Áp thuế VAT 5% với phân bón sẽ trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp

Việc áp thuế đối VAT với mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ tác động trực tiếp đến người nông dân…

Áp thuế VAT lên phân bón sẽ làm khó người nông dân

Áp thuế VAT lên phân bón sẽ làm khó người nông dân

Trong khuôn khổ phiên họp chuyên đề pháp luật diễn ra sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp nhận Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, sau khi dự thảo luật đã trình tại Kỳ họp thứ 7, bên cạnh những nội dung đã được thống nhất với đa số ý kiến tán thành thì vẫn còn một số nội dung trong dự thảo luật ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Trong đó vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm trên nghị trường là việc áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp. Theo ông Lê Quang Mạnh, hiện nay, đề nghị không chuyển phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất 5% đang có 2 luồng quan điểm:

Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành vì thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì người nông dân (ngư dân) sẽ chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế GTGT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Quan điểm thứ hai thống nhất với nội dung dự thảo Luật và Cơ quan soạn thảo, vì Luật số 71/2014/QH13 đưa phân bón đang từ diện chịu thuế 5% sang diện không chịu thuế GTGT đã tạo ra sự bất cập lớn về chính sách, ảnh hưởng bất lợi cho ngành sản xuất phân bón trong nước trong suốt 10 năm qua; các doanh nghiệp đã không được hoàn thuế GTGT đầu vào (bao gồm cả chi phí đầu tư mua sắm tài sản), phải hạch toán vào chi phí, làm tăng chi phí và giá thành sản xuất, giá bán không thể cạnh tranh với phân bón nhập khẩu đang từ chịu thuế chuyển sang được miễn thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách nghiêng về quan điểm thứ nhất. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật đã trình tại Kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách sẽ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu tại phiên họp

Trước đó, trong phiên thảo luận thuộc Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Đại biểu Trần Văn Lâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng: “Việc áp thuế VAT sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khu vực nông nghiệp nông thôn, làm tăng giá vật tư đầu vào, tăng chi phí, giá thành, giảm tính cạnh tranh của nông sản; giảm thu nhập nông dân, tác động đến khu vực nông thôn”. Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho rằng, mặt hàng phân bón nên thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất GTGT 0%. Nhằm giảm giá thành sản phẩm hơn nữa và khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Quy định như vậy có lợi cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng chỉ ra 2 luồng ý kiến liên quan đến quy định về dịch vụ xuất khẩu. Quan điểm thứ nhất cho rằng, về nguyên tắc, dịch vụ cung ứng cho các doanh nghiệp chế xuất không nên coi là dịch vụ xuất khẩu vì được tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, để tạo sự rõ ràng, thuận lợi trong thực hiện, hạn chế việc lợi dụng chính sách và phù hợp với thông lệ của nhiều nước, nhất trí với dự thảo của Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu đánh thuế GTGT với các dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp chế xuất thì cần có cơ chế cho các doanh nghiệp này được hoàn thuế GTGT đầu vào khi xuất khẩu hoặc bán sản phẩm vào thị trường trong nước. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng lớn về thủ tục kê khai hoàn thuế và đặc biệt là chi phí về dòng tiền nộp thuế GTGT phát sinh cho các doanh nghiệp, nếu việc hoàn thuế không được thực hiện nhanh chóng. Với thực tế chậm trễ trong công tác hoàn thuế GTGT như hiện nay, việc sửa đổi Luật cần được cân nhắc thấu đáo. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách và Cơ quan soạn thảo thống nhất với phương án này.

Trong báo cáo, ông Lê Quang Mạnh còn trình bày thêm một số nội dung chưa đi đến thống nhất trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội cơ quan soạn thảo và tham vấn đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

KHẢ NGÂN

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/ap-thue-vat-5-voi-phan-bon-se-trai-tinh-than-khuyen-khich-phat-trien-nong-nghiep-post554032.html
Zalo