Ẩu đả khi va chạm giao thông: Do văn hóa hay do áp lực giao thông?

Theo Trung tá, Tiến sỹ Lê Hoàng Việt Lâm- Giảng viên Đại học An ninh nhân dân TP.HCM, nguyên nhân chính là do thiếu ý thức chấp hành luật giao thông và sau đó là áp lực tâm lý của người tham gia giao thông.

Thời gian gần đây, những vụ va chạm giao thông dẫn đến ẩu đả, gây thương tích hoặc gây thiệt hại cho phương tiện của nhau xảy ra nhiều, mà nguyên nhân chủ yếu do tâm lý, ý thức. Cho nên, đừng để thiếu văn hóa giao thông dẫn đến vi phạm pháp luật.

Một điều nhịn chín điều lành

Khi được hỏi đã bao giờ bị va quẹt khi đi trên đường và bạn đã xử lý thế nào, nhiều người kể câu chuyện của mình như: "Đường đó xe rất đông, xe tải nhiều, khi va chạm thì tôi xuống xe, bắt tay người lái xe kia và xin lỗi"; "Bình tĩnh khi tham gia giao thông và khi xảy ra va chạm thì đầu tiên nên dĩ hòa vi quý vì một điều nhịn bằng chín điều lành"...

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tỉnh táo, bình tĩnh để giải quyết như vậy. Cho nên mới có nhiều vụ việc hành hung người va chạm giao thông với mình, đập phá xe của người khác như vừa qua ở Bình Dương, TP.HCM và nhiều nơi khác.

TP.HCM hiện có lưu lượng phương tiện rất đông, trên 10 triệu xe, gồm trên 9 triệu phương tiện mô tô, 1 triệu ô tô, chưa kể các phương tiện từ các địa phương khác lưu thông ở đây.

TP.HCM hiện có trên 10 triệu phương tiện giao thông, chưa kể phương tiện của các tỉnh thành khác lưu thông ở đây

TP.HCM hiện có trên 10 triệu phương tiện giao thông, chưa kể phương tiện của các tỉnh thành khác lưu thông ở đây

Về nguyên nhân khiến va chạm, ẩu đả xảy ra, theo Trung tá, Tiến sỹ Lê Hoàng Việt Lâm- Giảng viên Đại học An ninh nhân dân TP.HCM, nguyên nhân chính là do thiếu ý thức chấp hành luật giao thông và sau đó là áp lực tâm lý của người tham gia giao thông. Hiện nay, nhiều người chỉ chọn yếu tố trước mắt là làm sao phải đi cho nhanh nhưng chưa nghĩ tới khi xảy ra hậu quả thì mình phải gánh chịu đầu tiên.

"Một yếu tố rất quan trọng là sự xói mòn về văn hóa giao thông trên đường. Khi xảy ra va chạm, có rất nhiều người thể hiện cái tôi của mình, giải quyết kiểu mạnh thì thắng yếu thì thua và tư tưởng rất nguy hiểm là hiện nay người ta cho rằng va chạm giao thông và ứng xử vô văn hóa là cách thể hiện quyền lực của mình ở trên đường."- TS Việt Lâm nhấn mạnh.

Không tuân thủ pháp luật về giao thông dễ dẫn đến va quẹt

Không tuân thủ pháp luật về giao thông dễ dẫn đến va quẹt

Người tham gia giao thông cần chủ động kiềm chế cảm xúc và giảm bớt cái tôi trong các tình huống va chạm giao thông, hãy đặt mình vào vị trí của người khác để giải quyết vấn đề.

Theo Thượng tá Lê Văn Hải- Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.HCM, trong những vụ va chạm trên đường, nhiều người mất bình tĩnh khi giải quyết dẫn đến cách ứng xử không phù hợp.

"Quan trọng là ý thức chấp hành pháp luật về giao thông để đi đúng thì sẽ hạn chế va chạm, tai nạn. Khi xảy ra va chạm thì mọi người cần bình tĩnh, nhìn nhận vụ việc xem do lỗi của mình hay của người khác. Phải có một bên nhận ra mình sai và xin lỗi thì vụ việc sẽ được giải quyết, dễ hơn nhiều."- Thượng tá Hải nhận xét.

