Áp lực khiến ông Trump 'chùn bước'

Với quy mô nhập khẩu hàng trăm tỷ USD, áp lực từ người dân và các tập đoàn lớn, Mỹ khó có thể mạnh tay áp thuế toàn diện trong một sớm một chiều.

 Mỹ sẽ miễn thuế đối ứng với các loại thiết bị điện tử tiêu dùng quan trọng như smartphone, laptop, ổ cứng, chip nhớ... Ảnh: Reuters.

Mỹ sẽ miễn thuế đối ứng với các loại thiết bị điện tử tiêu dùng quan trọng như smartphone, laptop, ổ cứng, chip nhớ... Ảnh: Reuters.

Trong một bước đi được xem là "lùi chiến thuật" giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu nóng trở lại, chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đây đã công bố quyết định tạm thời miễn trừ thuế quan đối với 20 mặt hàng công nghệ chủ lực.

Danh sách này bao gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay, ổ cứng, màn hình và máy móc phục vụ sản xuất chất bán dẫn - những mặt hàng công nghệ phổ biến nhưng hầu như không được sản xuất tại Mỹ.

Dù ông Trump tiếp tục duy trì lập trường thuế quan "có đi có lại" với Trung Quốc, quyết định hoãn thuế lần này phản ánh một thực tế khó chối cãi: Mỹ vẫn phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Áp lực từ 390 tỷ USD nhập khẩu

Theo Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc RAND, quyết định miễn trừ mới ảnh hưởng đến gần 390 tỷ USD hàng nhập khẩu trong năm 2024, trong đó có hơn 101 tỷ USD đến từ Trung Quốc.

Tổng cộng, các mặt hàng được miễn thuế, bao gồm điện tử tiêu dùng và thiết bị bán dẫn, chiếm khoảng 22% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.

Trong năm qua, điện thoại thông minh là mặt hàng Mỹ nhập nhiều nhất từ Trung Quốc với tổng giá trị 41,7 tỷ USD - tương đương 9% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc. Máy tính và thiết bị tương đương cũng đạt trên 36 tỷ USD. Dù Apple đã nỗ lực chuyển một phần sản xuất sang Ấn Độ và Việt Nam, Trung Quốc vẫn là mắt xích không thể thay thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Không chỉ riêng Trung Quốc, Việt Nam và nhiều thị trường châu Á mới nổi khác cũng đang dần chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong lĩnh vực máy tính, thiết bị bán dẫn và ổ cứng.

Theo thống kê từ Observatory of Economic Complexity (OEC), năm 2024, máy tính là mặt hàng nhập khẩu lớn thứ 3 tại Mỹ với tổng kim ngạch 140 tỷ USD - phần lớn đến từ Mexico (48,3 tỷ USD), Đài Loan (26 tỷ USD), Việt Nam (15,8 tỷ USD) và Thái Lan (6,8 tỷ USD), không tính Trung Quốc.

Đáng chú ý, tổng nhập khẩu từ Mexico và Đài Loan (Trung Quốc) tăng vọt hơn 30 tỷ USD trong năm qua, phản ánh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc nhưng vẫn phụ thuộc vào nước ngoài.

Thiết bị bán dẫn và ổ cứng - 2 mắt xích then chốt trong hạ tầng công nghệ - ghi nhận khối lượng nhập khẩu lớn, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Cụ thể, Mỹ chi 22,6 tỷ USD để nhập khẩu thiết bị bán dẫn, trong đó Việt Nam là nhà cung cấp chính (5,6 tỷ USD), kế đến là Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ và Campuchia.

Chỉ riêng ổ cứng, Mỹ đã nhập khẩu hơn 6.600 lô hàng từ gần 550 nhà cung cấp trong giai đoạn 11/2023-10/2024, tăng 27% so với cùng kỳ, theo số liệu của Volza Import Trade Data.

Nếu kịch bản áp thuế diện rộng diễn ra, người tiêu dùng Mỹ sẽ là bên chịu thiệt đầu tiên do giá thành tăng cao. Ngành công nghệ cũng sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng khi nhiều linh kiện chưa thể thay thế bằng sản phẩm nội địa trong ngắn hạn.

Apple là ví dụ điển hình cho những tập đoàn công nghệ sẽ chịu tác động nặng nề nếu ông Trump không miễn thuế.

Theo phân tích từ Ngân hàng Đầu tư UBS, nếu mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc được thực thi, chi phí sản xuất iPhone sẽ tăng theo cấp số nhân. Khi đó, giá bán lẻ của một chiếc iPhone 16 Pro Max (bản 256GB) có thể vọt lên tới khoảng 2.150 USD - tức tăng gần 79% so với mức hiện tại là 1.199 USD.

Mượn hình ảnh từ hệ thống cảnh báo bão của Mỹ, ông Dan Ives, Giám đốc nghiên cứu tại Wedbush Securities, từng ví mức thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc như một "cơn bão giá cấp 5" giáng xuống người tiêu dùng Mỹ.

