Áp thuế suất 2% doanh thu: Gánh nặng vô tình rơi vào ai?

Việc áp thuế 2% doanh thu khiến viện phí, học phí tăng tương ứng. Người bệnh, học sinh vô tình phải 'gánh' thêm chi phí khi sử dụng dịch vụ công lập.

Sáng 12/5, tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Không thể giữ nguyên bất cập chỉ vì "đã có từ trước"

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) đánh giá cao việc ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều nội dung quan trọng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần điều chỉnh thêm để bảo đảm tính công bằng trong chính sách thuế, đặc biệt là đối với các đơn vị giáo dục, y tế công lập tự chủ, không nhận ngân sách nhà nước.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn TP Hà Nội. Ảnh: VPQH

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn TP Hà Nội. Ảnh: VPQH

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, những đơn vị này hoạt động phi lợi nhuận nhưng vẫn bị đánh thuế trên phần chênh lệch thu, chi dù toàn bộ số tiền được dùng để tái đầu tư.

"Điều này tạo ra sự bất bình đẳng với các đơn vị tư thục cùng hoạt động nhưng lại được miễn thuế phần thu nhập không chia. Thêm vào đó, phần lớn cơ sở vật chất trong các trường, bệnh viện công lập là tài sản nhà nước, không được khấu hao đầy đủ"- vị đại biểu này nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, việc đánh thuế trên phần chênh lệch thực chất là đánh vào khoản đáng lẽ được tái đầu tư, gây ảnh hưởng tới năng lực phát triển dịch vụ công.

Ông khẳng định, với mức thu 2% doanh thu thì đương nhiên trong giá dịch vụ về y tế và học phí giáo dục sẽ được tính luôn 2% là để dành cho nộp thuế. Như vậy sẽ làm cho học phí tăng lên thêm 2%, giá dịch vụ y tế tăng lên 2% và người bệnh, học sinh là người chịu việc này.

Trong khi chúng ta hiện nay đang chủ trương miễn học phí cho các hệ thống giáo dục phổ thông, tiến tới miễn cả viện phí. Như vậy, nếu chúng ta lại thu thuế thì sẽ không đồng bộ, không đồng nhất về chủ trương”- đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đáng chú ý, lý do được nêu trong báo cáo giải trình rằng “quy định hiện hành đã có từ trước nên không thay đổi”, ông cho là thiếu sức thuyết phục. "Không thể vì luật cũ có bất cập mà tiếp tục giữ nguyên, trong khi mục đích sửa luật chính là để điều chỉnh những điều chưa hợp lý"- ông nói.

Sáng 12/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Ảnh: VPQH

Sáng 12/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Ảnh: VPQH

Từ thực tiễn này, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị các hoạt động cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế công lập phi lợi nhuận không thuộc diện chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ khi có hoạt động liên doanh, liên kết có yếu tố lợi nhuận.

Thể chế hóa mạnh mẽ Nghị quyết 57, Nghị quyết 68 vào Luật

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng chỉ ra những chính sách về các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa có đề cập đến trong dự thảo luật và đề nghị cần phải được bổ sung.

Ông cũng nhấn mạnh cần rà soát kỹ để đảm bảo Luật sửa đổi lần này thực sự là động lực thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tư nhân, như tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 68/NQ-TW của Bộ Chính trị.

"Cụ thể, Nghị quyết 68 cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập trước thuế vào quỹ phát triển khoa học công nghệ, nhưng dự thảo luật lại chỉ cho trích 10%. Tương tự, quy định cho phép trừ 200% chi phí nghiên cứu phát triển khi tính thuế theo Nghị quyết 68 cũng chưa được cập nhật trong dự thảo"- đại biểu Hoàng Văn Cường nêu.

Đồng thời, đại biểu đề nghị rút ngắn thời gian áp dụng luật, đưa vào hiệu lực từ ngày 1/10/2025 thay vì đầu năm 2026, để chính sách sớm đi vào cuộc sống, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất định, Việt Nam cần bứt phá từ nội lực.

Đảm bảo minh bạch, nhất quán

Tranh luận với đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Nguyễn Vân Chi (Đoàn Nghệ An) làm rõ: Hiện các đơn vị công lập không phải nộp thuế trên học phí, viện phí, chỉ nộp 2% trên doanh thu từ hoạt động liên doanh liên kết có yếu tố thương mại. Việc đánh thuế hiện nay là khoán trên doanh thu chứ không tính theo chênh lệch thu, chi, do đó không có chuyện đánh thuế trên phần khấu hao còn lại.

Đại biểu Nguyễn Vân Chi (Đoàn Nghệ An). Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Vân Chi (Đoàn Nghệ An). Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Vân Chi cho hay, cơ chế hiện hành hiện nay là các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ nộp thuế đối với những khoản kinh doanh thêm như liên doanh liên kết với bên ngoài, chỉ thu với mức 2% trên phần thu nhập có được từ liên doanh liên kết và lúc này thu theo mức khoán tính trên doanh thu, còn không thu thuế đối với các khoản như viện phí, học phí mà do các trường hay các bệnh viện thu được.

Vì vậy cho nên việc đại biểu nói rằng lấy thu nhập trừ đi chi phí là không phải”- bà Chi nhấn mạnh.

Theo bà Chi, đây là cơ chế đã được cân nhắc kỹ, tránh hiểu nhầm rằng đang thu thuế vô lý từ dịch vụ công lập.

Tuy vậy, nhiều đại biểu vẫn cho rằng cần tiếp tục làm rõ cơ chế này trong luật để tránh các cách hiểu khác nhau và đảm bảo minh bạch, nhất quán trong áp dụng.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 4 Chương và 21 Điều. Theo Dự thảo Luật (sửa đổi), nhóm nội dung sửa đổi bổ sung của dự án Luật tập trung vào các quy định, bao gồm: Quy định liên quan đến người nộp thuế và thu nhập chịu thuế; quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế, được trừ và không được trừ khi tính thuế; quy định về phương pháp tính thuế và các quy định điều chỉnh thuế suất đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ phù hợp với yêu cầu, bối cảnh mới.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ap-thue-suat-2-doanh-thu-ganh-nang-vo-tinh-roi-vao-ai-387216.html
Zalo