Australia phạt nặng Telegram liên quan xử lý nội dung độc hại

Ủy ban An toàn trực tuyến Australia đã phạt Telegram khoảng 1 triệu đôla Australia (tương đương 640.000 USD) liên quan xử lý nội dung độc hại.

Biểu tượng của Telegram trên màn hình điện thoại. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban An toàn trực tuyến Australia ngày 23/2 đã phạt Telegram khoảng 1 triệu đôla Australia (tương đương 640.000 USD) do nền tảng nhắn tin mã hóa này chậm trễ trong việc cung cấp thông tin về các biện pháp ngăn chặn nội dung khủng bố và lạm dụng tình dục trẻ em.

Theo ủy ban trên, vào tháng 3/2024, cơ quan này đã yêu cầu Telegram, cùng các nền tảng khác như YouTube, X, Facebook và Reddit báo cáo về các biện pháp ngăn chặn việc phát tán nội dung bạo lực cực đoan và lạm dụng trẻ em. Dù hạn chót là tháng 5/2024, nhưng phải tới giữa tháng 10/2024, Telegram mới phản hồi, khiến công tác giám sát của ủy ban trên bị gián đoạn trong gần nửa năm.

Ủy viên Ủy ban An toàn trực tuyến Australia - bà Julie Inman Grant nhấn mạnh rằng việc đánh giá mức độ thành công và thất bại của các nền tảng trong việc xử lý nội dung độc hại là điều tối quan trọng để bảo vệ cộng đồng và nâng cao tiêu chuẩn an toàn trong ngành công nghệ. Bà cũng nêu rõ việc các công ty công nghệ phải phản hồi một cách minh bạch và kịp thời liên quan vấn đề này là một yêu cầu bắt buộc tại Australia.

Phản hồi về án phạt, Telegram cho biết họ đã trả lời đầy đủ tất cả các câu hỏi của Ủy ban An toàn trực tuyến Australia vào năm ngoái và không có vấn đề nào tồn đọng. Công ty cũng chỉ trích mức phạt là "không công bằng và không cân xứng" chỉ vì lý do chậm trễ trong thời gian phản hồi, đồng thời cho biết sẽ kháng cáo quyết định này.

Ngoài việc bị phạt, Telegram còn phải đối mặt với sự giám sát ngày càng gia tăng từ chính phủ các nước trên thế giới. Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của nền tảng này - ông Pavel Durov đã bị bắt giữ tại sân bay ở Paris (Pháp) vào tháng 8/2024 và sau đó bị truy tố với nhiều cáo buộc liên quan đến việc không kiểm soát được nội dung cực đoan trên ứng dụng của mình. Ông Durov được tại ngoại sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh 5 triệu euro (tương đương 5,3 triệu USD) và tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn nội dung bất hợp pháp trên Telegram.

Cơ quan tình báo Australia cũng cảnh báo về mối đe dọa ngày càng lớn từ các nội dung cực đoan trực tuyến, khi 1/5 số vụ điều tra chống khủng bố cấp độ ưu tiên của nước này liên quan đến thanh thiếu niên. Bà Grant nhấn mạnh rằng các tập đoàn công nghệ lớn phải có trách nhiệm minh bạch và triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn việc lạm dụng nền tảng của họ vào các mục đích xấu.

Bà Grant nêu rõ: "Nếu chúng ta muốn có sự minh bạch và trách nhiệm từ ngành công nghệ, chúng ta cần phải có những công cụ pháp lý mạnh mẽ để kiểm tra xem các nền tảng này đang xử lý những vấn đề nghiêm trọng như thế nào".

Nếu Telegram không tuân thủ án phạt, Ủy viên Ủy ban An toàn trực tuyến Australia có thể đưa vụ việc ra tòa án liên bang để yêu cầu xử lý dân sự.

Thanh Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/australia-phat-nang-telegram-lien-quan-xu-ly-noi-dung-doc-hai/364122.html
Zalo