ASEAN tiếp tục là 'ngọn hải đăng' của chủ nghĩa đa phương, Việt Nam có những đóng góp vô giá

Những giá trị cốt lõi, được thử thách qua thời gian, đã đưa ASEAN trở thành một đối tác hấp dẫn trong quan hệ quốc tế. Những nguyên tắc của ASEAN giúp tạo ra khuôn khổ hợp tác quan trọng để giải quyết những thách thức phức tạp hiện nay, trong khi vẫn duy trì sự gắn kết, khả năng thích ứng và sự phù hợp của ASEAN.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên, Tổng thư ký ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao Timor-Leste chụp ảnh chung tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 2025 tại Langkawi, Malaysia. (Ảnh: Quang Hòa)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên, Tổng thư ký ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao Timor-Leste chụp ảnh chung tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 2025 tại Langkawi, Malaysia. (Ảnh: Quang Hòa)

Các "đường đứt gãy" dịch chuyển mạnh mẽ

Thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc, nơi các “đường đứt gãy” của địa chính trị, kinh tế và xã hội dịch chuyển mạnh mẽ. Căng thẳng chiến lược gia tăng, các cuộc cách mạng công nghệ làm đảo lộn nhiều ngành công nghiệp và thị trường lao động; thảm họa do khí hậu gây ra leo thang với tần suất cao. Trong khi đó, sự dai dẳng của các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia - từ khủng bố đến tội phạm mạng và buôn người - tiếp tục thử thách tính ổn định khu vực và toàn cầu.

Hệ thống quốc tế đa phương, từng là nền tảng cho sự ổn định toàn cầu, đang chịu áp lực ngày càng lớn. Cạnh tranh giữa các cường quốc đã làm xói mòn tính hiệu quả của hệ thống đa phương trong việc giải quyết và đưa ra giải pháp cho các vấn đề toàn cầu. Chủ nghĩa đơn phương trỗi dậy, cùng với sự gia tăng của các cơ chế tiểu đa phương. Những xu hướng này đang thay đổi động lực phát triển toàn cầu và làm suy yếu hệ thống quản trị toàn cầu một cách đáng lo ngại.

Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số, mang đến nhiều cơ hội lớn song cũng ẩn chứa không ít rủi ro. Trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và kết nối kỹ thuật số đang mở ra những ranh giới mới về tăng trưởng kinh tế và đổi mới, mở rộng giới hạn có thể đạt tới nhằm cải thiện cuộc sống con người. Tuy nhiên, những công nghệ này cũng là con dao hai lưỡi, khiến chúng ta dễ bị tổn thương trước tội phạm mạng, thông tin sai lệch, gây nguy hiểm cho cả cá nhân và an ninh quốc gia.

Biến đổi khí hậu không phải là cuộc khủng hoảng xa vời mà đã trở thành thực tế sống động đối với nhiều người và là mối đe dọa hiện hữu của thời đại. Mực nước biển dâng cao đe dọa toàn bộ cộng đồng, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt làm gián đoạn nền kinh tế và suy thoái môi trường, gia tăng tốc độ khan hiếm tài nguyên, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và lợi ích kinh tế.

Chỉ bằng cách thông qua các khoản đầu tư táo bạo vào năng lượng tái tạo, chính sách bền vững mang tính chuyển đổi và hợp tác khu vực mạnh mẽ hơn, chúng ta mới có thể ngăn chặn được tác hại không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu đối với hành tinh nhân loại.

Mặc dù đại dịch Covid-19 không còn nguy nan, nhưng “cái bóng dài” của nó vẫn còn ám ảnh. Chuỗi cung ứng yếu, chênh lệch kinh tế ngày càng gia tăng, lạm phát lan rộng và nguy cơ các cuộc khủng hoảng sức khỏe… cho thấy tầm quan trọng của hợp tác khu vực bền vững. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế công cộng mạnh mẽ hơn, cùng các biện pháp phục hồi kinh tế sẽ là chìa khóa để đảm bảo khả năng phục hồi của ASEAN trong một thế giới ngày càng bất ổn.

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn phát biểu tại Phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 tháng 4/2024. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn phát biểu tại Phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 tháng 4/2024. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thành công bắt nguồn từ nguyên tắc cơ bản

Giữa những thách thức toàn cầu này, ASEAN - khu vực vượt qua mức trung bình toàn cầu về tăng trưởng kinh tế - trở thành điểm đến FDI được ưa chuộng nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển và duy trì các kết nối thương mại mạnh mẽ với thế giới. Lợi thế nhân khẩu học của ASEAN càng củng cố thêm xu hướng này, giúp ASEAN cung cấp lực lượng lao động năng động, thúc đẩy đổi mới và khả năng cạnh tranh.

Bất chấp áp lực ngày càng tăng từ cạnh tranh nước lớn, ASEAN quyết tâm hành động mạnh mạnh mẽ hơn, đồng thời tránh rơi vào vòng xoáy cạnh tranh địa chính trị. ASEAN tiếp tục là “ngọn hải đăng” của chủ nghĩa đa phương, thể hiện tính phù hợp và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chương trình nghị sự, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển ở cấp quốc gia thành viên và khu vực.

"Những giá trị cốt lõi, được thử thách qua thời gian, đã đưa ASEAN trở thành một đối tác hấp dẫn trong quan hệ quốc tế. Những nguyên tắc của ASEAN giúp tạo ra khuôn khổ hợp tác quan trọng để giải quyết những thách thức phức tạp hiện nay, trong khi vẫn duy trì sự gắn kết, khả năng thích ứng và sự phù hợp của ASEAN".

