Australia hướng tới đối tác trong 'Tầm nhìn ASEAN toàn cầu'
ASEAN đang trở thành một nhân tố kinh tế quốc tế ngày càng quan trọng, với tăng trưởng ấn tượng về thương mại trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Với vị thế ngày càng tăng, ASEAN thu hút sự quan tâm của nhiều nền kinh tế quan trọng, trong đó có Australia; hai nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương này có thể thúc đẩy hợp tác khu vực bằng cách khởi xướng một sáng kiến nhằm tạo ra trật tự kinh tế bền vững trên cơ sở một 'thị trường xanh duy nhất'.
ASEAN - tâm điểm của tăng trưởng
Bất kỳ du khách nào đến thủ đô Jakarta của Indonesia vào năm 2023 cũng đều ấn tượng với khẩu hiệu của năm Chủ tịch ASEAN được trang hoàng khắp nơi: “ASEAN - tâm điểm tăng trưởng toàn cầu”.
Trên thực tế, các chuyên gia đánh giá rằng, đây không phải những lời tự khen vô căn cứ, bởi thực tế đã chứng minh điều đó. Tăng trưởng GDP trên toàn khối được dự đoán sẽ ổn định ở mức khoảng 4% trong suốt phần còn lại của thập kỷ này, mạnh mẽ hơn mức tăng trưởng trung bình của G7 hoặc Liên minh châu Âu (EU), thậm chí gần ngang bằng với tăng trưởng của Trung Quốc.
Nhưng các nhà đầu tư trong khu vực đều có nhận xét chung: ASEAN không phải là một thị trường chung. Và bất chấp những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của ASEAN nhằm tăng cường hội nhập kinh tế giữa các thành viên để tạo ra “thị trường chung duy nhất”, thì thực tế chỉ có khoảng 20% thương mại của ASEAN là diễn ra nội khối, trong khi khoảng 40% thương mại của Bắc Mỹ là với các đối tác Bắc Mỹ khác và 60% thương mại của châu Âu diễn ra trong phạm vi châu Âu.
Nhưng ASEAN không thể - và có thể nói là không nên lấy mức độ trao đổi thương mại nội khối làm chuẩn mực cho sự thành công của quá trình hội nhập. Thực tế, phương thức hội nhập của ASEAN luôn từ chối cách tiếp cận khép kín hướng nội giống như mô hình của Liên minh châu Âu hay Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA giờ là USMCA). Các kế hoạch dài hạn của riêng ASEAN nhằm hướng tới một Cộng đồng Kinh tế ASEAN với tham vọng về thị trường duy nhất, nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nhập nội khối như một công cụ tạo ra nền tảng cho quá trình hội nhập của ASEAN vào nền kinh tế toàn cầu.
ASEAN đã và đang thúc đẩy hơn nữa tiến trình hội nhập đó vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xuất khẩu của ASEAN đã tăng 480% kể từ đầu thế kỷ XXI, đưa thị phần xuất khẩu toàn cầu của ASEAN từ 5,4% lên 7,8% trong cùng kỳ. ASEAN đã thành công trong đưa tăng trưởng thương mại lên vượt quá 100% GDP so với 70% ở châu Âu và 22% ở Bắc Mỹ.
Điểm mấu chốt là ASEAN hiện đóng vai trò là một tác nhân quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa. Thành công kinh tế của ASEAN trong thế kỷ này phần lớn là nhờ vào sự bảo vệ của chế độ thương mại quốc tế dựa trên luật lệ và những thành tựu hội nhập của riêng mình. Đây là một câu lạc bộ các cường quốc vừa và nhỏ, những quốc gia nhận ra giá trị trong hành động tập thể nếu họ không muốn trở thành những "người phải chấp nhận luật chơi" trong một môi trường toàn cầu, nơi thương mại cởi mở và dựa trên luật lệ là một điểm yếu trong bối cảnh kinh tế đang bị chính trị hóa.
Lợi ích chung của thương mại tự do, cởi mở
Với sức mạnh của mình, ASEAN có thể đóng vai trò lãnh đạo để ứng phó với thách thức này trên cơ sở sự tham gia tích cực của các đối tác đối thoại như Australia, những nước có chung lợi ích trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy luật lệ quốc tế và các cơ chế đa phương để đối phó với những thách thức chung trong lĩnh vực kinh tế.
