liên, Vân gây thiệt hại cho nhà nước. Trường hợp có cơ sở xác định số tiền mà các bị cáo gây thiệt hại ít hơn số tiền hiện các bị cáo đang bị truy tố thì truy tố theo khung hình phạt mà pháp luật quy định.

Kết quả điều tra bổ sung xác định, sau khi Vy thực hiện xong hành vi tất toán khống thẻ tiết kiệm của bà Bảy, do bà Bảy cần 1,5 tỉ đồng nên Vy đã chuyển 1,1 tỉ đồng và lập một thẻ tiết kiệm mới 400 triệu đồng cho bà.

Quá trình điều tra, Vy không đưa ra được hồ sơ, chứng cứ thể hiện đã chuyển 1,1 tỉ đồng cho bà Bảy. Vy cho rằng, thời điểm đó đang dịch Covid-19, có lệnh cấm đi lại nên bà Bảy không thể đến ngân hàng ký nhận chứng từ.

Bà Bảy xác nhận có nhận được 1,1 tỉ đồng từ thẻ tiết kiệm 1,5 tỉ đồng đứng tên bà và được phía ngân hàng gửi một thẻ tiết kiệm 400 triệu đồng bằng đường bưu điện. Khoảng tháng 10-2021, bà Bảy có đến ngân hàng để tất toán thẻ tiết kiệm 400 triệu đồng. Bà Bảy không biết việc 3 bị cáo đã tất toán 3 thẻ tiết kiệm của bà tại ngân hàng.

Kết quả điều tra xác định, bà Bảy thừa nhận có nhận lại 1,5 tỉ và chỉ đề nghị hoàn trả số tiền tương ứng 2 thẻ tiết kiệm là 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, CQĐT có đủ căn cứ xác định, tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, ngân hàng nói trên là tổ chức nhận tiền gửi, có trách nhiệm bảo quản số tiền gửi tổng cộng 3,5 tỉ đồng (tương ứng 3 thẻ tiết kiệm) của bà Bảy. Việc đề nghị ngân hàng này phải hoàn trả số tiền tương ứng với 2 thẻ tiết kiệm trị giá 2 tỉ đồng chỉ là nguyện vọng cá nhân của bà Bảy.

Vì vậy, có đủ cơ sở xác định Nguyễn Hoàng Kim Vy lợi dụng chức vụ là giám đốc phòng giao dịch để chiếm đoạt tiền số tiền 3,5 tỉ đồng của ngân hàng. Hành vi của Vy phạm vào tội tham ô tài sản theo Khoản 4, Điều 353 BLHS.

Hành vi của Liên và Vân gây thiệt hại cho ngân hàng 3,5 tỉ đồng, phạm vào tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác có liên quan đến hoạt động ngân hàng tại Khoản 4 Điều 206 BLHS.

Ai phải trả lại tiền cho bà Bảy?

Trong các vụ việc người dân đến gửi tiền tại ngân hàng nhưng sau đó bỗng dưng biến mất thì điều mà bạn đọc quan tâm là ngân hàng hay nhân viên ngân hàng (người có hành vi sai phạm) có trách nhiệm trả lại tiền cho người dân.

Đối với vụ việc này, theo LS Lê Trung Phát, Đoàn LS TP.HCM, bị cáo Nguyễn Hoàng kim Vy bị đưa ra xét xử về tội tham ô tài sản vì có hành vi chiếm đoạt tiền mà mình có trách nhiệm quản lý - số tiền tham ô được xác định là tiền của ngân hàng. Khi đó, ngân hàng được xác định là bị hại.

Trường hợp bà Vy bị tuyên án theo đúng tội danh bị truy tố là tham ô tài sản thì khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự thì bà Vy còn chịu trách nhiệm dân sự đối với ngân hàng bằng việc phải trả lại cho ngân hàng số tiền đã tham ô.

Đối với bà Bảy, bà được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án do trước đó có mối quan hệ hợp pháp với ngân hàng thông qua thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm hợp pháp.

Bà Bảy có thể cầm các sổ tiết kiệm của mình để đến ngân hàng thực hiện việc rút tiền như các khách hàng khác đang gửi tiết kiệm tại ngân hàng, không phụ thuộc vào việc bà Vy đã trả lại tiền cho ngân hàng hay chưa.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/ba-bay-bi-nhan-vien-ngan-hang-rut-mat-35-ti-dong-ngan-hang-hay-nhan-vien-phai-tra-lai-tien-post834783.html
Zalo