Áp dụng quản lý rủi ro để chống thất thu thuế hộ kinh doanh

Theo Tổng cục Thuế, việc đưa ra bộ tiêu chí quản lý rủi ro giúp chuẩn hóa các nội dung và các bước công việc, tạo sự thống nhất, khách quan trong công tác đánh giá hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Đặc biệt, việc đưa ra bộ tiêu chí quản lý rủi ro góp phần nâng cao khả năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về thuế và hóa đơn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

 Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chống thất thu thuế tại hộ kinh doanh Mỹ Dung 3 (phường 1, TP. Tuy Hòa). Ảnh tư liệu

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chống thất thu thuế tại hộ kinh doanh Mỹ Dung 3 (phường 1, TP. Tuy Hòa). Ảnh tư liệu

Nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, hiện cả nước có tổng số trên 3,4 triệu hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh (CNKD), với số thuế quản lý trên 12,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số hộ khoán là trên 1,9 triệu hộ, số thuế quản lý là trên 3,7 nghìn tỷ đồng; số cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh trên 47,5 nghìn hộ, số thuế quản lý trên 641,4 tỷ đồng; số cá nhân kinh doanh hoạt động đại lý xổ số, bảo hiểm, đa cấp là trên 639 nghìn hộ, số thuế quản lý 102,8 tỷ đồng; số cá nhân kinh doanh khai thuế, nộp thuế thông qua tổ chức khai thay là trên 434,7 nghìn hộ, số thuế quản lý 278,9 tỷ đồng; số cá nhân cho thuê tài sản là trên 61,6 nghìn hộ, số thuế quản lý trên 4,8 nghìn tỷ đồng.

Khai thác ứng dụng Bản đồ số hộ kinh doanh

Để chống thất thu ngân sách đối với hộ, cá nhân kinh doanh, Tổng cục Thuế đã xây dựng các giải pháp tăng cường quản lý, trọng tâm là khai thác ứng dụng Bản đồ số hộ kinh doanh. Thông qua ứng dụng, ngành Thuế đã đưa thêm 31.838 hộ kinh doanh nộp thuế khoán vào quản lý công khai. Đến nay, hệ thống Bản đồ số hộ kinh doanh đã tiếp nhận 285 ý kiến phản hồi, trong đó các cục thuế báo cáo đã thực hiện xử lý 284 ý kiến.

Với xu hướng số lượng người nộp thuế (NNT) ngày một gia tăng, hoạt động kinh tế phát sinh ngày càng phức tạp, ngành Thuế đã đẩy mạnh áp dụng phương pháp quản lý rủi ro (QLRR) nhằm nâng cao tính tuân thủ của NNT, đồng thời phòng chống gian lận gây thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN).

Từ tháng 6/2023, Tổng cục Thuế ban hành công văn hướng dẫn các cục thuế tổ chức kiểm tra “danh sách NNT thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn” theo hệ số K tại ứng dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Tổng cục Thuế cho biết, qua báo cáo kết quả rà soát của cơ quan thuế các cấp, đến cuối năm 2023, toàn ngành đã thực hiện rà soát số lượng lớn NNT (bao gồm cả tổ chức, doanh nghiệp và HKD), xác định các trường hợp vượt hệ số K có rủi ro cao (kê khai sai, dừng hoạt động, bỏ trốn, chuyển cơ quan điều tra,...). Với đặc thù tốc độ phát sinh nhanh của dữ liệu HĐĐT, hệ số K là công cụ theo dõi giám sát có độ trễ sát với thời gian xuất hóa đơn của NNT. Đây cũng là giải pháp quản lý cho thấy tính chủ động và trách nhiệm trong thực thi công vụ của công chức thuế.

Song song với đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng ứng dụng đối chiếu tờ khai và hóa đơn đối với NNT là doanh nghiệp và HKD nộp thuế theo phương pháp kê khai trên phạm vi cả nước. Theo báo cáo của cục thuế các địa phương, tính đến cuối năm 2023, số thuế giá trị gia tăng mà NNT đã thực hiện kê khai bổ sung là hàng nghìn tỷ đồng.

Nâng cao khả năng phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thuế

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, mới đây, Tổng cục Thuế vừa tổ chức cuộc họp trao đổi về “Dự thảo áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh”. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, bộ tiêu chí QLRR là cơ sở giúp cơ quan thuế xác định HKD, CNKD nộp thuế theo phương pháp kê khai và HKD, CNKD nộp thuế theo phương pháp khoán có dấu hiệu rủi ro trong việc vi phạm pháp luật về hóa đơn hoặc có dấu hiệu rủi ro trong việc vi phạm pháp luật về thuế.

Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, việc đưa ra bộ tiêu chí giúp chuẩn hóa các nội dung và các bước công việc, tạo sự thống nhất, khách quan trong công tác đánh giá HKD, CNKD có dấu hiệu rủi ro về thuế và quản lý, sử dụng hóa đơn. Đồng thời, góp phần hiện đại hóa công tác QLRR trong quản lý thuế, quản lý và sử dụng hóa đơn đối với HKD, CNKD; nâng cao khả năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về thuế và hóa đơn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Để thực hiện các biện pháp QLRR trong cơ quan thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo, cơ quan thuế các cấp cần tăng cường triển khai HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Đồng thời, toàn ngành tiếp tục bám sát nội dung Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Từ đó, tăng cường sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, sử dụng cơ sở dữ liệu đó để kết nối thông tin giữa các ngành, tăng cường công tác quản lý thuế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng đề nghị các cục, vụ chuyên môn tập trung phối hợp với Ban Quản lý rủi ro tổ chức triển khai tổng hợp báo cáo sớm bộ tiêu chí, đưa vào hệ thống để lập trình nhằm đưa ra những giải pháp, công cụ phân tích rủi ro, tự động hóa các khâu giúp cơ quan thuế hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời hạn chế rủi ro với công tác nghiệp vụ của công chức quản lý HKD ở cơ quan thuế cấp cơ sở./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ap-dung-quan-ly-rui-ro-de-chong-that-thu-thue-ho-kinh-doanh-156540.html
Zalo