Hợp tác kinh tế với ASEAN phù hợp với mối quan tâm cấp bách của Australia trong xây dựng quan hệ đối tác chính trị mới để bảo vệ những gì Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong gọi là "các hiệp định thương mại cởi mở, tự do" - những cơ chế mà cả Australia và Đông Nam Á đều cần có để đạt được sự thịnh vượng.
Chính phủ Australia đã khẳng định, sự gắn kết kinh tế chặt chẽ với các nước Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy thương mại và đầu tư với khu vực này, vốn chưa xứng tầm so với tiềm năng của họ. Điều này củng cố các khuyến nghị của các chuyên gia về chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia.
Hợp tác kinh tế nhằm thúc đẩy một tầm nhìn toàn cầu của ASEAN sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu và các nhà đầu tư Australia. Nhưng đây không nên là logic chỉ đạo chính của hợp tác kinh tế Australia - ASEAN, cũng không nên chỉ xác định mục tiêu thắt chặt quan hệ thương mại với Đông Nam Á theo hướng khả năng đa dạng hóa thương mại khỏi Trung Quốc.
Chương trình nghị sự hợp tác kinh tế của Australia với Đông Nam Á cần phải đạt được hai mục tiêu: thúc đẩy quan hệ kinh tế với khu vực bằng cách hỗ trợ ASEAN xóa bỏ các trở ngại đối với thương mại và đầu tư, đồng thời thực hiện mục tiêu chiến lược của Australia trong việc định vị hợp tác với ASEAN là một phần cốt lõi trong chiến lược ngoại giao toàn cầu.
Để làm được điều này, Australia phải chủ động tham gia vào tiến trình hội nhập của ASEAN để xây dựng chương trình nghị sự hợp tác nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại và đầu tư trong khu vực, bảo vệ và hỗ trợ chế độ thương mại đa phương dựa trên luật lệ của WTO, và thiết lập đúng các quy tắc để mở khóa tài chính và công nghệ nhằm đạt được quá trình phi carbon hóa nhanh chóng các nền kinh tế trong khu vực.
Thị trường Xanh - chìa khóa cho hợp tác
Trọng tâm phát triển xanh hiện đóng vai trò và ý nghĩa quan trọng. Australia cần nắm lấy cơ hội này bởi Hoa Kỳ, dưới thời Donald Trump 2.0, nhiều khả năng không chỉ rút lui khỏi các cơ chế quản trị kinh tế đa phương mà còn rút khỏi các cơ chế hợp tác khí hậu đa phương.
Australia có thể hợp tác với ASEAN để thiết lập một Thị trường Xanh duy nhất và biến mục tiêu này thành tiêu chuẩn cho các nỗ lực hợp tác khu vực. Thông qua hợp tác để hài hòa các quy định xuyên biên giới, hai bên có thể đạt được thương mại tự do và đầu tư vào hàng hóa xanh, tín dụng, công nghệ và tài chính xanh; mở khóa đầu tư tư nhân vào các công nghệ và chiến lược nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở Đông Nam Á.
Để duy trì động lực chính trị của quá trình này, bên cạnh các hoạt động nhằm thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao với Chính phủ của các quốc gia thành viên, Australia cần ưu tiên các phương thức hợp tác toàn ASEAN. Thực tế cho thấy, những thách thức chính sách xuyên quốc gia của khu vực sẽ được giải quyết tốt nhất thông qua con đường đa phương và ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm.
Các phương thức đó có thể thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN -Australia - New Zealand (AANZFTA), hoặc trụ cột hợp tác kinh tế và kỹ thuật mới ra đời của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Australia năm 2024, ASEAN và Australia đã khẳng định nguyện vọng chung là hợp tác để đạt được lợi ích chung trong một trật tự kinh tế cởi mở, dựa trên luật lệ và bền vững. Chương trình nghị sự này càng sớm được đưa vào thực tế càng tốt, vì Australia cần có cái nhìn thực tế hơn về những “quốc gia đồng minh cùng chí hướng” trong một thế giới mà những người bạn lâu năm của họ đang quay lại với chủ nghĩa bảo hộ, một xu hướng đi ngược lại với lợi ích quốc gia của Australia và phần lớn những nước khác trên thế giới.