Áo xanh giữ cổng trường bình yên (Kỳ 1: Thanh niên xung kích giải bài toán áp lực giao thông trước cổng trường)
Tại các tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng, với mật độ trường học dày đặc và lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc, vào giờ cao điểm học sinh tan học thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc giao thông. Trước bài toán này, Thành Đoàn Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp sáng tạo, thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện của mình.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, phụ huynh ở quận Hải Châu, chia sẻ: “Mỗi lần đưa đón con là căng thẳng đến ức chế. Xe cộ đông đúc, lòng đường hẹp khiến việc tìm chỗ dừng xe trở nên rất khó khăn”. Tâm trạng ấy không chỉ của riêng chị Hạnh, mà là tâm trạng chung của rất nhiều phụ huynh khác ở các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà…cho đến vùng ven huyện Hòa Vang. Tình trạng ô tô, xe máy đậu đỗ lộn xộn trước nhiều cổng trường, học sinh băng qua đường không đúng nơi quy định, thêm vào đó, hàng rong, quán nước lấn chiếm vỉa hè càng khiến không gian trước nhiều cổng trường trở nên phức tạp. Những điều này làm gia tăng áp lực giao thông trước khu vực cổng trường.
Trước những thách thức này, năm học 2011-2012, mô hình “Cổng trường bình yên” ra đời, mang theo tinh thần tình nguyện tràn đầy và sự phối hợp chặt chẽ giữa đoàn viên thanh niên (ĐVTN), lực lượng Công an, nhà trường và phụ huynh. Theo đó, các cơ sở Đoàn đã triển khai mô hình gắn với việc cử lực lượng, chia thành các ca trực trước cổng trường để nhắc nhở, hướng dẫn phụ huynh đậu, đỗ xe đúng nơi quy định, đồng thời tham gia phân luồng giúp xe lưu thông, tránh ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường, nhắc nhở phụ huynh và học sinh đội mũ bảo hiểm theo quy định, phân luồng cho học sinh băng qua đường theo hàng lối, vận động học sinh, sinh viên tham gia giao thông bằng xe buýt công cộng nhằm giảm ùn tắc giao thông trước cổng trường.
Quận Hải Châu, với 34 trường học các cấp, là một trong những điểm sáng triển khai mô hình này. Theo đó, Quận Đoàn Hải Châu đã thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện, phối hợp với lực lượng Công an khu vực và Cảnh sát giao thông để phân luồng giao thông, nhắc nhở phụ huynh đậu đỗ đúng nơi quy định. Các đội hình này hoạt động tích cực trong giờ cao điểm, hướng dẫn học sinh qua đường an toàn. Đặc biệt, 19 trường tiểu học tại quận đã triển khai mô hình một cách đồng bộ, mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nâng cao ý thức của người dân trong việc đậu, đỗ xe đúng nơi quy định, không lấn chiếm lòng lề đường và cách xa cổng trường 15 m, học sinh tan học theo đúng phần cổng quy định. Nhờ đó, tình trạng ùn tắc giao thông trước một số cổng trường đã giảm đáng kể so với thời gian trước. Anh Lê Viên Thành - Phó Bí thư Quận Đoàn Hải Châu, chia sẻ, việc thiết lập lại trật tự giao thông trước các cổng trường học không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn nâng cao ý thức của người dân. Những thay đổi nhỏ nhưng tích cực này góp phần tạo nên một môi trường giao thông an toàn hơn.
Còn tại quận Sơn Trà, để triển khai hiệu quả mô hình “Cổng trường bình yên”, Quận Đoàn đã tập trung vào công tác tuyên truyền và ra quân cao điểm tại các tuyến đường chính. Quận Thanh Khê cũng là điểm sáng với hơn 120 tình nguyện viên thuộc 10 đội hình tham gia không chỉ điều tiết giao thông mà còn tổ chức các hội thảo, tọa đàm về luật giao thông dành cho học sinh và phụ huynh. Anh Võ Duy Rin - Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê thông tin, đơn vị đã tổ chức hơn 45 lớp tập huấn và gần 26 nghìn lượt tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh và đoàn viên. Những hoạt động này không chỉ nâng cao nhận thức mà còn giúp trang bị kỹ năng thực hành giao thông an toàn (ATGT).
Những kết quả tích cực từ mô hình “Cổng trường bình yên” đã đạt được các kết quả khả quan. Tại nhiều điểm trường, tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm đã giảm đáng kể. Phụ huynh dần hình thành thói quen đậu xe gọn gàng, không lấn chiếm lòng đường, học sinh được hướng dẫn qua đường theo hàng lối an toàn. Bà Trần Thị Hoa, một phụ huynh tại quận Sơn Trà, bày tỏ: “Tôi rất cảm kích khi thấy các đoàn viên và các lực lượng ngày ngày hỗ trợ trước cổng trường. Điều này không chỉ giúp chúng tôi yên tâm mà còn dạy cho con trẻ ý thức giao thông ngay từ nhỏ”.
Bên cạnh hiệu quả đảm bảo ATGT, mô hình còn tạo ra sự gắn kết giữa các lực lượng tham gia, bao gồm nhà trường, ĐVTN và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để mô hình hoạt động bền vững, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Bởi thực tế, mỗi trường học, mỗi địa phương lại có những đặc thù riêng về cơ sở vật chất, tình hình giao thông và mức độ nhận thức của cộng đồng. Do đó, việc triển khai mô hình tại các cơ sở cần phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với từng địa bàn, từ đó phát huy tối đa hiệu quả của mô hình.
(còn nữa)