ASEAN 2045: Định hình tương lai với tinh thần '5 hơn'
Giữa những chuyển động nhanh chóng của địa chính trị và kinh tế toàn cầu, ASEAN khẳng định vị thế trung tâm bằng Tầm nhìn Cộng đồng 2045. Hội nghị Cấp cao lần thứ 46 không chỉ định hình tương lai khu vực, mà còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ về đoàn kết, chủ động và phát triển bền vững.
Kinhtedothi - Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 đã kết thúc với tuyên bố nhất trí thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 – một bản đồ chiến lược hướng tới tương lai, đặt nền tảng trên năm trụ cột: Đoàn kết hơn, Tự cường hơn, Chủ động hơn, Bao trùm hơn và Bền vững hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng rằng, chung niềm tin, cùng tầm nhìn, ASEAN sẽ vượt qua mọi biến động và bước tiếp vững mạnh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Kuala Lumpur, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và Thủ tướng Timor-Leste Xanana Gusmao đã tham dự các phiên họp toàn thể và hẹp trong khuôn khổ hội nghị. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim – Chủ tịch ASEAN 2025, các nhà lãnh đạo tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, đồng thời đề ra định hướng chiến lược để đối phó với các thách thức đang nổi lên, từ biến đổi khí hậu tới cạnh tranh địa chính trị, từ tội phạm xuyên quốc gia tới rủi ro kinh tế toàn cầu.
Định vị lại tư duy phát triển: Bao trùm, sáng tạo, bền vững
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với "những biến động mới khó lường", làm gia tăng xu hướng phân cực, chia rẽ và phân hóa. Để thích ứng, ASEAN cần phát huy tinh thần “5 hơn” nhằm nâng cao nội lực và năng lực điều phối hành động chung.
“Đoàn kết hơn để tạo sức mạnh tập thể, Tự cường hơn để nắm giữ vận mệnh, Chủ động hơn để định hình cuộc chơi, Bao trùm hơn để không ai bị bỏ lại phía sau và Bền vững hơn vì tương lai thế hệ sau,” Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đề xuất ASEAN cần tái định hình tư duy phát triển theo hướng: lấy bao trùm làm nền tảng, đổi mới sáng tạo làm động lực, và bền vững làm đích đến. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị đưa "tính bền vững" trở thành một tiêu chí đánh giá hiệu quả của các chiến lược hợp tác trong Tầm nhìn 2045, tập trung vào ba trụ cột: kinh tế xanh, xã hội bao trùm và quản trị thông minh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định, ASEAN cần nâng cao vai trò kết nối và mở rộng liên kết vượt ra ngoài khu vực, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường. Việc nhân rộng các mô hình hội nghị cấp cao với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và các đối tác tiềm năng như Khối Thị trường chung Nam Mỹ hay Liên minh Thái Bình Dương được đánh giá là hướng đi đúng trong chiến lược "ngoại giao kinh tế toàn diện".
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong duy trì một hệ thống thương mại đa phương cởi mở, công bằng và dựa trên luật lệ, góp phần nâng cao vị thế chiến lược của khối trong cấu trúc kinh tế toàn cầu.
Về việc kết nạp thành viên mới, hội nghị đã thống nhất kết nạp Timor-Leste trở thành thành viên thứ 11 của ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 47 vào tháng 10/2025. Đây được xem là dấu mốc lịch sử, khẳng định tính bao trùm và mở rộng của cộng đồng khu vực.
Khẳng định vai trò trung tâm: Đối thoại thay vì đối đầu
Tại phiên họp hẹp bàn về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi ASEAN kiên định với đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay cho cạnh tranh, đoàn kết thay cho chia rẽ, và tự cường thay vì phụ thuộc.
Trong bối cảnh các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng gay gắt, ASEAN được khuyến nghị cần giữ vững tự chủ chiến lược, phát huy đồng thuận nội khối và linh hoạt điều chỉnh chính sách để không bị cuốn vào các vòng xoáy đối đầu địa chính trị. Thủ tướng nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết, ASEAN cần duy trì quan hệ cân bằng với các nước lớn thông qua việc tận dụng hiệu quả các cơ chế sẵn có.”

