AQI và chất lượng không khí - Cần hiểu đúng

Những ngày gần đây, nhiều người dân tại Hà Nội liên tục nói về tình trạng ô nhiễm không khí cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống. Nhiều người băn khoăn liệu cách thức đo chất lượng không khí có phản ánh chính xác, toàn diện thực tế tình trạng ô nhiễm hiện nay hay không?

Người dân lo lắng quá đà trước chỉ số ô nhiễm

Cứ lướt TikTok và một số trang mạng xã hội là thấy tràn ngập thông tin về ô nhiễm. Điều này kéo dài và liên tục khiến nhiều người lo lắng. Thậm chí còn thắc mắc: "Vì sao lại ô nhiễm tới vậy? Có phải tình trạng này đang ngày một nghiêm trọng hơn không?".

Đặc biệt, trên ứng dụng AirVisual - một trong những nguồn theo dõi chỉ số không khí phổ biến hiện nay, chúng ta thường thấy những thông số màu đỏ và tím xuất hiện liên tục.

Những ngày gần đây, chỉ số ô nhiễm không khí được nhiều người dân Hà Nội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng quá mức lại đang dẫn đến những phản ứng thái quá trong sinh hoạt hàng ngày.

Chị Phạm Thị Loan, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, chia sẻ: “Hàng ngày trước khi đi làm, tôi thường vào app AirVisual để kiểm tra các thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí của ngày hôm đó. Trước tình hình ô nhiễm không khí như hiện nay, tôi thấy rất quan ngại vì hàng ngày phải đi làm”.

Lo lắng của chị Loan cũng là tâm lý của nhiều người trong những ngày vừa qua. Sống ở khu vực đô thị, lại liên tục theo dõi các chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao, khó tránh khỏi cảm giác bất an. Đeo nhiều lớp khẩu trang khi ra ngoài, thậm chí cả khi ở trong nhà, bà Nguyễn Thị Hải đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ gia đình khỏi ô nhiễm không khí.

Hiệu ứng đám đông và cuộc đua “máy lọc không khí”

Trong hai tuần qua, tại cửa hàng điện máy trên đường Nguyễn Chí Thanh, số lượng máy lọc không khí bán ra tăng mạnh, gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Người dân đang đổ xô mua sản phẩm này, xuất phát từ những thông tin lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội về tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô.

Thực tế, tình trạng ô nhiễm không khí không phải hiện tượng mới hay bất thường tại Hà Nội. Đây là vấn đề mang tính chu kỳ, chịu ảnh hưởng lớn từ điều kiện thời tiết vào mùa đông, tình trạng lặng gió, sương mù dày đặc và nghịch nhiệt khiến các chất ô nhiễm tích tụ ở tầm thấp không được phát tán ra khỏi khu vực đông dân cư. Trong khi đó vào mùa hè, nắng gió và mưa giúp không khí khuếch tán tốt hơn, giảm đáng kể các chỉ số ô nhiễm.

Bà Bùi Thị Lan, nguyên Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, cho biết: “Vấn đề ô nhiễm không khí phải được giải quyết một cách đồng bộ, tổ hợp, cho nên không thể có chuyện giải quyết đơn giản bằng một chiếc máy lọc không khí. Thành phố đang có những chủ trương giải quyết xử lý dần vấn đề ô nhiễm không khí, tuy nhiên không thể xong trong ngày một ngày hai. Tôi nghĩ mọi người không nên quá hoang mang, bình tĩnh xử lý vấn đề và không nên ồ ạt mua máy lọc không khí như vậy sẽ rất tốn tiền”.

Việc quan tâm đến sức khỏe là cần thiết, nhưng người dân không nên quá lo lắng dựa trên các thông tin chỉ mang tính tham khảo, để tránh mang tâm lý căng thẳng không cần thiết. Người dân cần trang bị kiến thức đầy đủ trước khi đưa ra quyết định mua sắm. Máy lọc không khí có thể hỗ trợ cải thiện không khí trong không gian kín nhưng không phải là giải pháp toàn diện cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Thay vì chạy theo tâm lý đám đông, cần hiểu rõ nguyên nhân và tính chất của tình trạng ô nhiễm để có những giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Các chỉ số chỉ mang tính tham khảo

Kênh thông tin mà người dân thường xuyên sử dụng để kiểm tra chỉ số ô nhiễm không khí là trang “aqicn.org” của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, chủ yếu đo nồng độ bụi mịn PM2.5. Nhưng Đại sứ quán Mỹ chỉ có một trạm quan trắc duy nhất, vì vậy, số liệu từ trạm này không thể phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình ô nhiễm trên toàn thành phố.

Một trang thông tin khác là “iqair.com”, tổng hợp dữ liệu không khí Thủ đô từ Cổng thông tin quan trắc môi trường thành phố Hà Nội, kết hợp với các nguồn dữ liệu quan trắc khác. Tuy nhiên, các số liệu này cũng chỉ phản ánh chất lượng không khí tại một trạm quan trắc cụ thể, một vị trí máy đo cố định và chỉ trong một khoảng thời gian nhất định.

Bà Lê Thanh Thủy, Phó trưởng phòng quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho rằng: “Để đánh giá Hà Nội có phải nơi ô nhiễm nhất thế giới như một số thông tin đã đưa ra hay không thì cần tổng hợp nguồn thông tin từ nhiều nơi, chứ chúng ta không có cơ sở để đánh giá cả một vùng của Hà Nội”.

Các giải pháp giảm ô nhiễm không khí

Với quyết tâm kiểm soát nguồn gây ô nhiễm, tiến tới hạn chế ô nhiễm không khí, Hà Nội đang thí điểm lập vùng phát thải thấp là một số khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.

Tại quận Hoàn Kiếm, hoạt động phun nước rửa đường trước đầu giờ sáng để làm sạch đường phố và giảm bụi đã được Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội thực hiện liên tục trong vòng 1 tháng nay, nhận được sử ủng hộ của người dân và du khách vì đã giúp đường phố sạch sẽ hơn vào mỗi sáng. Đây được xem là một trong những giải pháp tạm thời để Hà Nội giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay.

Hoàn Kiếm là một trong hai quận nội đô được lựa chọn để thí điểm vùng phát thải thấp từ năm 2025 này. Thời gian vừa qua, quận đã triển khai rất nhiều giải pháp để từng bước giảm phát thải trên địa bàn, trong đó tập trung phát triển giao thông xanh, sạch, an toàn.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm đã cấm “cứng” các loại xe tải, xe đầu kéo, xe container, xe chở khách lớn đi vào, tiếp đó vào cuối tuần cấm tuyệt đối từ xe máy, ô tô con đến xe buýt đi vào. Do vậy khi triển khai vùng phát thải thấp, dựa vào các tiêu chí đưa ra, cơ quan thực hiện chỉ cần đề xuất và lắp đặt thêm các biển báo hạn chế phương tiện theo giờ hoặc cấm các xe không vào vùng phát thải thấp.

Bên cạnh đó, các giải pháp trước mắt như rửa đường, sử dụng xe điện để di chuyển hay thu gom rác thải theo quy định sẽ là những việc có thể làm ngay trước mắt để góp phần làm cho bầu không khí được trong lành.

Quỳnh Chi

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/aqi-va-chat-luong-khong-khi-can-hieu-dung-295282.htm
Zalo