Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4 khả năng sẽ đổ bộ vào Thanh Hóa đến Quảng Ngãi

Theo dự báo của chuyên gia, 70% áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.

Chiều 17/9, thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, sau khi di chuyển vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 4 và khoảng 70% sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.

Xác suất 15% bão số 4 có thể di chuyển vào phía Bắc của vịnh Bắc Bộ và 15% di chuyển vào phía Nam của miền Trung.

Ông Nguyễn Văn Hưởng đánh giá, sau khi di chuyển vào Biển Đông, bão số 4 sẽ không thể có cường độ mạnh như bão số 3 bởi điều kiện môi trường hiện nay không thuận lợi và phải chia sẻ năng lượng với một cơn bão đang hoạt động ở phía tây bắc Thái Bình Dương.

Dự báo trong 24-48 giờ tới, khu vực biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ có gió mạnh.

Từ ngày 18/9, biển miền Trung có mưa trên diện rộng. Trên đất liền, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa trên diện rộng đến hết ngày 21/9.

Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng.

Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng.

Ông Nguyễn Văn Hưởng đánh giá dưới tác động của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (sau khi mạnh lên thành bão số 4), khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa sẽ chịu tác động trực tiếp và sau đó là vùng biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.

Do đó, ở những khu vực này, người dân cần đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, đặc biệt tại Thừa Thiên Huế.

Người dân, chính quyền địa phương cần lưu ý tình trạng sạt lở đê kè ven biển ở những khu vực đang thi công và đề phòng tình trạng ngập lụt ở những vùng thấp, trũng ven biển.

"Trên đất liền, cần đề phòng các ổ mây dông đối lưu trước khi bão di chuyển đến - yếu tố có thể gây mưa dông mạnh khiến cây xanh gãy, đổ hoặc mái tôn, biển quảng cáo có khả năng bị gió thổi bay trong không khí. Mưa lớn cũng có thể gây ra tình trạng ngập, úng ở các khu đô thị", ông Nguyễn Văn Hưởng cảnh báo.

Bên cạnh đó, vùng núi trung du các tỉnh phía Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm 18/9 đến hết ngày 22/9 có khả năng xảy ra tình trạng lũ quét, sạt lở đất. Do đó, người dân và chính quyền địa phương cần có các biện pháp ứng phó.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25km/h.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10.

Vị trí và dự báo hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới.

Đến chiều 19/9, bão số 4 cách đất liền các tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng khoảng 200km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km/h.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km; cường độ ít thay đổi.

Trong 24 giờ tới, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m, biển động mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo cảnh báo vùng gió mạnh mở rộng đến vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, sóng biển cao từ 2 đến 3m, vùng gần tâm bão từ 3 đến 5m.

Đăng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ap-thap-nhiet-doi-manh-len-thanh-bao-so-4-kha-nang-se-do-bo-vao-thanh-hoa-den-quang-ngai-20240918070611285.htm
Zalo