Theo ông, chỉ riêng việc di dời 10% chuỗi cung ứng công nghệ khỏi châu Á sang Mỹ đã tốn ít nhất 3 năm và khoảng 30 tỷ USD, chưa kể các rủi ro về gián đoạn sản xuất.

Chuyên gia kinh tế của Bloomberg nhận định trong bối cảnh Mỹ vẫn phụ thuộc đáng kể vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt từ Trung Quốc, quyết định miễn thuế của ông Trump có thể tạo ra hiệu ứng tích cực lan rộng.

"Đây là một lỗ hổng lớn trong bức tường thuế quan mà Mỹ dựng lên, cho phép các ông lớn như Apple và người tiêu dùng máy tính, điện thoại thoát khỏi áp lực tăng giá mạnh", ông nhấn mạnh.

Song, chuyên gia cũng cảnh báo nhiều hàng tiêu dùng, nguyên liệu và máy móc từ Trung Quốc vẫn chịu thuế cao, tiếp tục gây áp lực lên ví tiền người dân Mỹ.

"Cánh cửa tạm thời" hay đòn thí điểm chiến lược?

Ông Trump từ chối bình luận sâu về quyết định miễn thuế kể trên, song khẳng định với báo giới: "Chúng ta đang thu về rất nhiều tiền, đất nước này đang thu được rất nhiều tiền", Bloomberg đưa tin.

Việc bất ngờ miễn thuế cho nhóm sản phẩm công nghệ cao lại được nhiều chuyên gia đánh giá là một bước đi mang tính chiến thuật - vừa để "câu giờ", vừa là phép thử phản ứng từ thị trường và các đối tác thương mại.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nhấn mạnh: "Tổng thống Trump đã khẳng định nước Mỹ không thể phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất các công nghệ thiết yếu như chip, điện thoại thông minh, hay máy tính xách tay. Đó là lý do ông đã bảo đảm hàng nghìn tỷ USD đầu tư từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới vào Mỹ". Bà tiết lộ các doanh nghiệp này đang "chạy đua" để đưa hoạt động sản xuất về Mỹ.

Đáng chú ý, bên cạnh các dòng sản phẩm phổ thông, các thiết bị phục vụ cho hạ tầng AI như GPU, máy chủ và thiết bị sản xuất chip - phần lớn do Nvidia, TSMC, Intel cung ứng - cũng được miễn thuế. Điều này được nhìn nhận như một sự "ưu ái có tính toán" đối với các tập đoàn đã cam kết đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Mỹ trong thời gian qua.

Ngoài thiết bị sản xuất chip, danh sách miễn thuế còn bao gồm hầu hết sản phẩm chủ lực của Apple - bao gồm iPhone, iPad và Apple Watch, giúp "táo khuyết" tạm thoát khỏi làn sóng thuế quan gia tăng với hàng hóa Trung Quốc.

 Tổng thống Trump nói việc miễn thuế điện thoại thông minh thể hiện sự linh hoạt và hỗ trợ Apple trong quá trình chuyển sản xuất về Mỹ. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump nói việc miễn thuế điện thoại thông minh thể hiện sự linh hoạt và hỗ trợ Apple trong quá trình chuyển sản xuất về Mỹ. Ảnh: Reuters.

Tuy vậy, quyết định miễn thuế lần này có thể chỉ là tạm thời. Các sản phẩm được loại trừ khỏi danh mục thuế quan vốn nằm trong sắc lệnh ban đầu nhằm tránh việc thuế bổ sung chồng chéo lên các mức thuế quốc gia. Điều này cho thấy trong tương lai gần, các sản phẩm này vẫn có thể phải chịu một loại thuế khác - dù có khả năng sẽ nhẹ tay hơn với Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng đây là bước đệm cho những chính sách thuế theo ngành sắp tới, mà cụ thể là trong lĩnh vực chip. Chính quyền ông Trump dự kiến sớm khởi động cuộc điều tra mới về nhập khẩu chất bán dẫn, dẫn tới việc áp thuế trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Những mức thuế này - tương tự như với thép và nhôm - có thể áp dụng cả với sản phẩm chứa chip lẫn bản thân chip.

Hiện mức thuế theo ngành mà ông Trump từng áp là 25%, song chưa rõ thuế với ngành bán dẫn có cùng tỷ lệ hay không và phạm vi áp dụng sẽ rộng đến mức nào.

Thay vì "chiến tranh tổng lực", chính quyền Trump dường như đang chuẩn bị cho một chiến dịch "đánh du kích kinh tế" - với các đòn đánh có chọn lọc, mang tính cấu trúc và dài hơi hơn.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/ap-luc-khien-ong-trump-chun-buoc-post1546742.html
Zalo