Arevo dừng hoạt động, ai chịu trách nhiệm về quyền lợi nhà đầu tư?
Thông tin Avero Việt Nam dừng hoạt động khiến dư luận những ngày gần đây xôn xao. Đặc biệt khi dự án Superstrata vốn được mong chờ đã chính thức 'thất bại' thì câu hỏi đặt ra là quyền lợi của các nhà đầu tư sẽ ra sao?
Bà Lê Diệp Kiều Trang nói gì?
Tối 3/7, trên Facebook cá nhân, bà Lê Diệp Kiều Trang đã lần đầu chia sẻ về những ồn ào xung quanh dự án Arevo gần đây. Bà Trang cho biết, bà và chồng - ông Sonny Vũ đã không còn nắm quyền điều hành Arevo từ đầu năm nay. Do đó, trước những ồn ào, bà Trang không thể tự ý phát ngôn mà phải có sự tôn trọng và thống nhất với các cổ đông điều hành khác.
Về những thông tin cho rằng sản phẩm xe đạp sợi carbon in 3D Superstrata của Arevo không đạt chất lượng và người dùng không hài lòng, bà Trang cho biết, đây là rủi ro mà nhà tài trợ cần phải xác định được ngay từ ban đầu góp tiền.
Theo bà Trang, mô hình gọi vốn cộng đồng trên Indiegogo có nghĩa là các công ty khởi nghiệp đưa ra một ý tưởng sản phẩm, kêu gọi cộng đồng “tài trợ” cho dự án. “Nghĩa là tặng cho dự án một khoản tiền, để công ty có đủ nguồn lực nghiên cứu phát triển”, bà Trang nói.
Bà Lê Diệp Kiều Trang nhấn mạnh do sản phẩm vẫn trong giai đoạn R&D (nghiên cứu và phát triển) nên chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết, không thể hoàn thiện như sản phẩm thương mại.
“Vì đây là khoản tài trợ cho một dự án còn rất nhiều rủi ro, có rất nhiều công ty/dự án không đến được đích cuối cùng và nhà tài trợ không bao giờ nhận được sản phẩm”, bà Trang chia sẻ.
Nhiều ý kiến trái chiều
Trả lời bài đăng trên Facebook của bà Lê Diệp Kiều Trang là không ít ý kiến trái chiều khác nhau, của cả những người đồng cảm và tỏ ra phẫn nộ.
Theo đó, một trong những bình luận nhận được nhiều quan tâm nhất là của facebook có tên Lan Dinh, với nội dung cho rằng bà Kiều Trang đang đá trái bóng trách nhiệm, đồng thời cách mà Avero im lặng và phớt lờ mọi yêu cầu về thông tin mà nhà tài trợ quan tâm và cần được biết thì phải xem lại đạo đức kinh doanh của công ty này.
Trả lời bình luận trên, bà Trang cho biết còn nhiều dự án gọi vốn cộng đồng khác cũng thất bại như dự án của Superstrata, cũng bị nhận những phản ứng tiêu cực từ cộng đồng, ngay cả khi quy định về gọi vốn cộng đồng đã rất rõ. Tất cả các công ty công nghệ thất bại này đều không vi phạm pháp luật, nhưng chắc chắn không tránh khỏi sự thất vọng của những người ủng hộ. Người ủng hộ ngay cả khi hiểu tính chất của gọi vốn cộng đồng, khi thất vọng, họ vẫn phản hồi tiêu cực như vậy nhưng không ai có thể kiện những công ty công nghệ về những khoản “đóng góp” này, và vì vậy hình thức gọi vốn cộng đồng này vẫn tiếp tục phát triển. Có công ty thành công, có công ty thất bại, khi thất bại, công ty sẽ chịu những ồn ào…
Một ý kiến khác, đến từ facebook Cuong Phan cho rằng bà Trang cần chứng minh cho mọi người rằng tiền huy động đã được tiêu vào R&D (nghiên cứu và phát triển) hay các chi phí vận hành chứ không phải vào túi riêng của ai cả như các đồn đoán trên mạng.
