Ất tỵ nói chuyện về rắn trong tâm thức Việt

Loài rắn xuất hiện khá nhiều trong văn hóa dân gian Việt Nam. Trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt, rắn gắn với sông nước. Với văn hóa Việt, rắn gắn với đạo Mẫu, được coi là vị thần cai quản thiên giới cùng các vị Mẫu bảo vệ và ban lộc cho muôn loài.

Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giáo sư Trần Lâm Biền cùng độc giả cắt nghĩa về hình tượng rắn trong quan niệm dân gian.

Ở Đền Quán Thánh hay trong Đền Trấn Vũ (Long Biên), Chùa Hàng Khoai, hình tượng Huyền Thiên Trấn Vũ chống kiếm trên lưng con rùa và có con rắn đang bò lên trên kiếm. Rõ ràng là ý thức của người Việt không phải tiêu diệt mà là hòa hoãn với lũ lụt, sống chung với lũ lụt.

“Con rắn căn bản thường được gắn với các điều ác, điều xấu và cái nọc độc của nó là gây chết người. Nhưng chính nọc độc của nó cũng là cứu người. Vì thế, trong y dược học, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của thế giới, là sử dụng con rắn trong một bố cục nhất định nào đó để nó nói lên được ý nghĩa là tác dụng 2 mặt của con rắn: Ngoài hại người, nhưng nọc độc của nó cũng chữa được rất nhiều bệnh nan y”- đó cũng là hai mặt tốt xấu song hành trong vũ trụ, trong nhân sinh” - GS Trần Lâm Biền chia sẻ.

Giáo sư Trần Lâm Biền.

Giáo sư Trần Lâm Biền.

Chúng ta còn có thể kể ra nhiều các chuyện khác nữa về rắn, nhưng căn bản là nó gắn với nước. Trong cái chạm khắc của thế kỷ 17, trước mặt 1 con rồng mà là con thạch sùng thì đấy là con rồng lửa bởi vì con thạch sùng là thần giữ lửa. Nhưng mà trước mặt con rồng mà lại là con rắn thì đấy là Thủy long (Rồng nước).

Một ý nghĩa đáng quan tâm nữa trong tạo hình về loài rắn còn là để dạy dỗ, giáo dục con người sống sao cho biết gìn giữ cái tốt, tránh xa cái xấu. Người xưa chạm khắc hình ảnh một con voi to và một con rắn nhỏ ở trước mặt, đề chữ “Xà thốn Tượng” nghĩa là rắn nuốt voi. Đó là tấm bia của chùa Hương, ở bến đi lên Chùa Thiên Trụ. Con voi là tượng trưng cho sự tốt đẹp, đạo đức, trong sáng, tốt lành nhưng nếu không giữ gìn thì sẽ bị lực lượng tà làm tan nát, làm hỏng. Xà thốn tượng là rắn nuốt voi, con rắn bé như thế tức là cái xấu xa ở trong xã hội tuy rằng nó bé, nhưng cái truyền thống tốt lành mà không giữ thì cái xấu xa ấy làm cạn mòn, làm tan biến.

Nhìn chung, con rắn với người Việt không phải là một con vật mà người ta mong cầu thường xuyên bởi người ta nhìn con rắn dưới thế lực tà nhiều hơn là thế lực tốt. Chẳng hạn như với những người tuy tốt nhưng ăn nói phũ phàng, thì có câu “Khẩu xà tâm Phật”, ý là 2 thái cực đối lập nhau, và trong trường hợp này thì rắn mang hàm ý không dễ chịu.

Biểu tượng rắn thủy thần của người Việt cũng có hai thuộc tính: tốt và xấu. Rắn là vị thần nước giúp mưa thuận gió hòa, mang điềm lành và báo điềm dữ. Ngược lại, rắn là con vật tinh quái phá hoại mùa màng và cuộc sống của người dân. Cho dù rắn có mang thuộc tính nào đi chăng nữa thì trong quan niệm người dân vẫn một lòng kính trọng và thờ phụng.

