ASEAN nỗ lực bảo vệ người dùng trong môi trường số

Xây dựng môi trường số an toàn để bảo vệ người dùng đang trở thành vấn đề cấp bách với các nước, trong đó có các nước ASEAN. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ trong định hình chính sách cũng như triển khai thực hiện.

Tội phạm trên không gian số

Mới đây, tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN lần thứ 5. Với chủ đề “An toàn, Sáng tạo, Toàn diện: Định hình Tương lai số của ASEAN”, hội nghị nhất trí rằng gian lận trực tuyến và các băng nhóm tổng đài là những vấn đề cấp bách và cần có nỗ lực chung để giải quyết. Các đối tác chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cũng tham gia các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn và hợp tác kỹ thuật số.

Quang cảnh Hội nghị bộ trưởng kỹ thuật số ASEAN lần thứ 5

Quang cảnh Hội nghị bộ trưởng kỹ thuật số ASEAN lần thứ 5

Môi trường số là không gian sống, trong đó công nghệ số đã chuyển phương thức sản xuất truyền thống trong hệ thống công nghiệp sang phương thức áp dụng các công nghệ với những trụ cột, như: dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ điện toán đám mây… Đây là môi trường nhân tạo, được hình thành và phát triển nhờ cách mạng công nghiệp hiện đại. Còn chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Môi trường số và chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội với con người. Chẳng hạn, nó cung cấp cơ hội cho người dân sử dụng các dịch vụ công “một cửa” online, tiếp cận các chính sách của nhà nước, tương tác với những cơ quan quản lý qua các nền tảng công nghệ mà vẫn có thể tiết kiệm được thời gian và tiền bạc… Chuyển đổi số đã đến tận từng ngóc ngách cuộc sống. Ngay đến máy pha cafe hay máy photocopy tại các công sở cũng được chuyển đổi số để thay vì phải xếp hàng, chỉ cần đưa thẻ nhân viên ra quẹt là máy sẽ phục vụ.

Công nghệ số đã làm cuộc sống con người thuận tiện hơn nhưng sự kết nối giữa các nền tảng, giữa công và tư, giữa cá nhân với cộng đồng… lại hàm chứa cả rủi ro. Một trong những thách thức đó là tội phạm gian lận thanh toán trực tuyến. Đây là các hoạt động diễn ra trên môi trường Internet hoặc thông qua các nền tảng thương mại điện tử, trong đó kẻ lừa đảo sử dụng tính năng ẩn danh và quyền truy cập Internet để đánh lừa người tiêu dùng/khách hàng và đánh cắp thông tin cá nhân hoặc tài chính của họ.

Nguy hiểm hơn, tội phạm gian lận còn không ngừng thay đổi các thủ đoạn, hành vi và chiến thuật mới để trốn tránh sự phát hiện và phá vỡ các biện pháp an toàn, bảo mật. Điều này khiến các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý gặp khó khăn, thách thức nhất định trong việc đối phó với các mối đe dọa mới nhất cũng như có biện pháp phòng ngừa hiệu quả trước rủi ro từ gian lận thanh toán trực tuyến.

Tội phạm mạng còn hình thành các băng nhóm sử dụng các thiết bị như máy vi tính, điện thoại có kết nối các đầu số ảo, danh sách số điện thoại, kịch bản... để các nhân viên sử dụng công nghệ gọi điện bằng tổng đài ảo (hình thức gọi điện thông qua Internet, cuộc gọi được mã hóa, số điện thoại hiển thị bên người nghe là số điện thoại ảo, không có thật) để gọi điện thoại lừa đảo người dùng.

Những năm gần đây, loại tội phạm có tổ chức này đã trở thành các băng nhóm xuyên quốc gia. Chúng lợi dụng những kẽ hở như vị trí địa lý ở khu vực giáp ranh các nước để hoạt động. Hình thức lừa đảo của các băng nhóm này ngày càng hoàn hảo, liên tục thay đổi phương thức để “bẫy” người dùng. Trong khi đó, người dân còn mơ hồ về nhận thức, thiếu cảnh giác, thiếu nhiều kỹ năng nên nhiều người bị rơi vào cạm bẫy của những kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sản.

