Áp lực tỷ giá hạ nhiệt mở ra nhiều cơ hội cho điều hành chính sách tiền tệ
Dự kiến tỷ giá USD/VND sẽ xoay quanh mức hiện tại cho đến cuối năm, dao động quanh mức 25.000 đồng/USD. Điều này sẽ mở rộng không gian chính sách tiền tệ và giảm áp lực lạm phát của Việt Nam.
Tỷ giá sẽ tiếp tục giảm trong cuối năm
Chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) trượt dốc khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại. Tại ngày 29/8, chỉ số DXY giảm về mức 101,4 sau một loạt những dữ liệu khả quan về tình hình lạm phát được công bố như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 ghi nhận mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, tỉ lệ thất nghiệp vượt 4% lần đầu tiên kể từ cuối năm 2021, chi phí nhà ở - rào cản lớn nhất với việc kiểm soát đà tăng CPI – đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau 2 năm.
Tuyên bố của chủ tịch Fed tại Hội nghị Jackson Hole thứ Sáu tuần trước (23/8) đã một lần nữa khẳng định thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed đã đến. Tuy nhiên, số lần cắt giảm lãi suất và mức độ cắt giảm lãi suất của Fed có thể sẽ còn nhiều điều không chắc chắn ở phía trước, dù xác suất đang nghiêng về hướng Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhanh hơn so với những gì họ đã dự kiến cách đây một vài tháng. Thị trường đang định giá khoảng 80% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 5% - 5,25% vào tháng 9.
Chỉ số DXY suy yếu khiến xu hướng tăng giá của tiền đồng tiếp diễn trong tháng qua. Tỷ giá USD/VND bình quân trên thị trường chính thức đã giảm về 24.887 đồng/USD, giảm 1,1% so với cuối tháng trước. Tỷ giá bán tại VCB cũng đã giảm về mức 25.050 đồng/USD tại ngày 29/08, thấp hơn 370 đồng/USD so với cuối tháng 7. Trong khi đó, trên thị trường tự do, tỷ giá bán tại ngày 28/08 đã giảm về mức 25.280 đồng/USD, giảm 1,7% so với cuối tháng 7/2024.
Theo đó, áp lực về nhu cầu USD dù tăng trở lại trong cuối quý III và đầu quý IV cũng sẽ không gây áp lực đến triển vọng tỷ giá. Tỷ giá USD/VND cuối năm 2024 có thể dao động quanh mức 25.000 đồng/USD, tăng khoảng 3% so với cuối năm ngoái.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 25.100 – 25.300 VND/USD trong quý IV/2034 dưới những yếu tố tích cực như: Thặng dư thương mại tích cực, dòng vốn FDI và du lịch phục hồi mạnh mẽ. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.
Mở rộng không gian điều hành chính sách tiền tệ
Theo các chuyên gia, áp lực tỷ giá giảm sẽ đem lại nhiều cơ hội mới về mặt điều hành chính sách tại Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong những phiên giao dịch gần đây, xuất hiện tin đồn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ mua trở lại USD để tích lũy. Theo thống kê của WB, dự trữ ngoại hối theo ước tính đã giảm từ mức 90 tỷ USD trong tháng 12/2023 xuống còn khoảng 83 - 84 tỷ USD và cuối tháng 6/024, trong bối cảnh đồng bạc xanh gây sức ép đáng kể trên thị trường quốc tế.
Theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank, khi lý do “gốc rễ” là sức ép của đồng USD được giải quyết thì tiền đồng cũng sẽ tăng giá trở lại. Tác động tích cực tiếp theo sẽ là giảm bớt áp lực lạm phát, cũng như giúp NHNN “có nhiều không gian điều hành chính sách tiền tệ hơn”.
Bên cạnh đó, sức ép từ lạm phát được nhiều nhà phân tích đánh giá hiện nay đã bớt rủi ro hơn. Theo báo cáo vĩ mô về Việt Nam của HSBC công bố đầu tháng 8/2024, áp lực giá đã được “kiểm soát tương đối dù cần thêm thời gian để vững vàng hơn”. Kỳ vọng tiếp theo là việc duy trì chính sách điều tiết và giữ lãi suất chính sách ổn định trong thời gian tới, từ đó giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2024, nghĩa là tốc độ nhanh nhất trong khối ASEAN.
Trên thực tế, HSBC cùng với WB là 2 định chế gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm đáng kể so với dự báo trước đó. Với WB, tổ chức này cũng đánh giá việc cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 9/2024 là yếu tố tích cực, có thể tiếp tục thúc đẩy tổng cầu ở các nền kinh tế phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
“Điều này cũng có thể góp phần làm giảm chi phí huy động tài chính trên toàn cầu và thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, từ đó đem lại tác động tích cực lan tỏa cho ngành ngân hàng và khu vực tài chính ở Việt Nam”, báo cáo của WB đánh giá.