Ðẩy mạnh phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía bắc
Ngày 18-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) ban hành Văn bản số 4793/BNN-PCTT về việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) khu vực miền núi phía bắc năm 2020.
Ngày 18-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) ban hành Văn bản số 4793/BNN-PCTT về việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) khu vực miền núi phía bắc năm 2020.
Theo đó, yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả Luật PCTT sửa đổi; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư; tham mưu đưa nội dung PCTT vào nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác của ban chỉ huy PCTT các cấp. Cùng với rà soát kịch bản, phương án ứng phó, sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, bảo đảm kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra, cần chỉ đạo triển khai lực lượng xung kích cấp xã trong PCTT, rà soát và phát hiện nơi mất an toàn, các vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, bố trí nguồn lực để thực hiện…
* Theo Tổng cục PCTT, mưa lớn, dông lốc ngày 17-7 tại các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang và ngày 16-7 tại các tỉnh An Giang, Gia Lai đã làm sập 7 nhà, 38 nhà bị tốc mái, 290 ha lúa bị đổ. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, hỗ trợ, giúp đỡ người dân bị thiệt hại.
* Bộ NN và PTNT cho biết, hiện nay, các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y đều có đủ khả năng, nguyên liệu xét nghiệm, phát hiện vi-rút cúm nói chung; trong đó có vi-rút cúm lợn, kể cả chủng pdm/09 H1N1 bằng phương pháp Real-time PCR và giải trình tự gien của vi-rút cúm. Liên quan đến việc giám sát cúm lợn tại Việt Nam, Cục Thú y chủ động giám sát, phát hiện bằng chứng lưu hành vi-rút pdm/09 H1N1 trên lợn và người. Theo đó, từ năm 2009 đến nay, sau khi xuất hiện đại dịch cúm do pdm/09 H1N1 (năm 2009), Cục Thú y phối hợp với các nước và tổ chức quốc tế tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, chủ động lấy mẫu và xét nghiệm trên 35.600 con lợn các loại…
* Tỉnh Bình Ðịnh đang triển khai gói hỗ trợ 150 tỷ đồng để người chăn nuôi tái đàn lợn. Tỉnh quyết tâm khôi phục và phát triển đàn lợn, tăng giá trị ngành chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt 1,2 triệu con.
* Nhờ đẩy mạnh các biện pháp nuôi tái đàn, số lợn của tỉnh Gia Lai hiện đạt hơn 409 nghìn con, cao hơn trước khi DTLCP bùng phát. Trong đợt dịch, có khoảng 30 nghìn con bị chết. Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra chuồng trại, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn ra, vào tỉnh, tỉnh khuyến cáo người dân hạn chế nuôi tập trung tại nơi đông dân cư để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường.
* Sau nhiều tháng triển khai các biện pháp tái đàn, đến nay đàn lợn của tỉnh Nam Ðịnh đạt 600 nghìn con. Mặc dù DTLCP được khống chế nhưng tình hình chăn nuôi lợn 6 tháng đầu năm còn gặp nhiều khó khăn.
* Hiện nay toàn tỉnh Ðắk Nông có 250.252 con lợn, đạt 118% so với kế hoạch năm 2020. Trong đó đàn lợn thịt khoảng 230.200 con. UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu người dân.
* Khoảng 14 giờ chiều 18-7, người dân phát hiện đám cháy lớn bùng phát tại gần một miếu thờ thuộc núi Hầm Vàng (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng). Thời tiết nắng nóng, lại gặp gió lớn khiến đám cháy sớm lan rộng. Nhận được tin báo, lực lượng phản ứng nhanh quận Liên Chiểu, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an TP Ðà Nẵng nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Ðến 17 giờ cùng ngày, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng gồm bộ đội, dân quân, kiểm lâm… tiếp tục triển khai phương án chia thành nhiều hướng để tiếp cận đám cháy, tìm cách dập lửa. Sau hơn bốn giờ, đám cháy đã cơ bản được khống chế.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân thắp nhang tại miếu thờ trong rừng cho nên gây cháy. Diện tích rừng bị cháy đang được thống kê.