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Kuala Lumpur. Ảnh: asean.org
Về tình hình Biển Đông, các nhà lãnh đạo tái khẳng định lập trường nguyên tắc: giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thượng tôn luật pháp quốc tế, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực chất, phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
ASEAN đang phải đối mặt với sự điều chỉnh chính sách thuế quan và các cú sốc thương mại toàn cầu. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là thời điểm để ASEAN củng cố nội lực, tái cấu trúc quan hệ thương mại và khai thác các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tiêu dùng nội khối và kết nối năng lượng.
Thủ tướng bày tỏ ủng hộ việc sớm hoàn tất Hiệp định khung Kinh tế số ASEAN, nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN và tận dụng hiệu quả hơn mạng lưới liên kết kinh tế hiện có, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần sớm hoàn tất các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các đối tác chiến lược như Canada, nâng cấp các FTA hiện có với Trung Quốc và Ấn Độ để gia tăng khả năng thích ứng và cạnh tranh.
Về tình hình Myanmar, các nhà lãnh đạo đánh giá cao nỗ lực của Malaysia, nước Chủ tịch ASEAN 2025, và Đặc phái viên ASEAN trong việc tiếp cận, đối thoại và thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam ủng hộ tiếp tục ưu tiên công tác nhân đạo, hỗ trợ người dân Myanmar phục hồi sau thảm họa động đất ngày 28/3. Ông đề nghị các bên liên quan tại Myanmar cần kiềm chế, ngồi lại đàm phán trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia và người dân lên trên hết.
Việt Nam đã gửi 60 tấn hàng cứu trợ và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar. Ngoài ra, Việt Nam cũng cử đại diện tham gia Nhóm tư vấn không chính thức của Chủ tịch ASEAN nhằm hỗ trợ tìm kiếm giải pháp lâu dài.
Trước thực trạng gia tăng tội phạm xuyên quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố đề xuất của Việt Nam về việc xây dựng Tuyên bố ASEAN về nâng cao hợp tác trong truy bắt tội phạm truy nã. Đây được đánh giá là bước đi thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh khu vực trong bối cảnh số hóa.
Cam kết của Việt Nam: Trách nhiệm, chủ động và tích cựcKhép lại các phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam cam kết tiếp tục là thành viên trách nhiệm, tích cực và chủ động, sẵn sàng chung tay cùng ASEAN kiến tạo một cộng đồng ngày càng đoàn kết, tự cường, chủ động, bao trùm và bền vững.“Chung niềm tin, cùng tầm nhìn, ASEAN sẽ vượt qua mọi biến động và bước tiếp vững mạnh,” Thủ tướng khẳng định.
Tầm nhìn ASEAN 2045: Không chỉ là lời hứa
Các nước khẳng định ASEAN là điểm sáng tăng trưởng toàn cầu với mức tăng 4,8% năm 2024 và dự báo 4,7% năm 2025, hợp tác nội khối và với các đối tác không ngừng mở rộng, vai trò trung tâm, vị thế và uy tín ngày càng được củng cố. Để giữ vững thành quả đạt được trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, ASEAN cần phát huy tiềm năng nội khối, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại hiện có, mở rộng liên kết và kết nối, chủ động dẫn dắt và định hình tương lai khu vực thông qua các khuôn khổ, sáng kiến như Lưới điện ASEAN, Hiệp định khung kinh tế số ASEAN...
Một trong những điểm nhấn lớn nhất tại Hội nghị là việc ASEAN thông qua văn kiện chiến lược “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta”, trong đó đặt ra tầm nhìn, chiến lược hành động trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối khu vực.
Tuy nhiên, như các nhà lãnh đạo đều thống nhất, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 không thể chỉ dừng ở những tuyên bố chính trị. Thực hiện hóa chiến lược này đòi hỏi kế hoạch hành động cụ thể, cơ chế giám sát hiệu quả, nguồn lực tương xứng và sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội. Việc lồng ghép chiến lược này vào các kế hoạch phát triển quốc gia sẽ là chìa khóa bảo đảm tính đồng bộ và bền vững.