Apple và SpaceX của Elon Musk đối đầu vì kế hoạch mở rộng mạng vệ tinh

Apple và SpaceX đang cạnh tranh trong cuộc đua loại bỏ các vùng mất sóng di động với sự mâu thuẫn dự kiến sẽ ngày càng gay gắt.

Apple đang đối đầu với SpaceX của Elon Musk trong nỗ lực loại bỏ các vùng mất sóng di động bằng công nghệ vệ tinh. Nhà sản xuất iPhone đang đầu tư mạnh vào công nghệ liên lạc vệ tinh để giúp người dùng luôn kết nối ngay cả ở những nơi không có tín hiệu di động truyền thống. Trong khi đó, SpaceX đã phóng hơn 550 vệ tinh để cung cấp kết nối di động thông qua dịch vụ Starlink của mình.

Để mở rộng năng lực, hai công ty này đang cạnh tranh để giành quyền sử dụng phổ tần có giá trị (những dải sóng vô tuyến để truyền tín hiệu), vốn đang có nguồn cung hạn chế. Những khoản đầu tư vào không gian của Apple khiến Elon Musk không hài lòng, theo một số nguồn tin. SpaceX đã thúc giục các cơ quan quản lý liên bang Mỹ trì hoãn một dự án mở rộng vệ tinh do Apple tài trợ.

Mâu thuẫn càng leo thang trong những tháng gần đây khi SpaceX và đối tác T-Mobile đề nghị Apple hợp tác để cung cấp dịch vụ Starlink trên iPhone. Sau các cuộc thảo luận căng thẳng, hai bên đã đạt được thỏa thuận, cho phép dịch vụ di động vệ tinh của SpaceX và T-Mobile (dự kiến ra mắt mùa hè này) hoạt động liền mạch trên các mẫu iPhone mới. Tuy nhiên, Apple vẫn kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái phần mềm khép kín của iPhone.

Mối bất hòa giữa Elon Musk và Apple về dịch vụ vệ tinh đang đặt tỷ phú giàu nhất thế giới vào thế đối đầu với một trong những công ty giá trị nhất toàn cầu.

Việc cung cấp kết nối tốt hơn ở những khu vực khó tiếp cận có thể thúc đẩy doanh số iPhone hoặc gia tăng số người sử dụng dịch vụ Starlink của SpaceX. Ở một khía cạnh nào đó, cả hai công ty đều cần nhau để theo đuổi chiến lược của mình.

Globalstar, đối tác của Apple trong việc cung cấp dịch vụ vệ tinh, đã thuê SpaceX để phóng các vệ tinh giúp kết nối cho iPhone khi không có sóng di động. Ngược lại, SpaceX và T-Mobile cũng cần Apple để đảm bảo dịch vụ của họ hoạt động tốt trên iPhone.

Hai bên từng thảo luận về việc kết nối iPhone trực tiếp với vệ tinh của SpaceX, nhưng chưa có thỏa thuận nào được ký kết.

Tính năng kết nối vệ tinh của Apple cho phép người dùng iPhone gửi tin nhắn văn bản, gọi hỗ trợ khẩn cấp và tìm kiếm sự trợ giúp ven đường ở những khu vực không có dịch vụ điện thoại di động - WSJ

Tính năng kết nối vệ tinh của Apple cho phép người dùng iPhone gửi tin nhắn văn bản, gọi hỗ trợ khẩn cấp và tìm kiếm sự trợ giúp ven đường ở những khu vực không có dịch vụ điện thoại di động - WSJ

"Cứu mạng con người"

Năm ngoái, Apple đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào Globalstar, nhà điều hành hỗ trợ tính năng kết nối vệ tinh nội bộ trên iPhone. Dịch vụ của Apple cho phép người dùng iPhone gửi tin nhắn, gọi hỗ trợ khẩn cấp và yêu cầu trợ giúp trên đường trong các khu vực không có sóng di động. Khoản đầu tư mới này giúp Globalstar phát triển một mạng lưới vệ tinh toàn cầu để cải thiện kết nối cho iPhone trên không gian.

“Công nghệ này đã giúp cứu mạng người. Các tính năng vệ tinh được thiết kế để bổ sung cho dịch vụ của các nhà mạng, mang đến cho người dùng nhiều cách kết nối hơn”, Apple tuyên bố.

Tuy nhiên, SpaceX gần đây đã yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) bác bỏ đơn xin cấp phép của Globalstar để sử dụng một số phổ tần cho mạng lưới vệ tinh mới do Apple tài trợ. SpaceX cho rằng băng tần mà Apple sử dụng để truyền tín hiệu khẩn cấp của người dùng là nguồn tài nguyên bị sử dụng không hiệu quả (không được khai thác hết tiềm năng).

