Áp dụng quy định mới nhất về thẩm quyền của Cảnh sát môi trường

Theo Nghị định 157/2024/NĐ-CP, từ 20-12, Trưởng Công an huyện có quyền ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm.

Nghị định 157/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 Nghị định 105/2015/NĐ-CP về thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật; yêu cầu giải trình về những hành vi có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Theo quy định mới, đây là thẩm quyền của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an cấp tỉnh; Trưởng Công an cấp huyện.

Ngoài ra, Nghị định 157/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 Nghị định 105/2015/NĐ-CP về thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Theo đó, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an cấp tỉnh; Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Nghị định 157/2024/NĐ-CP còn sửa đổi khoản 2 Điều 8 Nghị định 105/2015/NĐ-CP về thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Đây là thẩm quyền của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an cấp tỉnh; Trưởng Công an cấp huyện.

Cũng theo quy định hiện hành, Cảnh sát môi trường được áp dụng các biện pháp công tác, biện pháp nghiệp vụ sau:

Biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang theo quy định của Luật Công an nhân dân; các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan;

Bố trí người thâm nhập tìm hiểu hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm;

Bố trí lực lượng giám sát hoạt động đối với những người có dấu hiệu phạm tội hoặc tuy chưa có dấu hiệu phạm tội nhưng có căn cứ rõ ràng người đó liên quan trực tiếp đến tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ap-dung-quy-dinh-moi-nhat-ve-tham-quyen-cua-canh-sat-moi-truong-post598797.antd
Zalo