Áp lực điện rác
Các dự án đốt rác phát điện với mục tiêu chính là xử lý môi trường cho các tỉnh, thế nhưng cơ chế chưa đủ hấp dẫn, khiến nhà đầu tư lưỡng lự xuống tiền.
Thách thức về cơ chế giá điện
Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2023, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị trung bình lên tới 38.000 tấn/ngày, với tốc độ tăng trung bình 10-16% mỗi năm.
Trước tình trạng này, việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện (Waste-to-Energy - WTE) được xem là một giải pháp chiến lược nhằm giải quyết vấn đề rác thải đô thị, đồng thời tạo ra nguồn năng lượng tái tạo, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên.

Theo Bộ Công thương, với điện rác, tinh thần chung sẽ mở ra tối đa (Ảnh minh họa).
Nhằm thúc đẩy phát triển điện rác, Chính phủ đã ban hành Quyết định 31 năm 2014 đưa ra các cơ chế hỗ trợ giá mua điện cho các dự án sử dụng chất thải rắn. Theo đó, các dự án đốt rác phát điện được nhận mức giá là 10,05 UScents/kWh (khoảng hơn 2.000 đồng/kWh) nhằm khuyến khích nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực xử lý môi trường.
Dù chính sách này có hiệu lực từ năm 2014, nhưng mãi đến cuối năm 2018, nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của Công ty EB Cần Thơ mới chính thức đi vào vận hành.
Từ đó đến nay, số lượng nhà máy điện rác được đưa vào hoạt động vẫn còn rất hạn chế. Tính đến năm 2024, chỉ có khoảng 8 dự án đi vào vận hành, bao gồm: nhà máy điện rác Cần Thơ (2018); nhà máy điện rác Sóc Sơn (2022); nhà máy điện rác Huế (2024); nhà máy điện rác Thuận Thành Bắc Ninh (2024); nhà máy điện rác Thăng Long Bắc Ninh (2024); nhà máy điện rác Ngôi Sao Xanh Bắc Ninh (2023); nhà máy điện rác Hậu Giang (2024); nhà máy điện rác Bình Dương (2024).
Trong khi đó, một số dự án khác dù đã được cấp chứng nhận đầu tư nhưng vẫn chưa thể triển khai do gặp khó khăn trong việc thu xếp tài chính. Các ngân hàng thương mại trong nước vẫn tỏ ra thận trọng khi cấp vốn do tỷ lệ sinh lời thấp. Nguyên nhân là do giá điện chưa thực sự hấp dẫn.
Thế nhưng, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa báo cáo gửi Bộ Công thương đề xuất khung giá điện mới, giảm về mức 1.974 đồng/kWh. Dựa vào khung này các nhà đầu tư và EVN sẽ đàm phán giá điện, không được vượt quá mức trên.
Mức giá này được tính toán theo ước lượng thông số của một dự án điện rác quy mô 15 MW, các thông số đầu vào gồm: tổng mức đầu tư khoảng 5,53 triệu USD/MW; tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu là 70/30; lãi suất vay trung bình: 8,8/năm; chu kỳ dự án 20 năm.
Với các yếu tố trên, một nhà đầu tư cho hay, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của dự án chỉ đạt 2,3%, thấp hơn nhiều so với chi phí vốn và suất sinh lời thông thường của một dự án điện khác, ngưỡng 10-12%.
"Bối cảnh mới này khiến việc đầu tư nhà máy điện rác thêm bế tắc", nhà đầu tư nhấn mạnh.
Vì đâu nhà đầu tư ngại xuống tiền?
Về bản chất, các dự án đốt rác phát điện không phải là dự án phát điện thương mại thông thường (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, nhiệt điện, điện khí…), mà với mục tiêu xử lý môi trường cho các tỉnh là chính.
Trong đó, bên cạnh việc xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường hiệu quả còn phát sinh thu hồi nhiệt để phát điện. Nguồn thu từ phát điện chỉ là phụ thêm để nhà đầu tư có thêm khoản thu bù trừ nhằm giảm giá xử lý rác thải sinh hoạt cho địa phương, từ đó bớt chi từ ngân sách.

Mục tiêu chính của dự án điện rác là xử lý môi trường cho các tỉnh.
Hiện nay, các nước phát triển đều lựa chọn loại hình đốt rác phát điện thay cho việc chôn lấp rác. Cho nên Việt Nam đi sau cần theo con đường này.
Với điện rác, thay vì nhà nước phải bỏ ngân sách ra đầu tư thì các dự án này được xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Bởi vậy, theo các chuyên gia, nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, đảm bảo nhà đầu tư tham gia có điểm hòa vốn, dự án có hiệu quả.
Mới đây, nhiều địa phương cũng đề xuất tăng công suất nguồn điện rác để bổ sung vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh do Bộ Công thương đang xây dựng. Lý do các địa phương đưa ra đều nhằm giải quyết vấn đề môi trường. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long khẳng định "tinh thần chung sẽ mở ra tối đa cho điện rác, các địa phương có nhu cầu, đề xuất thì Bộ Công thương sẽ ủng hộ".
Song thực tế, ở Việt Nam, nhà đầu tư đang phải đối mặt với một bài toán 2 ẩn số là giá xử lý rác và giá điện.
Các địa phương đều yêu cầu phải đàm phán giá xử lý rác sao cho tiền chi trả từ ngân sách cho xử lý rác thải sinh hoạt thấp nhất trên 1 tấn rác. Nếu chốt được giá xử lý rác nhưng giá điện đầu ra lại biến động thì nhà đầu tư không thể tính toán được điểm hòa vốn.
Điều đáng nói, khi dự án xây dựng xong, nếu EVN không đồng ý mức giá điện hòa vốn mà nhà đầu tư tính toán để có lợi cho ngân sách, và địa phương cũng không chịu tăng giá xử lý rác thì nhà đầu tư sẽ phá sản.
Trước thực tế này, theo giới chuyên gia, để mở tối đa cho điện rác phát triển, cần có chính sách giá mua điện ổn định hơn để tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư.
Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, mức giá 6 nhân dân tệ/kWh tương đương 10,05 UScents/kWh được ban hành từ những năm 1980, đến nay đã hơn 40 năm vẫn ổn định theo giá FIT, không thay đổi. Nhờ vậy, Trung Quốc trong 40 năm qua đã giải quyết được cơ bản vấn đề môi trường trong xử lý rác thải sinh hoạt và đã đầu tư được hơn 1.500 nhà máy đốt rác phát điện trên toàn quốc, hiện không còn địa phương nào phải chôn lấp hoặc sử dụng công nghệ lạc hậu khác.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, cần tạo cơ chế tài chính ưu đãi như hỗ trợ lãi suất vay hoặc bảo lãnh tín dụng để giảm rủi ro cho ngân hàng.
Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn để nâng cao hiệu suất các nhà máy điện rác.
"Nếu không có những cải cách mạnh mẽ về chính sách và cơ chế tài chính, việc thu hút đầu tư vào điện rác sẽ tiếp tục gặp khó khăn, và Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội tận dụng nguồn tài nguyên này để phát triển một ngành năng lượng sạch, bền vững", một chuyên gia năng lượng nhấn mạnh.