Tăng cường hợp tác khu vực ngăn chặn tội phạm trực tuyến

Tội phạm mạng đã trở thành thực trạng nhức nhối trong kỷ nguyên số. Chuyển đổi số đã đưa các hoạt động của con người lên môi trường số thì cũng cần phải bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tại Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN lần thứ 5, các đại biểu đã thảo luận về nhiều khuôn khổ hợp tác, bao gồm an ninh mạng, trao đổi dữ liệu xuyên biên giới và phát triển chung nền kinh tế số.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo an toàn thông qua thúc đẩy triển khai các công nghệ mở, như 5G Open RAN, AI mã nguồn mở, quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ và các nền tảng số, nâng cao kỹ năng số cho người dân để chống lừa đảo trên mạng. Để tăng cường đổi mới sáng tạo, cần tăng tốc chuyển đổi số, tạo môi trường cho sáng tạo số; thúc đẩy tiêu dùng số, nhất là tiêu dùng của chính phủ, để tạo thị trường; mạnh dạn triển khai các cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các giải pháp, ứng dụng mới.

Hội nghị đã thông qua Báo cáo Khảo sát lừa đảo trực tuyến ASEAN (2023-2024) và các khuyến nghị của báo cáo như một khuôn khổ cho hành động quốc gia và khu vực. Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu hợp tác liên ngành để chống lại các vụ lừa đảo trực tuyến hiệu quả, đặc biệt là những vụ lừa đảo có nguồn gốc từ các quốc gia biên giới, chẳng hạn như lừa đảo qua điện thoại và gian lận tài chính trên mạng xã hội. Những vụ lừa đảo này thường liên quan đến những kẻ phạm tội hoạt động từ các quốc gia láng giềng như Campuchia, Myanmar và Lào.

Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý thẻ SIM nhằm ngăn chặn các vụ lừa đảo xuyên biên giới, một vấn đề được nhiều quốc gia trong khu vực đặc biệt quan tâm, đặc biệt là những quốc gia có hoạt động di chuyển xuyên biên giới thường xuyên như Thái Lan - Campuchia và Thái Lan - Myanmar, nơi thường sử dụng thẻ SIM chưa đăng ký.

Các đại biểu tham dự hội nghị còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin giữa các quốc gia và xây dựng năng lực cho các viên chức ở các khu vực biên giới. Các quốc gia thành viên đề xuất phát triển một hệ thống cảnh báo sớm chung để giảm thiểu tác động của các vụ lừa đảo trên toàn khu vực, ủng hộ việc thành lập các đơn vị điều phối để có thể phản ứng nhanh chóng với các sự cố mạng.

Tại hội nghị, việc thành lập Nhóm ứng phó khẩn cấp máy tính (CERT) khu vực ASEAN đặt tại Singapore đã được công nhận và Danh sách kiểm tra ASEAN về tiêu chuẩn không gian mạng đã được phê duyệt để thiết lập các tiêu chuẩn an ninh mạng trong khu vực. Mục đích là giảm thiểu rủi ro do các cuộc tấn công mạng gây ra, có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế và an toàn công cộng.

Liên quan đến kinh tế số, hội nghị ủng hộ việc xây dựng Thỏa thuận khung kinh tế số ASEAN nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và tăng cường hợp tác về an ninh mạng và phòng chống lừa đảo trực tuyến. Các đại biểu đã tìm hiểu các hướng đi để thúc đẩy đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số và các công nghệ liên quan nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã thông qua Tuyên bố số Bangkok, tài liệu hướng dẫn về cách thức các thành viên ASEAN có thể và nên hợp tác chặt chẽ hơn với nhau trong việc ngăn ngừa và giải quyết tội phạm trực tuyến. Tuyên bố bao gồm một số bước đi chiến lược bằng cách tăng cường hợp tác khu vực để dự đoán tội phạm kỹ thuật số. Ngoài ra, tuyên bố Digital Bangkok cũng nhấn mạnh đến sự phát triển của quản trị trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có trách nhiệm, tập trung vào tính minh bạch và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/asean-no-luc-bao-ve-nguoi-dung-trong-moi-truong-so-post601580.antd
Zalo