Adrian Perica, Phó chủ tịch phát triển doanh nghiệp của Apple, đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán với SpaceX nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa hai công ty, theo các nguồn tin thân cận.

Cuộc đua không gian

Vào tháng 8.2022, SpaceX và T-Mobile công bố kế hoạch cung cấp dịch vụ nhắn tin liên tục ở những khu vực xa xôi trong một sự kiện ra mắt tại bang Texas (Mỹ). Trong nội bộ Apple, một số nhân viên tin rằng SpaceX công bố thỏa thuận với T-Mobile nhằm giành thế chủ động trước khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ giới thiệu dịch vụ nhắn tin khẩn cấp qua vệ tinh trên một số mẫu iPhone.

SpaceX của Elon Musk đã gây sức ép với các cơ quan quản lý liên bang để ngăn chặn nỗ lực mở rộng vệ tinh do Apple tài trợ - Ảnh: Reuters

SpaceX của Elon Musk đã gây sức ép với các cơ quan quản lý liên bang để ngăn chặn nỗ lực mở rộng vệ tinh do Apple tài trợ - Ảnh: Reuters

Elon Musk và Apple từ lâu đã cạnh tranh trong việc thu hút nhân tài phát triển công nghệ ô tô tự lái. Hai bên cũng từng xảy ra mâu thuẫn liên quan đến mạng xã hội X. Nền tảng này phụ thuộc vào Apple để phân phối ứng dụng qua App Store, và kiếm doanh thu từ quảng cáo.

Elon Musk thậm chí từng cân nhắc tự sản xuất smartphone vì không hài lòng với cách Apple kiểm soát phân phối ứng dụng của bên thứ ba như X, theo một số nguồn tin thân cận.

Ý tưởng tạo ra một chiếc điện thoại khiến tôi chán nản, nhưng nếu cần, chúng tôi sẽ làm”, Elon Musk nói với khán giả ở khu vực Philadelphia (Mỹ) vào tháng 10.2024 khi vận động tranh cử cho ông Donald Trump.

Theo các nhà phân tích, việc thâm nhập thị trường smartphone vốn bị thống trị bởi Apple và Samsung Electronics (hai thương hiệu chiếm khoảng 40% thị phần toàn cầu) sẽ là thách thức lớn.

Trên quỹ đạo

Với Starlink, SpaceX có lợi thế vượt trội về số lượng vệ tinh so với Apple. Các chuyên gia trong ngành tin rằng Globalstar sẽ không thể đáp ứng hết nhu cầu của Apple.

Những năm qua, Apple đã đàm phán với nhiều nhà cung cấp vệ tinh khác để đảm bảo có đủ phổ tần, theo một số nguồn tin. Hãng cũng từng cân nhắc đầu tư vào EchoStar, công ty vận hành vệ tinh có trụ sở tại bang Colorado (Mỹ), nhằm tăng cường số lượng vệ tinh và phổ tần hỗ trợ kết nối iPhone.

Trước đây, Apple từng hợp tác với công ty hàng không vũ trụ Boeing trong một kế hoạch vệ tinh, nhưng dự án này không được tiếp tục. Boeing từ chối bình luận.

Cách tiếp cận của Apple có những lợi thế nhất định, theo các giám đốc trong ngành. Các đối tác tiềm năng mà Apple đang theo đuổi có thể bù đắp cho cơ sở hạ tầng đã lỗi thời của họ bằng quyền sử dụng phổ tần khu vực và toàn cầu. Đó là thứ mà Apple đã dành nhiều năm để tìm cách kiếm lợi nhuận.

Starlink gặp trở ngại khi tìm cách mở rộng nhanh chóng ra toàn cầu

Với hơn 7.000 vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp đang hoạt động, Starlink đang cung cấp dịch vụ cho 118 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh thu dự kiến trong năm nay của Starlink có thể đạt 16,3 tỉ USD, tăng 74% so với năm 2024, nhờ số lượng người dùng tăng gần gấp đôi lên 7,8 triệu, theo Morgan Stanley. Đây là con số vượt xa doanh thu từ hoạt động phóng tên lửa truyền thống của SpaceX.

Morgan Stanley là tập đoàn tài chính đa quốc gia của Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản, giao dịch chứng khoán và nghiên cứu tài chính. Công ty được thành lập vào năm 1935 và có trụ sở chính tại thành phố New York (Mỹ).

Nhà phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley nhận định: “Starlink sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận của SpaceX, dù mọi thứ bắt đầu từ năng lực phóng vượt trội”.