Thành công vững chắc của ASEAN bắt nguồn từ các nguyên tắc cơ bản: Ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, đảm bảo sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên; cam kết đối thoại và ngoại giao để giải quyết các thách thức nội bộ; hợp tác với các đối tác bên ngoài trên tinh thần xây dựng, tiếp cận bao trùm. Những giá trị cốt lõi, được thử thách qua thời gian, đã đưa ASEAN trở thành một đối tác hấp dẫn trong quan hệ quốc tế.

Những nguyên tắc của ASEAN giúp tạo ra khuôn khổ hợp tác quan trọng để giải quyết những thách thức phức tạp hiện nay, trong khi vẫn duy trì sự gắn kết, khả năng thích ứng và sự phù hợp của ASEAN. Bằng cách kiên định duy trì những nguyên tắc này, chúng ta tiếp tục xây dựng lòng tin, tạo điều kiện cho đối thoại và thúc đẩy hợp tác, tạo nền tảng cần thiết cho hành động tập thể hiệu quả trong một thế giới ngày càng phân mảnh và phân cực.

Mặc dù những thách thức có vẻ đáng ngại, nhưng đồng thời cũng mang đến những cơ hội chưa từng có cho ASEAN và cần những cân nhắc tỉ mỉ và tầm nhìn chiến lược để nắm bắt những cơ hội đó. Có như vậy, chúng ta mới có thể vạch ra lộ trình hướng tới đảm bảo hòa bình, thịnh vượng và an ninh lâu dài cho người dân ASEAN, trong khi vẫn duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực.

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn chụp ảnh selfie cùng các đại biểu trong lễ khánh thành Quảng trường ASEAN trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 tháng 4/2024. (Ảnh: Hải Nguyên)

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn chụp ảnh selfie cùng các đại biểu trong lễ khánh thành Quảng trường ASEAN trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 tháng 4/2024. (Ảnh: Hải Nguyên)

Khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp

Trong bối cảnh này, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, với chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động”, là nền tảng quan trọng, hội tụ các giới khác nhau, bao gồm nhà hoạch định chính sách của chính phủ, chuyên gia, học giả cùng trao đổi về tương lai chung của chúng ta. Chủ đề của Diễn đàn thể hiện một cách toàn diện nguyện vọng của ASEAN cũng những thách thức mà ASEAN phải đối mặt ngày nay.

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển và khả năng thích ứng của ASEAN trong môi trường chiến lược thay đổi nhanh chóng. Vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong việc tổ chức nền tảng đối thoại chiến lược này là rất cần thiết để vạch ra lộ trình tương lai của khu vực. Diễn đàn sẽ xác định những xu hướng quan trọng, đánh giá thế mạnh và thách thức đối với ASEAN, đồng thời xây dựng chiến lược tiếp cận để biến thách thức thành cơ hội.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã có những đóng góp vô giá cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN. Từ sự tham gia tích cực vào các sáng kiến kinh tế và chính trị của ASEAN cho đến vai trò thúc đẩy đối thoại và hợp tác khu vực, Việt Nam đã thể hiện cam kết kiên định đối với Hiệp hội. Vai trò đi đầu của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác tiểu vùng, đặc biệt là ở tiểu vùng sông Mekong, đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Hơn nữa, việc Việt Nam thành công trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, trước những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, đã minh chứng cho khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp và dẫn dắt Hiệp hội vượt qua giai đoạn thách thức chưa từng có tiền lệ.

Nhìn về tương lai, nền kinh tế năng động của Việt Nam, ảnh hưởng khu vực ngày càng tăng và cam kết không đổi với chủ nghĩa đa phương đã đưa Việt Nam trở thành lực lượng đi đầu trong việc xây dựng một ASEAN mạnh mẽ và kiên cường hơn.

Cũng như các thành viên ASEAN khác, Việt Nam không chỉ đơn thuần điều hướng hiện tại mà còn tích cực định hình tương lai thông qua các chương trình nghị sự phát triển quốc gia đầy tham vọng và cam kết chung về xây dựng cộng đồng khu vực. Việc Việt Nam hướng tới kỷ nguyên mới minh chứng cho động lực này, phù hợp chặt chẽ với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 sắp tới. Sự hội tụ này cho thấy khát vọng chung của khu vực nhằm xây dựng một ASEAN kiên cường, thịnh vượng và có ảnh hưởng hơn, đóng vai trò chủ chốt trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.

Chúng ta có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác khu vực về các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và kinh tế số.

Tóm lại, Diễn đàn là cơ hội để chúng ta cùng nhau suy ngẫm về những thách thức và cơ hội mà khu vực đang phải đối mặt. Bằng cách nắm bắt các nguyên tắc cốt lõi, củng cố các thể chế đang có và cùng nhau làm trên tinh thần đoàn kết, thống nhất và hợp tác, chúng ta có thể vượt qua những thách thức của thế kỷ XXI một cách thành công.

Diễn đàn Tương lai ASEAN, đúng như tên gọi, có tiềm năng định hình đáng kể ASEAN của ngày mai. Tương lai của ASEAN không được định trước; đó là tương lai mà chúng ta phải chủ động định hình - một tương lai được hình thành trong sự đoàn kết, thống nhất và tự cường, phản ánh khát vọng chung của chúng ta về hòa bình và thịnh vượng cho người dân ASEAN.

Tiến sĩ Kao Kim Hourn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/asean-tiep-tuc-la-ngon-hai-dang-cua-chu-nghia-da-phuong-viet-nam-co-nhung-dong-gop-vo-gia-305184.html
Zalo