App gọi xe dần trở thành các 'siêu ứng dụng'
Các app gọi xe công nghệ đang phát triển nhằm phá bỏ 'mác' gọi xe thông qua việc nhúng thêm nhiều tiện ích thanh toán từ tiêu dùng, bán lẻ đến du lịch.
Mới đây, ứng dụng Be đã cho ra mắt dịch vụ beGiúpviệc, một tính năng mới cho phép khách hàng đặt giúp việc theo giờ ngay trên ứng dụng.
beGiúpviệc cung cấp cho người dùng các gói giúp việc theo giờ 2-4 tiếng với giá thành dao động 198.000-376.000 đồng. Bên cạnh các công việc cơ bản như dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, các đối tác giúp việc của Be cũng có thể hỗ trợ khách hàng nấu ăn hay ủi đồ.
Hiện tại, dịch vụ này được triển khai tại thị trường TP.HCM và sẽ mở rộng sang các thành phố lớn trong thời gian tới.
Chạy đua mở rộng dịch vụ
Trên thực tế, beGiúpviệc chỉ là một trong hàng loạt dịch vụ mới được ứng dụng công nghệ tích hợp trên app.
Với định hướng trở thành một siêu ứng dụng, Be đang cung cấp nhiều tính năng như đặt vé di chuyển (xe khách, tàu hỏa, máy bay), mua bảo hiểm (phương tiện, du lịch), nạp tiền điện thoại và tài chính (vay tiêu dùng).
Theo công ty này, việc gọi tên “siêu ứng dụng” thực chất để phản ánh dải sản phẩm hiện hữu cũng như truyền tải trực tiếp hơn về tầm nhìn tương lai.
Sau khi liên tục ra mắt các dịch vụ mới từ năm 2022 tới nay, Be đã vượt ra khỏi mô hình thuần túy của một ứng dụng gọi xe công nghệ. Các sản phẩm được thử nghiệm hoặc sản phẩm cốt lõi đều nằm trong kế hoạch phục vụ nhu cầu hàng ngày của 20 triệu khách hàng Việt Nam.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, đại diện Be cho biết ngay cả những sản phẩm tưởng chừng cốt lõi và bình ổn như gọi xe, nếu nhìn sâu vào nhu cầu và đặc tính đi lại ngày càng phát triển của người dùng thì vẫn còn nhiều dư địa để đổi mới, phát triển các tính năng liên quan đến sản phẩm.
Tuy nhiên, định hướng này đòi hỏi ứng dụng cần có nguồn lực, năng lực và chiến lược vận hành để có thể theo đuổi lâu dài.
Không chỉ Be, nhiều ứng dụng công nghệ khác tại thị trường Việt Nam cũng đang đẩy mạnh mở rộng dải dịch vụ thời gian qua nhằm thu hút người dùng cũng như có bàn đạp để cạnh tranh với đối thủ, đặc biệt khi tình hình cạnh tranh trên thị trường gọi xe ngày càng khắc nghiệt với sự xuất hiện của một số tay chơi mới như Xanh SM.
Như Grab, ứng dụng dẫn đầu thị phần gọi xe Việt Nam, đã phát triển dịch vụ đi chợ hộ (GrabMart) từ năm 2020. Đồng thời, ứng dụng này cũng bắt tay với các nền tảng du lịch trực tuyến lớn như Agoda, Booking.com nhằm cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn.
Trong khi đó, tính năng đặt đồ ăn của ShopeeFood được sàn thương mại điện tử Shopee tích hợp ngay trên app mua sắm. Nền tảng này cũng nhảy vào cuộc chơi giao hàng và đi chợ hộ tại Việt Nam nhờ tận dụng lợi thế từ hệ sinh thái của công ty mẹ.
Hay như app giao hàng Ahamove cũng đang thử sức ở mảng giao đồ ăn với giải pháp sử dụng công nghệ AI để hỗ trợ nhà hàng toàn bộ quá trình đặt đơn của người dùng gồm gửi menu, tư vấn món, lấy thông tin địa chỉ/số điện thoại và tính tổng giá trị đơn hàng. Sau khi người dùng xác nhận đặt đơn, hệ thống sẽ thông báo cho nhà hàng để chuẩn bị món và điều phối tài xế Ahamove đi giao hàng.
Nguồn thu mới cho các app
Không chỉ mở rộng nguồn thu, việc theo đuổi chiến lược phát triển thành siêu ứng dụng giúp Be, Grab hay các nền tảng khác có thể giữ chân người dùng lâu hơn và tăng cường tần suất sử dụng ứng dụng.
Trong bối cảnh kinh tế số phát triển, người tiêu dùng thường phải cài đặt nhiều ứng dụng cho từng dịch vụ khau nhau. Do đó, việc sở hữu dải sản phẩm đa dạng giúp các ông lớn công nghệ cho phép người dùng có thể di chuyển, đặt giao hàng, đặt đồ ăn, đặt vé di chuyển, thậm chí quản lý tài chính chỉ với một app duy nhất
Chiến lược tích hợp nhiều dịch vụ trên cùng một nền tảng cũng cho phép các công ty tận dụng hệ sinh thái sẵn có và tối ưu hóa chi phí vận hành nhờ tận dụng tài xế và hạ tầng chung. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúp các công ty giảm thiểu rủi ro khi phải phụ thuộc vào một dịch vụ duy nhất.
Theo đại diện Be, thị trường tiêu dùng công nghệ Việt Nam khá nổi tiếng trong khu vực về tiềm năng rộng lớn. Dẫu vậy, đây lại là thị trường khó chinh phục và cần sự đầu tư rất bài bản.
“Cuộc cạnh tranh với các kỳ lân ngay tại sân nhà rất khốc liệt vì đối thủ là những công ty tầm cỡ đa quốc gia, quốc tế và có nguồn lực, trí tuệ và sự hậu thuẫn mạnh mẽ, bên cạnh đó là kinh nghiệm và khả năng trường vốn”, đại diện Be cho biết.
Thay vì tự phát triển dịch vụ, một trong những chiến lược của Be là chủ động xây hệ sinh thái và sẵn sàng tạo ra nền tảng cho các công ty trong thị trường cùng hợp tác tạo giá trị, ví dụ như các hãng taxi, taxi điện, vé xe buýt, vé tàu cũng có thể được tích hợp lên ứng dụng Be để cung cấp dịch vụ.
Theo công bố, Be đang có hơn 100.000 đối tác ở gần như tất cả các ngành nghề liên quan tiêu dùng, bán lẻ, du lịch, giải trí, nhà hàng, ngân hàng, thanh toán… Các đối tác này kết hợp với Be về mặt công nghệ cũng như chiến lược marketing để cùng cung cấp bán chéo, quảng bá tập khách hàng.