Starlink đã giành được nhiều hợp đồng lớn với các hãng hàng không như Qatar Airways, Air France, cùng các tập đoàn vận tải biển như Maersk và MSC. Không chỉ vậy, đơn vị thuộc SpaceX còn đang thương lượng để mở rộng tới những thị trường tiềm năng như Thổ Nhĩ Kỳ, Ma Rốc, Bangladesh và đặc biệt là Ấn Độ, nơi Elon Musk gần đây đã gặp trực tiếp Thủ tướng Narendra Modi để thúc đẩy kế hoạch hợp tác.

Tuy nhiên, song song với đà mở rộng, mối quan hệ cá nhân giữa Elon Musk với Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến Starlink gặp không ít rắc rối ở thị trường quốc tế.

Dù việc Elon Musk liên minh với ông Trump từng giúp Starlink vượt qua các rào cản pháp lý dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden và tiếp cận các hợp đồng liên bang béo bở, giờ đây điều đó lại trở thành vấn đề với các quốc gia khác.

Một số chính phủ bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu một công ty được dẫn dắt bởi nhân vật có quan điểm chính trị mạnh như Elon Musk, người công khai ủng hộ ông Trump và thường xuyên phát ngôn gây tranh cãi trên mạng xã hội, có phải là đối tác chiến lược đáng tin cậy?

Điển hình, tỉnh bang Ontario của Canada gần đây đã hủy hợp đồng trị giá 100 triệu USD với Starlink nhằm phản đối chính sách thuế từ Mỹ, cho rằng “không thể làm ăn với những người đang phá hoại nền kinh tế của chúng ta”.

Ở Brazil, một cuộc tranh cãi liên quan đến thông tin sai lệch trên nền tảng X, do Elon Musk sở hữu, suýt dẫn đến việc cấm dịch vụ Starlink.

Tại châu Âu, thái độ không mấy thân thiện của Elon Musk với một số chính trị gia đã khiến nhiều quốc gia xem xét lại mức độ phụ thuộc vào Starlink, đặc biệt trong bối cảnh công ty này đang cung cấp dịch vụ tại Ukraine như một phần trong nỗ lực phòng thủ chống lại Nga.

Tại Ý, các cuộc đàm phán về hợp đồng tiềm năng giữa Starlink và chính phủ Ý đã bị đình trệ, phản ánh những căng thẳng địa chính trị rộng lớn hơn, Guido Crosetto - Bộ trưởng Quốc phòng Ý cho biết hôm 22.3. Chính quyền của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đang tìm cách đảm bảo hệ thống liên lạc được mã hóa giữa chính phủ, các nhà ngoại giao và quan chức quốc phòng hoạt động ở khu vực rủi ro cao. Starlink là một trong những ứng viên đang được xem xét để cung cấp hệ thống này.

"Hình như mọi thứ đang bị đình trệ", ông Guido Crosetto cho biết, theo báo La Repubblica. Thay vì tập trung vào các vấn đề kỹ thuật của hợp đồng, cuộc thảo luận đã bị chi phối bởi những tuyên bố do Elon Musk đưa ra hoặc những phát ngôn liên quan đến tỷ phú 53 tuổi người Mỹ này, theo Guido Crosetto.

Starlink là thế lực thống trị trong lĩnh vực internet vệ tinh, đã cung cấp dịch vụ tại Ý từ năm 2021. Các nguồn tin nói với Reuters rằng chính phủ Ý đang xem xét một hợp đồng 5 năm trị giá 1,5 tỉ euro (1,62 tỉ USD) với Starlink.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa chính phủ Mỹ và Starlink đã gây ra làn sóng phản đối từ phe đối lập, những người đặt câu hỏi liệu có khôn ngoan hay không khi giao hợp đồng an ninh quốc gia cho một doanh nhân nước ngoài, đồng thời là đồng minh thân cận của Tổng thống Donald Trump.

Guido Crosetto cho biết khi tình hình lắng xuống, các cuộc đàm phán sẽ quay trở lại các vấn đề kỹ thuật.

"Điều quan trọng là: Cái gì có lợi và an toàn nhất cho quốc gia", Bộ trưởng Quốc phòng Ý nói.

Thủ tướng Giorgia Meloni đã đặt liên minh với Mỹ làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Ý. Tuy nhiên, hành động của ông Trump, vốn đã làm mếch lòng các đồng minh châu Âu của Ý, buộc bà thực hiện một hành động cân bằng về chính trị.

Trong nước, bà Giorgia Meloni cũng chịu áp lực từ Liên đoàn phương Bắc – đảng cực hữu trong liên minh cầm quyền, yêu cầu tiếp tục ủng hộ ông Trump và Elon Musk.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/apple-va-spacex-cua-elon-musk-doi-dau-vi-ke-hoach-mo-rong-mang-ve-tinh-230998.html
Zalo