Nhiều chuyên gia cho biết, nhìn ở góc độ văn hóa giao tiếp, khi mỗi người chủ động xin lỗi thì căng thẳng sẽ được xoa dịu, trong các vụ va chạm giao thông cũng thế. Tuy nhiên, có những người đã không chịu xin lỗi vì nghĩ làm như vậy là đang tự nhận mình sai và phải bồi thường, thế là vụ việc trở nên căng thẳng, khó giải quyết.

Giải quyết nguyên nhân bao giờ cũng nhẹ nhàng hơn

Va chạm trong khi lưu thông là lỗi vô ý, không ai mong muốn, nên cần bình tĩnh và kiềm chế để giải quyết.

Va chạm giao thông, đúng hay sai chưa rõ nhưng nếu gây hấn, căng thẳng hoặc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau là vi phạm pháp luật với các hành vi đã được quy định rõ như “cố ý gây thương tích”, “gây rối trật tự công cộng”, “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”…

Các vụ va chạm giao thông thường là vô ý và không ai mong muốn nhưng các trường hợp ẩu đả vẫn xảy ra do thiếu hiểu biết về pháp luật.

Các vụ va chạm giao thông thường là vô ý và không ai mong muốn nhưng các trường hợp ẩu đả vẫn xảy ra do thiếu hiểu biết về pháp luật.

Về góc độ xã hội, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn- Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, va chạm và xô xát thì người thiệt hại đầu tiên là người trực tiếp tham gia vụ việc, sau đó là ảnh hưởng đến nhiều người khác: "Khi va chạm thì chỉ 2, 3 phương tiện, ít thôi nhưng không tự giải quyết, giải tỏa hiện trường được thì đứng đó phân bua đúng sai, cự cãi…dẫn đến ùn tắc giao thông, kẹt xe, mất thời gian của rất nhiều người."

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhận định, tình trạng ẩu đả do áp lực giao thông là một vấn đề đáng lưu tâm, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM là một siêu đô thị với khoảng 10 triệu dân và số lượng phương tiện tăng trưởng hàng năm.

Để giải quyết các vấn đề về giao thông, TP.HCM đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng như metro, hầm chui, mở rộng giao lộ, hệ thống đèn tín hiệu, biển báo giao thông, vạch kẻ đường…

Ông Hải cũng khuyến cáo người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để góp phần giải tỏa việc quá tải diện tích mặt đường như hiện nay cũng như hạn chế va chạm trên đường.

"Chúng ta thấy rõ ràng rằng khi có ùn tắc, va chạm, xích mích thì thời gian ùn tắc tăng lên theo các số vụ đó. Cho nên, chúng ta nên hưởng ứng và sử dụng giao thông công cộng."- Ông Hải nói thêm.

Chấp hành pháp luật, có văn hóa khi tham gia giao thông để giảm thiểu các vụ vi phạm

Chấp hành pháp luật, có văn hóa khi tham gia giao thông để giảm thiểu các vụ vi phạm

Chuyên gia khuyến cáo, khi xảy ra va chạm giao thông, người dân không nên quá khích mà cần nhanh chóng thỏa thuận, giải quyết vụ việc và di chuyển phương tiện, đưa người bị nạn đến nơi an toàn.

Nếu báo cơ quan chức năng, cần chụp ảnh, quay phim hiện trường và thu thập các chứng cứ để giúp cơ quan chức năng có thêm thông tin xử lý vụ việc. Không bỏ đi khi chưa có sự đồng ý của các bên liên quan.

Quan trọng hơn, mọi người cần phải sẵn sàng nhận lỗi và nhớ rằng, bạo lực chỉ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng, thậm chí vướng vào lao lý.

Minh Hạnh- VOV TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/au-da-khi-va-cham-giao-thong-do-van-hoa-hay-do-ap-luc-giao-thong-post1148157.vov
Zalo