Về ý kiến này, bà Trang cho hay Arevo là công ty VC backed, nghĩa là nhận đầu tư của các quỹ VC uy tín nhất như Khosla Ventures, Founders Fund,… Mỗi quý đều có báo cáo tài chính và kiểm toán rõ ràng với nhà đầu tư. Đó cũng là lý do vì sao khi gọi vốn cộng đồng, Arevo được tin tưởng hơn và nhận được nhiều contribution (đóng góp) từ cộng đồng. Tuy nhiên vì lý do bảo mật thông tin về chi phí, tính cạnh tranh của sản phẩm,… các nhà đầu tư khác không cho phép.
Bên cạnh đó, cũng không ít bình luận mang chiều hướng tích cực xuất hiện, bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ với thất bại của dự án Superstrata.
“Mình không bênh ai, nhưng người khởi nghiệp là người vất vả cực kỳ nếu họ tâm huyết với công ty. Nhiều lúc cảm giác như là làm thuê cho cộng đồng, cổ đông. Nếu suôn sẻ người ta có lợi thì họ vui. Còn có thất bại gì thì họ dùng đủ thứ lời lẽ cay nghiệt cho Founders(người sáng lập).
Họ cố tình không hiểu là bản chất việc góp vốn là chia sẻ lợi nhuận và cả rủi ro. Nếu góp vốn thì xác định là để ủng hộ dự án và ý tưởng đó. Chứ nếu nó fail(thất bại) lại đòi tiền + lãi thì ở đâu ra mà trả?!”, facebook Sonya Ngô Thanh Hằng chia sẻ.
Nhà đầu tư có được trả lại tiền?
Theo thông báo từ trên website Indiegogo, Superstrata là một dự án “crowdfunding”(gọi vốn cộng đồng) và người tài trợ có quyền yêu cầu được hoàn lại toàn bộ tiền khi chiến dịch gọi vốn kết thúc vào ngày 10/10//2020. Bất kỳ khoản hoàn trả nào sau ngày này đều thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu chiến dịch, ông Sonny Vũ (tức chồng bà Lê Diệp Kiều Trang).
Crowdfunding không phải là một hình thức gọi vốn mới. Crowdfunding là một kênh tài chính tiềm năng, giúp các doanh nghiệp, nhất là những startup “rao bán trước” một sản phẩm hoặc dịch vụ sắp được triển khai mà không phát sinh nợ hoặc hy sinh vốn chủ sở hữu hay cổ phần.
Về phía dự án xe đạp Superstrata của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang, nền tảng gọi vốn Indiegogo nhấn mạnh: “Giống như bất kỳ ai tham gia vào một dự án ở giai đoạn đầu, những nhà tài trợ phải chấp nhận rủi ro rằng dự án có thể gặp phải những thay đổi, chậm trễ và cả những thách thức không lường trước hoặc có thể dự án không thể hoàn thành.
Indiegogo không đảm bảo hoặc khẳng định khoản đóng góp sẽ được sử dụng như đã hứa. Indiegogo không có nghĩa vụ điều tra các khiếu nại của chủ sở hữu chiến dịch. Indiegogo cũng không xác nhận, bảo đảm, đưa ra tuyên bố hoặc cung cấp bảo đảm về chất lượng, an toàn, đạo đức hoặc tính hợp pháp của bất kỳ chiến dịch hoặc đóng góp nào”.
Theo luật sư kinh tế Nguyễn Thúy Nga (Đoàn luật sư Hà Nội), vấn đề về crownfunding huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần hiện tại chưa có quy định pháp lý cụ thể tại Việt Nam, do đó việc các nhà đầu tư có đòi lại được khoản đầu tư vào dự án crownfunding hay không phụ thuộc nhiều vào cam kết giữa các nhà đầu tư và đơn vị kêu gọi đầu tư.
Trường hợp đơn vị kêu gọi đầu tư cam kết hoàn trả lại khoản đầu tư khi dự án thất bại mà không thực hiện cam kết đó thì nhà đầu tư có thể kiện đơn vị này. Mặt khác, trường hợp nhà đầu tư và đơn vị kêu gọi đầu tư không có một cam kết rõ ràng thì gần như nhà đầu tư không có gì để "bám víu" và yêu cầu hoàn trả lại khoản tiền đầu tư.
Thực tế cho thấy, các hình thức Crownfunding hiện nay đa số là "đầu tư mạo hiểm" mà nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ càng, "ngầm hiểu" và chấp nhận khả năng mất khoản tiền đầu tư nếu dự án thất bại.