Áp thấp nhiệt đới hướng lên vịnh Bắc Bộ, có thể mạnh lên thành bão
Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ, cường độ cấp 8, giật cấp 10 có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 17/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách Hoàng Sa khoảng 200km về phía Tây.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/giờ), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 5-10km/h.
Đến 19 giờ ngày 18/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở 17,7 độ Vĩ Bắc-108,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế.
Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ, cường độ cấp 8, giật cấp 10 có khả năng mạnh lên thành bão.
Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới: 15-19 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đến 19 giờ ngày 19/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở 19,5 độ Vĩ Bắc-107,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ, cường độ cấp 8-9, giật cấp 11. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới: 15,5-21 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 110 độ Kinh Đông. Phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ có mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao 2,0-4,0m.
Từ tối và đêm 17/10 đến sáng 19/10, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa to đến rất to; khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Từ ngày 19/10, khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa lớn; mưa lớn trên khu vực Trung Trung Bộ giảm dần.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới có hướng di chuyển vào vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh lên thành bão.
Ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão là nguyên nhân tiếp tục gây mưa lớn cho các tỉnh miền Trung, có xu hướng mở rộng ra phía Bắc.
Quảng Bình chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lớn
Quảng Bình là tỉnh có địa hình vùng đồi núi dễ bị chia cắt, vùng trũng ngập lụt dễ bị cô lập, chia cắt. Hiện người dân ở các địa phương trong khu vực có khả năng bị ngập lụt đã chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, đề phòng mưa lớn trong những ngày tới.
Tại huyện Minh Hóa (Quảng Bình), Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện đã vận chuyển 3 tấn gạo cho vùng đồng bào Rục thuộc các bản của xã Thượng Hóa và 3 tấn gạo cho bà con dân tộc các bản khu vực biên giới xã Trọng Hóa.
Số gạo được phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới tập kết tại các đồn để dự trữ, bảo quản và ứng cứu cho người dân trong trường hợp cô lập, chia cắt cần hỗ trợ về lương thực trong những ngày tới khi mưa lũ có thể gây cô lập dài ngày.
Ứng phó mưa lớn kéo dài trong những ngày tới, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương và nhân dân triển khai “4 tại chỗ”; đề nghị các địa phương đảm bảo dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, pin dự phòng, vật tư y tế..., sẵn sàng cho tình huống bị chia cắt dài ngày, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc sinh sống.
Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn.
Ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các đơn vị, trường học triển khai biện pháp ứng phó mưa lũ, tùy theo diễn biến thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ học, đảm bảo an toàn.
Những ngày qua, mưa lớn liên tiếp đã gây ngập lụt tại nhiều ngầm tràn ở miền núi tỉnh Quảng Bình. Hơn 20 thôn bản ở các huyện miền núi bị cô lập do đường vào các bản bị chia cắt khi nước lũ về.
Đặc biệt, khu vực đường dẫn vào 3 bản Mò O-Ồ Ồ, Ón, Yên Hợp (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) đang ngập sâu khoảng 1,5m, các phương tiện không qua lại được.
Các địa phương, bộ đội biên phòng đã cắt cử lực lượng túc trực, lập chốt chặn ngăn không cho người dân qua lại ở các khu vực nguy hiểm.
Quảng Trị cấm biển từ 17 giờ ngày 17/10
Chiều 17/10, Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã ra công điện hỏa tốc về việc, chủ động triển khai ứng phó với tình hình mưa lũ và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên biển Đông.
Theo đó, công điện yêu cầu các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với các đơn vị, tổ chức cấm biển kể từ 17 giờ ngày 17/10 đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại bình thường; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền; duy trì thông tin liên lạc, bằng mọi biện pháp thông báo, cảnh báo kịp thời đến chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Các huyện, đơn vị thông tin tuyên truyền, có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên đảo Cồn Cỏ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, áp thấp nhiệt đới và các loại hình thiên tai khác có thể xảy ra để các cấp chính quyền, người dân biết chủ động triển khai biện pháp ứng phó.
Dự báo, từ chiều 17/10 đến sáng 19/10, trên địa tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to; lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm, có nơi trên 300 mm.
Trước đó, từ ngày 11-13/10, trên địa bàn Quảng Trị đã có mưa lớn kéo dài gây ngập cục bộ ở vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng. Mưa lớn kéo dài cũng khiến lượng nước tích lũy trong đất gần bão hòa, phổ biến trên 90%.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã phát đi cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét ở vùng núi, sạt lở đất ở sườn dốc các huyện Hướng Hóa, Đakrông; các xã phía Tây huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong; nguy cơ ngập úng vùng thấp trũng, ngầm tràn và đường giao thông vùng đất thấp.
Tỉnh Quảng Trị còn khoảng 1.500ha lúa rẫy, 5.300ha sắn và rau màu chưa thu hoạch, tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa và vùng đồng bằng; 2.900ha ao, hồ cùng nhiều lồng, bè nuôi trồng thủy sản chưa thu hoạch.
Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có biện pháp bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn đối với nghề nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Quảng Ngãi quản lý chặt, cấm tàu thuyền ra biển khi có gió cấp 6
Để ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp do áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi vừa có công điện yêu cầu lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó, thực hiện cấm biển khi gió ở vùng biển trên cấp 6.
Các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng của tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là các khu vực nguy cơ cao sạt lở đất ở các huyện miền núi, khu vực trũng, thấp, dễ ngập úng cục bộ tại các huyện đồng bằng.
Đồng thời, bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người, phương tiện đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở…) khi chính quyền đã cắm biển cảnh báo, ngăn cấm, đặc biệt lưu ý tại vị trí cầu tràn Thạch Nham.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản, Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố ven biển, đảo theo chức năng, nhiệm vụ quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền; chủ động cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại) khi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên.
Các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão; tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; sử dụng tất cả phương tiện liên lạc hiện có thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm.
Đợt mưa lớn trong hai ngày 15 và 16/7 tại Quảng Ngãi khiến cho 1 ngư dân tử vong khi đang hành nghề câu thúng trên biển. Mưa lớn cũng làm nhiều khu dân cư ở huyện Bình Sơn, một số tuyến đường ở thành phố Quảng Ngãi bị ngập úng cục bộ.
Tại huyện Trà Bồng, trong ngày 16/10, Ủy ban Nhân dân huyện đã tổ chức di dời, sơ tán 4 hộ/18 khẩu tại Đội 4, thôn Trà Ôi, xã Trà Xinh do mưa lớn làm đất, đá dọc tuyến đường đang thi công bị trôi chảy vào sát nhà dân./.