Tuy nhiên, trong văn hóa các dân tộc, con rắn được đẩy lên thành vật thiêng, lúc ấy nó lại mang ý niệm tốt. Chẳng hạn như chuyện thành lập ra vũ trụ thế giới, con rắn Raga là rắn thiêng, 3 đầu, 5 đầu hay 7 đầu. Những con rắn ấy đã bắt nguồn vào trong tạo lập vũ trụ với câu chuyện như là Thần Vishnu, mỗi lần ông ngủ và thức dậy là khoảng 3.000 năm. Một lần ông cưỡi con rắn Vasuki là con rắn vĩnh cửu, bồng bềnh trên biển. Ông nghĩ tới phải tạo lập ra một thế giới và từ rốn ông mọc lên một bông sen, trên bông sen ấy thần Brahma được sinh ra và thực hiện ý đồ của thần Vishnu để tạo lập ra thế giới, trong đó có thế giới loài người này.

Và chính con rắn thần ấy đã đi vào trong những huyền thoại của các nước Đông Nam Á và nhập vào đạo Phật. Hình tượng con rắn bảy đầu khi mà Phật ngồi thiền định ở gốc cây, bị mưa của Ba Vương dội lên đầu, con rắn ấy đã cuộn thân để làm bệ ngồi cho Đức Phật và ngóc 7 đầu lên để che mưa cho Đức Phật. Con rắn khi đã được huyền thoại hóa, được linh thiêng hóa thì trở thành những con rắn rất là tốt, mang tư cách là những thiên xà. Người ta thường gọi nó là rắn nhiều đầu Naga.

Rắn thần Naga trong chùa Khmer.

Rắn thần Naga trong chùa Khmer.

Đối với những ngôi chùa của người Khmer, chúng ta thấy ở trên cái nóc chùa thường có những cái đuôi rắn nó ngoe nguẩy bay lên, nhưng thân rắn lại chạy theo bờ tường xuống góc tường và ngóc đầu lên. Người Khmer nghĩ rằng rắn là con vật che chở Đức Phật ở chùa và có pháp lực vô biên cứu vớt chúng sinh.

Điều này cũng ảnh hưởng đến người Việt, đặc biệt là trong tín ngưỡng dân gian. Như trong đồ mã của người Việt thì có loại rắn tam đầu cửu vĩ (3 đầu 9 đuôi) nhưng hiện nay thì người ta chỉ làm tam đầu nhất vĩ. Thân thì hoàn toàn là thân rắn, xong 3 cái đầu là đầu người. Trong hình tượng này rắn là thiện thần, đem hạnh phúc đến cho con người.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, rắn cũng là biểu tượng của sự tốt lành, gắn với sự sinh sôi, nảy nở, che chở và bảo vệ. Điều này được thể hiện trong nhiều điện thờ Mẫu, người ta thường thờ 2 con rắn rất lớn gồm 1 là rắn trắng, 1 là rắn xanh, còn gọi là thanh xà và bạch xà, được leo lên trên xà nhà. Hai hình tượng biểu hiện cho 2 thế lực âm dương hòa hợp, cho sự sinh sôi nảy nở. Rắn cùng với những vị Mẫu sinh ra và cai quản thế giới, ban tài lộc và hạnh phúc cho muôn loài. Huyền thoại về rắn gắn liền với đạo Mẫu có rất nhiều tích, liên quan đến nghi lễ cầu thai giúp vạn vật sinh sôi nảy nở. Rắn cũng có tập tính lột da nên cũng tượng trưng cho sự bất tử và trường thọ.

“Dù quan niệm như thế nào thì hình tượng rắn thường có những điểm tốt và điểm xấu đi song hành. Đó cũng là điều mà người xưa muốn người nay nhận thức được, để có ứng xử với thực tế cuộc sống, làm cho cuộc sống ngày 1 tốt đẹp hơn. Và năm Tỵ này là năm mà chúng ta mong là có những con rắn mang tư cách thiện thần đến người Việt Nam”- GS Trần Lâm Biền chia sẻ.

Phan Thế Thảo

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/at-ty-noi-chuyen-ve-ran-trong-tam-thuc-viet-i756161/
Zalo